Aa

Cần có giải pháp hạn chế quy hoạch "treo"

Thứ Năm, 02/04/2020 - 16:30

Tại Phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Một số Đại biểu đề nghị cần có giải pháp hạn chế quy hoạch "treo".

Đồng thời, cần cấp phép xây dựng có thời hạn trong các khu đất có quy hoạch chậm triển khai để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

Ảnh: H.Trang

Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật cùng với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật.

Theo Ủy ban thẩm tra, về quy hoạch chậm triển khai thực hiện, pháp luật về quy hoạch xây dựng đã có quy định về rà soát quy hoạch để kịp thời xem xét điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển (Điều 46, Luật Quy hoạch đô thị và Điều 15, Luật Xây dựng). Luật Xây dựng hiện hành đã có quy định về việc xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ có thời hạn trong vùng quy hoạch.

Thực tế, có nhiều quy hoạch triển khai quá chậm trễ, kéo dài so với quy định đã gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đời sống và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong các khu quy hoạch chậm triển khai.

Về sự cần thiết quy định về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có một số đặc thù như đa dạng về hình thức và mục tiêu, có yêu cầu cao đối với tính đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng nguồn lực tài nguyên lớn về đất đai, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của một bộ phận lớn dân cư đô thị, thường triển khai đầu tư xây dựng trong thời gian dài, vừa thi công xây dựng, vừa kinh doanh khai thác...

Do vậy, để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm về hồ sơ, công tác thẩm định dự án và bàn giao công trình do đó không phát sinh thủ tục hành chính mới, không thay đổi trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Về quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai, Ủy ban thẩm tra nhận thấy, các nội dung quy định về quy hoạch xây dựng tại Luật Quy hoạch đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014 đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, đảm bảo phù hợp, thống nhất với Luật Quy hoạch.

Đồng thời, đã làm rõ loại quy hoạch nào thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào là quy hoạch có tính kỹ thuật chuyên ngành, quy định cụ thể về điều kiện, trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện phù hợp với quy định tại Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh vướng mắc liên quan tới việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch phân khu của khu chức năng. Do đó, quy định này được sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng.

Về phân loại và cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trong dự thảo Luật vẫn kế thừa quy định về phân loại, cấp công trình tại Luật hiện hành, nhưng đã loại bỏ một số tiêu chí phân cấp đã được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành (về thời hạn sử dụng, vật liệu xây dựng và yêu cầu kỹ thuật).

Về đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính đối với quy trình thẩm định cấp phép xây dựng, đặc biệt là các công trình nhà ở riêng lẻ, dự thảo Luật đã quy định trên cơ sở rà soát phù hợp với nguyên tắc tích hợp hai thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp phép xây dựng, đảm bảo thuận tiện, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, tất cả các công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở được miễn giấy phép xây dựng.

Đối với công trình thuộc đối tượng phải thực hiện cả hai thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở và cấp phép xây dựng theo Luật hiện hành, dự thảo Luật quy định tích hợp một số nội dung thẩm định thiết kế xây dựng được xem xét đồng thời trong bước cấp phép xây dựng làm giảm tổng thời gian thẩm định, cấp phép xây dựng công trình.

Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn. Theo đó, chỉ miễn giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, trừ công trình được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top