Homestay là gì?
Homestay là loại hình du lịch mà khách du lịch sẽ nghỉ tại nhà người dân địa phương, nơi mà họ đặt chân đến, nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó.
Hay hiểu một cách khác, homestay là loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, tức lưu trú tại nhà dân, địa phương nơi khách đến, giúp nơi đó quảng bá văn hóa, con người và cảnh đẹp một cách chân thật nhất. Khi lưu trú tại các homestay, du khách cũng được yêu cầu “nhập gia tùy tục”, ví dụ như mặc quần áo của người dân bản địa, sinh hoạt theo tập quán của họ.
Loại hình du lịch homestay được đánh giá là đặc biệt phù hợp với quốc gia đa văn hóa như Việt Nam, xuất hiện khá nhiều tại các khu vực du lịch nghỉ dưỡng trọng điểm như: Đà Lạt, Hội An, Mai Châu, Sa Pa, Quảng Ninh, Nha Trang, Phú Quốc…
Đặc trưng thú vị của homestay
Vị trí
Đa số các homestay được xây dựng tại những nơi có tài nguyên hoang dã, còn nguyên sơ và cần được bảo tồn. Những khu dân cư có tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng, mang nét đặc trưng theo tôn giáo, tộc người và phong tục mỗi nơi… Mô hình này còn xuất hiện ở một số nơi có điều kiện tài nguyên, văn hóa nhưng chưa có kinh phí để phát triển quy mô khách sạn, nhà nghỉ hay nhà hàng.
Quy mô nhỏ, giá rẻ
Để có thể kinh doanh loại hình du lịch homestay, các hộ gia đình sẽ tự cải tạo ngôi nhà của mình đáp ứng các yêu cầu thiết yếu rồi xin giấy phép kinh doanh tại chính quyền địa phương và bắt đầu đón khác.
Với mô hình homestay, mỗi gia đình chỉ đón 10 đến 30 du khách một lượt, tùy thuộc quy mô cụ thể từng nhà. Mức giá của homestay cho thuê cũng khá phù hợp, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn/phòng/đêm, tùy thuộc quy mô phòng, tiện nghi và dịch vụ đi kèm.
Dịch vụ tiện nghi
Nhằm đáp ứng tiêu chí gửi đến du khách những trải nghiệm chân thực nhất, nên các dịch vụ đi kèm của homestay dừng lại ở mức trung bình khá: Ăn uống, ngủ nghỉ, cho thuê xe đạp, xe máy…
Chủ yếu khách du lịch ở đây thường đến từ nhiều vùng và họ không quen nhau trước đó. Vì vậy, khi lưu trú tại homestay, họ sẽ cùng nhau được tham gia các hoạt động, tìm hiểu văn hóa, con người của vùng đất nơi họ lưu trú.
Homestay không chỉ là một mô hình lưu trú mà còn là chiếc cầu nối để con người gần nhau hơn, quen nhau và giao lưu với nhiều người ở các quốc gia, các vùng miền khác nhau. Đặc biệt, bạn cũng có thể cải thiện khả năng ngoại ngữ vì homestay có khá nhiều khách nước ngoài.
Có những trải nghiệm mới
Tại homestay, cũng có những hướng dẫn viên du lịch đưa khách đến tìm hiểu những danh lam thắng cảnh hoang sơ, đẹp lạ với những nét tập quán đặc trưng và văn hóa tinh thần của nơi họ đến. Homestay là loại hình dành cho những người đam mê khám phá phong tục, tập quán, văn hóa ở những vùng đất mới. Từ việc ở cùng người dân địa phương, cùng sinh hoạt và trải nghiệm cuộc sống, du khách có cái nhìn thực tế và gần hơn với văn hóa của vùng đất khách.
Homestay là dịch vụ “ăn bản - ngủ bản”
Là một phương thức hoạt động kinh doanh mà cộng đồng dân cư chính là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch, bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, đôi khi còn “bao” luôn cả vai trò của một hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn du khách tìm hiểu đời sống văn hóa cũng như tinh thần, các danh lam thắng cảnh đẹp, lạ, hoang sơ mà nếu không phải người bản địa, chưa chắc người khác đã biết.
Cần chuẩn bị những gì khi kinh doanh homestay?
Những năm gần đây, với nguồn thu đáng kể do đầu tư homestay đem lại, nhiều cá nhân và các hộ gia đình kinh doanh lưu trú đã mạnh dạn đẩy mạnh kinh phí cho bất động sản để phát triển kinh doanh, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn, sau đó cho thuê lại ngắn hạn với giá cao hơn. Hướng đi này không quá mới mẻ và đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết được khi lựa chọn bất động sản để đầu tư homestay, chọn mua nhà mới hay thuê lại sẽ tốt hơn. Song, trước khi quyết định đầu tư vào homestay, chủ nhà cần lưu ý một số điều sau đây:
Vốn
Tùy thuộc vào mục đích kinh doanh của từng người, vốn có thể dao động từ vài chục triệu cho tới vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, theo những chuyên gia giàu kinh nghiệm, số vốn an toàn nhất nên vào khoảng 300 - 500 triệu đồng bởi trong quá trình vận hành homestay sẽ có nhiều chi phí phát sinh và nhà đầu tư có thể phải bỏ tiền để bù lỗ trong thời gian đầu khi homestay chưa có nhiều khách.
Nghiên cứu thị trường
Để thành công với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, bạn cũng cần phải nghiên cứu thị trường một cách kỹ lưỡng. Và kinh doanh homestay cũng không phải là ngoại lệ. Bạn cần phải “khoanh vùng” được khách hàng mục tiêu mà bạn muốn nhắm tới. Họ là ai? Bao nhiêu tuổi? Sở thích của họ là gì?… Tất cả những đặc điểm này sẽ quyết định vị trí của homestay và cách bạn thiết kế để khách hàng của bạn “ở một lần là không muốn về”.
Địa điểm
Vị trí đắc địa là yếu tố quan trọng nhất khi kinh doanh dịch vụ lưu trú, và kinh doanh homestay cũng không phải là ngoại lệ. Do khách hàng của homestay muốn đi thăm thú nhiều nơi mà tốn ít thời gian nhất có thể, nên địa điểm của homestay cũng cần thuận tiện cho họ di chuyển.
Đối với các địa phương có truyền thống về du lịch, cần lựa chọn địa điểm kinh doanh homestay ở gần các điểm du lịch nổi tiếng. Đối với những homestay ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, hãy chọn địa điểm ở gần trung tâm để du khách tiện đi lại và cũng sầm uất hơn.
Thuê mặt bằng (nếu bạn không sở hữu)
Nếu bạn đã sở hữu sẵn mặt bằng để kinh doanh homestay thì càng tốt. Điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu và nhanh chóng thu hồi vốn hơn. Tuy nhiên, nếu không sở hữu mặt bằng thì bạn hoàn toàn có thể đi thuê lại từ người khác. Rất nhiều người đã và đang kinh doanh homestay rất hiệu quả theo cách này.
Hoàn thành thủ tục cấp phép kinh doanh homestay
Giống như tất cả hình thức kinh doanh dịch vụ lưu trú khác, kinh doanh homestay là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Để được cấp phép kinh doanh homestay, bạn cần đáp ứng đầy đủ những yêu cầu, điều kiện đã được quy định rất cụ thể và rõ ràng trong các văn bản pháp luật như: Luật Du lịch 2005, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Nghị định 79/2014/NĐ-CP… Ngoài ra, bạn cũng cần được cấp các giấy phép như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy, giấy chứng nhận an ninh trật tự, giấy công nhận xếp hạng.
Tuyển quản lý và nhân viên cho homestay
Để vận hành một homestay, bạn bắt buộc phải thuê nhân viên. Và nếu bạn không có thời gian và kinh nghiệm để quản lý homestay, bạn cần phải thuê một quản lý cho homestay của mình.