Aa

Cần coi trọng mối quan hệ thông gia

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 11:36

Nếu có một mối quan hệ nào luôn xét nét, giữ kẽ, được coi trọng và luôn giữ thái độ ứng xử đúng phép tắc, đó là mối quan hệ thông gia (sui gia).

Bất kỳ gia đình nào cũng có mối quan hệ thông gia. Hầu hết chúng ta ai cũng sẽ đến lúc “ngồi sui”. Mối quan hệ này vừa mới mẻ, lại cực kỳ tế nhị, nên ban đầu chúng ta không khỏi lúng túng, ngại ngần trong ứng xử.

Từ lần đầu “chạm ngỏ” nhà gái đến lễ ăn hỏi, lễ cưới rồi còn cả một khoảng thời gian rất dài sau đó, cả hai bên sẽ có rất nhiều cơ hội để giao tiếp với nhau. Vậy nên cần phải trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng giao tiếp, nghệ thuật ứng xử, phong tục, tập quán vùng miền để khi “ngồi sui” không vấp phải những điều đáng tiếc với anh chị sui, gia đình họ hàng bên thông gia, nhằm tạo mối quan hệ tốt đẹp. Mối giao hảo thân thiện của hai bên thông gia ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc lâu dài của đôi trẻ.

thong-gia

Từ lần đầu “chạm ngỏ” nhà gái đến lễ ăn hỏi, lễ cưới rồi còn cả một khoảng thời gian rất dài sau đó, cả hai bên sui gia sẽ có rất nhiều cơ hội để giao tiếp với nhau (ẢNh: TGTT)

Qua thực tiễn cuộc sống, ông bà ta đúc kết: “Bà con ngày một xa/ Sui gia ngày một gần”, nói lên sự gắn kết bền chặt của mối quan hệ thông gia. Con rể hay con dâu khi đó sẽ trở thành người nhà của mình cho dù trước kia chúng là con trai hoặc con gái của người ta.

Con dâu sẽ sinh ra cho mình những đứa cháu nội. Chàng rể thì “tiếp tay” cho con gái mình sinh ra những đứa cháu ngoại. Các cháu nội/ngoại đều mang dòng máu của cả hai bên thông gia. Vậy há chẳng phải sui gia tuy người dưng nhưng “ngày một gần” sao? Vì thế, chúng ta có trách nhiệm phải trân quí, nâng niu mối quan hệ mật thiết này. Mối quan hệ thông gia có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc hôn nhân của con cái. Quan hệ thông gia rạn nứt sẽ đẩy con cháu vào tình trạng khó xử cùng những rắc rối trong quan hệ gia đình.

“Làm sui một nhà biết ra cả họ” bởi khi có mối quan hệ thông gia, ắt sẽ phát sinh những mối quan hệ “ăn theo” khác. Như cô, dì, chú bác, anh, chị... bên thông gia nhà mình. Từ hoan, hôn, tang, tế... chúng ta đều phải đến dự, đến viếng cho đúng lễ nghĩa. Chẳng hạn như bên ông bà, cha mẹ thông gia của mình có người qua đời ta phải chuẩn bị mua lễ vật, hoành, vãng, cũng như cúng tế phải đúng theo tục lệ ở địa phương đó. Hay như lễ mừng thọ, của gia đình bên thông gia mời. Ta cũng phải có những món quà thật ý nghĩa. Nhất là biết người được mừng thọ hằng ngày thích gì. Hoặc mừng thôi nôi, sinh nhật của cháu mình mà bên thông gia tổ chức, ta cũng phải “hòa đồng” từ khâu tổ chức đến đóng góp tài chính.

Xây dựng mối quan hệ này, không phải riêng chỉ có hai bên thông gia, mà có cả sự “cộng tác đắc lực” của con trai, con gái, con rể, con dâu mình nữa. Vậy nên, bổn phận làm con (hay dâu, rể) nếu có việc vì chưa hài lòng cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, cũng nên thẳng thắn (nhưng mềm mỏng) bày tỏ hay “chín bỏ làm mười” những điều không đáng. Qua đó, góp phần cho cha mẹ ruột hay cha mẹ vợ, cha mẹ chồng luôn luôn giữ hòa khí trong tình thông gia bền vững, tốt đẹp.

Thiết nghĩ những người sắp “làm sui” rất cần học tập kinh nghiệm, trang bị cho mình những kiến thức nhất định để không bỡ ngỡ trong vai trò mới mẻ nhưng đầy thú vị này.


Video: Câu chuyện tình yêu hạnh phúc của cặp vợ béo, chồng gầy khiến cộng đồng mạng ngưỡng mộ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top