Aa

Cần “cởi mở” hơn để phát triển nền kinh tế du lịch

Thứ Bảy, 23/12/2017 - 05:02

Ngày 22/12, Tổng cục Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” tại Hà Nội, để lắng nghe những ý kiến của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, đại diện doanh nghiệp... góp phần đề ra những ưu tiên đúng đắn trong quá trình tái cơ cấu ngành du lịch.

Tiệm cận 13 triệu khách quốc tế

Trong những năm gần đây, du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng. Tổng thu của ngành năm 2017 dự kiến đạt 500.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với năm 2016 (400.700 tỷ đồng). Từ 2011 đến 2016, du lịch nội địa tăng từ 30 triệu lên 62 triệu lượt khách, du lịch quốc tế tăng từ 6 triệu lên 10 triệu lượt.

Ngành du lịch đã đóng góp 6,96% GDP và 67,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2016. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng nhanh nhất.

Năm 2016, Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Con số này dự kiến tăng lên đến 13 triệu trong năm nay. Trong đó, Đông Bắc Á và Đông Nam Á là hai thị trường trọng điểm, lần lượt chiếm 55% và 15% trong tổng số khách du lịch nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục cho biết, năm 2017 đã chứng kiến nhiều đổi thay của ngành, đặc biệt từ khi Nghị quyết số 08 – NQ/TW được thực hiện và vừa qua quốc hội đã thông qua Luật Du lịch sẽ có hiệu lực từ 1/1/2018, điều này cho thấy ngành du lịch luôn được chú trọng quan tâm từ cấp quản lý nhà nước. Hiệu quả từ những chính sách này được thể hiện rất rõ khi lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang gia tăng, “Tôi hoàn toàn tự tin từ nay đến hết năm 2017 chúng ta hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 13 triệu khách du lịch nước ngoài, dự kiến sẽ thu về hơn 23 tỷ USD”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Mặc dù ngành du lịch Việt Nam nhìn chung đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể đạt được mục tiêu năm 2030, đóng góp 12% cho GDP. Tăng trưởng nhanh nhưng khoảng cách giữa du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực vẫn còn rất lớn.

Theo ông Tấn, thành tựu du lịch hiện còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện. “Để có thể phát triển ngành du lịch toàn diện chúng ta cần phải có sự đồng bộ trong chuỗi và trong cấu trúc của ngành du lịch Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Theo Báo cáo chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam xếp thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên du lịch, thứ 30 về tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ, thứ 37 về nguồn nhân lực du lịch. Tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu khi chỉ xếp thứ 67/136 nền du lịch được WEF xếp hạng.

Nhìn vào các chỉ số trên cạnh tranh nêu trên, nếu coi các tài nguyên du lịch và nguồn nhân lực du lịch là những yếu tố khá ổn định, có thể cải thiện thêm nhưng rất có thể tạo được sự thay đổi đột phá, thì tái cấu trúc du lịch Việt Nam, về bản chất, là làm tất cả những gì trong ngắn hạn và dài hạn để cải thiện đáng kể, thậm chí mang tính đột phá, ở những chỉ  số cạnh tranh đang thấp của Việt Nam trong so sánh toàn cầu, đặc biệt là với các nước trong khu vực, có lộ trình và các giải pháp cụ thể đưa các lĩnh vực đang có chỉ số cạnh tranh thấp lên các mức cao và đồng bộ tăng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của du lịch Việt Nam.

Các khách mời cùng nhau thảo luận về vấn đề cơ cấu lại ngành du lịch. Ảnh: VGP/Phương Liên

Các khách mời cùng nhau thảo luận về vấn đề cơ cấu lại ngành du lịch. Ảnh: VGP/Phương Liên.

Muốn thành công, phải đồng bộ

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng, trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp. Đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành.

Sản phẩm du lịch phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao, như châu Âu.

Cũng theo ông Kỳ, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải thể hiện rõ hơn nữa, nhất là trong các công tác quản lý, xử lý để bảo đảm môi trường du lịch. Môi trường du lịch còn là vấn đề bất cập chưa có hướng giải quyết triệt để, nạn ô nhiễm, tình trạng giao thông cùng các tệ nạn xảy ra tại các thành phố du lịch vẫn chưa giảm, an toàn thực phẩm chưa kiểm soát chặt chẽ. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch.

TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, trước mắt, ngành du lịch cần đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục cụ thể và đo lường được. Ví dụ như chi bao nhiêu tiền để xúc tiến, có bao nhiêu khách du lịch quốc tế mới… Về thị trường, cần khai thác tối đa tiềm năng các thị trường. Cần tăng thêm nguồn lực để thu hút khách du lịch từ châu Âu, châu Mỹ… Do đó, nên xem xét, miễn thị thực cho khách du lịch từ các thị trường tiềm năng, chất lượng cao.

Bên cạnh đó, rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan, bãi bỏ các quy định không hợp lý, không còn phù hợp, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh du lịch. Và cần thay đổi cách thức quản lý nhà nước, coi các dịch vụ văn hóa cũng là dịch vụ du lịch, coi các sự kiện văn hóa là sự kiện phục vụ cho du lịch.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong việc đưa ra các chủ trương, chính sách cho phát triển ngành du lịch. “Cần “cởi mở” hơn tránh gò bó trong các quy định chính sách để các doanh nghiệp có thể sáng tạo trong kinh doanh du lịch từ đó thúc đẩy tính cạnh tranh, thể hiện rõ vai trò của nền kinh tế thị trường để từ đó phát triển nền kinh tế du lịch”, TS. Cung cho biết.

Đồng tình với TS. Cung, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng giám đốc kiêm Trưởng Ban Pháp chế của Tập đoàn FLC cho rằng cần có quy định rõ ràng để các doanh nghiệp biết mình có thể sáng tạo đến đâu? “Việc sáng tạo đổi mới của doanh nghiệp luôn phải tuân theo phát triển bền vững cho du lịch, tuy nhiên ranh giới giữa phát triển bền vững và và không bền vững trong du lịch rất mong manh, vì thế cần phải có những tiêu chí rõ ràng minh bạch để các doanh nghiệp có thể triển khai các kế hoạch phát triển và các dự án du lịch trong tương lai”, bà Yến nhận định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top