Aa

Cần có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM

Thứ Năm, 07/09/2017 - 01:27

Sáng 6/9, tại trụ sở Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020 và các cơ chế chính sách đặc thù của TP.HCM.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo một số bộ, ngành.

Trình bày đề xuất cơ chế đặc thù của TP.HCM để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP.HCM trong hơn 40 năm qua là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, là địa phương có đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gấp khoảng 1,5 lần cả nước.

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí tụt hậu. Hơn 30 năm đổi mới, cơ chế, chính sách phát triển của TP.HCM không khác gì so với các địa phương khác.

Song do có các đặc thù, lợi thế của Thành phố mà trong điều kiện chung đó, Thành phố đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt trội hơn cả nước.

Tuy nhiên, đặc thù của Thành phố đều có 2 mặt. Dân số đông nhất cả nước và gia tăng liên tục trong hơn 40 năm, một mặt là nguồn nhân lực cho Thành phố phát triển, mặc khác với mật độ dân số gấp 15-20 lần cả nước hiện nay, cường độ kinh tế (GDP/km2) gấp 30-40 lần cả nước thì nhu cầu về giao thông trên 1 km2; nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, trường học, khám chữa bệnh (trên 1 đơn vị diện tích) gấp hàng chục lần cả nước. Giải quyết các vấn đề này đòi hỏi mức độ đầu tư trên 1 đơn vị diện tích cũng gấp hàng chục lần cả nước.

Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM bao gồm 4 vấn đề chính là tăng cường phân cấp ủy quyền; tự chủ tài chính; trả lương theo năng suất, hiệu quả lao động; kiện toàn ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía nam và vùng TP.HCM.

Các ý kiến tại cuộc làm việc đều nhất trí đánh giá về vị trí, vai trò quan trọng của TP.HCM đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 30 năm đổi mới, TP.HCM đạt thành tựu to lớn, toàn diện, góp phần vào thành tựu chung của vùng và cả nước.

Chỉ ra các thách thức đối với sự phát triển của Thành phố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, xu hướng gia tăng dân số cơ học rất cao gây áp lực lớn đến hạ tầng, nhất là giao thông, nhà  ở. Do đó, quản lý, kiểm soát dân cư là thách thức lớn nhất khi có những dự án phải điều chỉnh 3 - 4 lần so với ban đầu chỉ vì gia tăng dân số ngoài dự tính. Phó Thủ tướng cho rằng vị trí đầu tàu kinh tế đòi hỏi TP.HCM tăng trưởng cao nhưng cần bền vững.

Đánh giá cao báo cáo của Thành phố, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, có thể tóm lại trong 6 từ “khát vọng, trách nhiệm, sẻ chia”. TP.HCM thể hiện khát vọng tiếp tục vươn lên, thể hiện trách nhiệm với cả nước, cảm thông, chia sẻ với điều kiện chung của cả nước.

Về khó khăn, thách thức, Phó Thủ tướng cho rằng có 2 điểm nổi lên là tăng trưởng của Thành phố chưa tương xứng với tiềm năng; kết cấu hạ tầng quá tải, gây cản trở trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường ngày càng gay gắt.

“Bức thiết phải có cơ chế, chính sách vượt trội cho TP.HCM, nếu không tốc độ phát triển của Thành phố sẽ chậm lại”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý Thành phố nên tập trung làm một số đề án như đề án đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở tại Thành phố, phát triển công nghiệp văn hóa, đề án tái cơ cấu ngành du lịch, dịch vụ...

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, trước hết, Thành phố cần phát huy nội lực, sức sáng tạo của mình với các biện pháp đột phá, cộng thêm các cơ chế, chính sách đặc thù thì có thể phát huy hiệu quả theo cấp số nhân. Phó Thủ tướng nhất trí rằng cần thiết phải phân cấp mạnh cho Thành phố, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong một số lĩnh vực.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Phân cấp tối đa cho TP.HCM

Đề nghị TP.HCM tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc để hoàn thiện đề án bảo đảm tính bao quát, tổng thể, khả thi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng TP.HCM có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện Nghị quyết 16 trong 5 năm qua, đạt nhiều kết quả tốt. 

Tuy nhiên, cũng xuất hiện nhiều vấn đề bất cập mà “chúng ta không cố gắng vượt qua với sự phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt sáng tạo của Thành phố cùng với cơ chế, chính sách của Trung ương thì Thành phố gặp khó khăn”. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của Thành phố so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, có mặt tụt hậu. Từ nguy cơ này, đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù cho TP.HCM, trong khi TP.HCM đang trên chặng đường hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16 đưa ra. 

Thủ tướng nhắc lại tầm nhìn đã gợi mở cho TP.HCM trong cuộc làm việc vào tháng 6/2017 là trở thành thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, nơi hội tụ văn hóa Đông – Tây gắn với các giá trị nhân văn, cùng với đó là giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt (mà hiện thân là những con người phóng khoáng, nghĩa hiệp, thân thiện, dũng cảm và hiếu khách).

“Yêu cầu đối với TP.HCM rất cao nên tôi thấy trăn trở của đồng chí Bí thư Thành ủy là chính xác”, Thủ tướng chia sẻ.

Nhất trí với những giải pháp, phương hướng lớn mà Thành ủy TP.HCM đặt ra, Thủ tướng cho rằng phải tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cần xác định Thành phố còn dư địa phát triển lớn trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và cần thấy rõ hơn khoảng cách, trình độ phát triển còn thấp so với các thành phố lớn khác ở Đông Nam Á. Do đó, yêu cầu đối với Thành phố là phải đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn.

Thủ tướng nhất trí cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển trên địa bàn, nhất là tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố tầm nhìn 2025 – 2030, trong đó cần quy hoạch sử dụng đất có hiệu quả hơn. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các thể chế, chính sách để tăng cường phát triển vùng, liên kết vùng, trong đó tập trung vào liên kết hạ tầng.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, chú trọng nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài trong điều kiện nguồn lực Nhà nước hạn hẹp. Phát triển lĩnh vực xã hội tương xứng với kinh tế, trong đó vấn đề lớn nhất là tập trung đào tạo nguồn nhân lực.

TP.HCM phải nằm trong nhóm xếp hạng cao nhất, là đầu tàu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thủ tướng nhất trí cần có cơ chế, chính sách đặc thù để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn với tinh thần “Thành phố vì cả nước, cả nước vì Thành phố”.

Trong đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa, tạo sự chủ động, sáng tạo đối với Thành phố gắn với đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đối với những vấn đề liên quan đến thẩm quyền Quốc hội thì tổng hợp, đề xuất, những vấn đề mới phát sinh thì xin đề xuất làm thí điểm.

Để tạo điều kiện cho TP.HCM, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Ban cán sự Đảng Chính phủ là ủng hộ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền theo hướng cho phép Thành phố thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top