Hạ tầng giao thông là một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng hàng đầu của nền kinh tế. Việc phát triển hạ tầng giao thông hiện nay được chúng ta đặc biệt quan tâm.
Trên thực tế, Nhà nước đã bố trí lượng ngân sách lớn cho các dự án giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm.
Tuy nhiên, dù Nhà nước có đầu tư bao nhiêu thì việc huy động vốn đầu tư của toàn xã hội vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu chỉ trông chờ vào vốn đầu tư công thì chúng ta khó đảm bảo yêu cầu về cơ sở hạ tầng giao thông cho sự phát triển trong thời gian tới.
Để làm được điều này, phải đẩy mạnh hình thức đầu tư đối tác công tư - PPP trong các dự án giao thông, nhất là những công trình trọng điểm. Mỗi một đồng vốn đầu tư công cần được coi như “vốn mồi” và phải kéo theo nhiều đồng vốn từ xã hội thì mới thành công. Cách làm của Quảng Ninh thời gian qua là một ví dụ rất điển hình.
Về nhu cầu vốn đầu tư các tuyến cao tốc, giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 350.936 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD), trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 219.523 tỷ đồng (62%), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 131.413 tỷ đồng.
Theo quan điểm của tôi thì chúng ta có thể huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách cao hơn con số dự kiến này.
Để huy động được toàn xã hội tham gia đầu tư hạ tầng giao thông thì cần phải có những chính sách, cơ chế phù hợp, đảm bảo lợi ích giữa nhà đầu tư với Nhà nước.
Ví dụ, hiện nay thì các nhà đầu tư đề xuất cần nâng mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP lên trên 50% tổng mức đầu tư dự án (Luật PPP quy định vốn góp của Nhà nước không vượt quá 50%) thì cũng có lý do.
Nếu có những sửa đổi về Luật PPP, có cam kết chính sách đảm bảo để nhà đầu tư cảm thấy an toàn, nhìn thấy lợi nhuận thì chắc chắn họ sẽ đầu tư.
Với sự tham gia của tư nhân bằng những hình thức PPP, BOT,… tôi tin chắc hiệu quả của việc đầu tư, vận hành, sử dụng các công trình giao thông sẽ được phát huy. Nguồn lực trong tư nhân rất lớn, cần phải huy động được nguồn lực này.
Mặt khác, không chỉ khối tư nhân mà việc huy động nguồn lực từ ngoài nước đầu tư vào hạ tầng giao thông cũng rất quan trọng. Vấn đề còn lại là chúng ta khuyến khích họ như thế nào, bằng những cơ chế chính sách gì.
Trong phát triển hạ tầng giao thông, có một vấn đề cần quan tâm nữa là khâu giải phóng mặt bằng. Có không ít dự án, nguồn vốn có rồi nhưng chỉ vì vướng giải phóng mặt bằng nên không thể triển khai dự án đúng tiến độ.
Đây cũng là điều mà Nhà nước cần phải quan tâm và có những chính sách về đất đai phù hợp với thực tế hiện hành.
* ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam