Aa

Cần công cụ kinh tế tham gia vào “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Năm, 16/01/2020 - 10:00

Ô nhiễm không khí là mối đe dọa lớn và có tác động tiêu cực tới xã hội và nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần hoạch định và thực thi những công cụ chính sách cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Chất lượng không khí tại Việt Nam đang tụt hậu

Ô nhiễm môi trường và đặc biệt là ô nhiễm không khí đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con người. Ô nhiễm không khí đã gây ra hàng loạt những hệ luỵ về sức khoẻ cũng như sự phát triển của xã hội. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí như tim, phổi, đột quỵ…

Theo kết quả của các nhóm nghiên cứu đưa ra, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí được ước tính từ 10,82 - 13,63 tỷ USD, tương đương từ 4,45 - 5,64% GDP. Còn theo Báo cáo Chỉ số năng lực môi trường 2018 (EPI), Việt Nam đứng thứ 132/180 nền kinh tế về thành tích môi trường nói chung, chất lượng không khí đứng thứ 159. Nhưng xét trên tổng thể về năng lực và thực thi chính sách bảo vệ môi trường thì Việt Nam thuộc nhóm nước có năng lực quản lý môi trường trung bình.

Tại Toạ đàm Đối thoại chính sách: "Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm" ngày 14/1, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Hội không khí sạch Việt Nam cho rằng ô nhiễm không khí tại nước ta hiện nay ngoài nguyên nhân từ tốc độ phát triển của phương tiện công cộng, hoạt động xây dựng và các làng nghề, thì nguồn thải điểm cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Ô nhiễm không khí đã gây ra hàng loạt những hệ luỵ về sức khoẻ cũng như sự phát triển của xã hội

“Các khu vực sản xuất công nghiệp chủ yếu nằm trong các ngành: xi măng, sắt thép, nhiệt điện, hoá chất... Cụ thể, xi măng lò quay có 35 nhà máy phát thải chủ yếu ô nhiễm bụi, SO2; nhiệt điện chạy than có 29 nhà máy phát thải tro xỉ, bụi, khí SO2, CO2; luyện thép có 35 nhà máy phát thải bụi, SO2, NO2, CO; và hàng trăm mỏ khai thác khoáng sản, nhà máy sản xuất phân bón”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, PGS. TS. Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu & Đô thị, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nghiên cứu về tổn thất, thiệt hại kinh tế từ ô nhiễm không khí trong gần 10 năm qua. Các thông tin liên tục được cập nhật và đến nay các số liệu, kết quả nghiên cứu tương đối hoàn thiện.

Cụ thể, công trình nghiên cứu về chất lượng không khí dựa trên phương pháp mô hình đánh giá ngẫu nhiên nhị phân để lượng giá thiệt hại này, một trong những loại lượng giá phi thị trường.

“Cấu trúc kinh tế phụ thuộc vào FDI chính là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng này. So với các nước phát triển trên thế giới, họ có hệ thống kiểm soát khí thải chặt chẽ, tiêu chuẩn cao với chi phí lớn. Còn ở những nước đang phát triển như Việt Nam thì tiêu chuẩn còn thấp, sự giám sát, quản lý còn lỏng lẻo và chi phí môi trường thấp hơn rất nhiều. Chính vì vậy, việc chuyển dịch sản xuất chính là để tiết kiệm chi phí chi dành cho môi trường”, PGS. TS. Đinh Đức Trường nhận định.

Những chính sách quản lý cần chặt chẽ và đi sâu vào thực tiễn

TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, cần có những chính sách quản lý đúng hướng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam một cách triệt để. Đối với các chính sách ngắn hạn, cần bổ sung, sửa đổi phù hợp và sát với yêu cầu thực tiễn, khi ban hành phải có hiệu lực ngay đối với các đối tượng có hành vi vi phạm luật bảo vệ môi trường. Phát triển hệ thống cây xanh, chỉnh trang đô thị và khu dân cư.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu đã chỉ rõ hoạt động giao thông hiện nay chính là nguồn xả thải chủ yếu gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Do vậy, nguồn tài chính cho việc này cần được phân bố hợp lý, cho giám sát và xử phạt vi phạm; đầu tư cho năng lượng xanh, sạch; tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường.

Nhưng để giải quyết được triệt để việc ô nhiễm không khí tại nước ta thì cần có những chính sách và giải pháp dài hạn.

“Tăng cường sử dụng các công cụ, chính sách để điều chỉnh hành vi của người gây ô nhiễm, đặc biệt là các công cụ kinh tế. Quán triệt và vận dụng có hiệu quả các nguyên tắc khi người gây ô nhiễm phải trả phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường xanh”, TS. Hoàng Dương Tùng đưa ra giải pháp.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch tại Việt Nam

Ngoài ra, cũng theo chuyên gia này, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật; đấu tranh phòng chống tội phạm về tài nguyên môi trường; kết hợp xử lý hành chính, hình sự với áp dụng công cụ kinh tế, thị trường để đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, rà soát và điều chỉnh các quy định xử lý vi phạm theo hướng nâng cao hơn các xử phạt, đảm bảo đủ lực răn đe. Quy định các cơ chế bồi thường, kí kết và đặt cọc bảo hiểm, bồi thường thiệt hại do rủi ro, thiên tai. Quy định trách nhiệm rõ ràng đến từng đối tượng cụ thể để tạo nên môi trường không khí trong lành, an toàn hơn cho người dân, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho xã hội, đặc biệt tại các đô thị lớn, hướng tới sự phát triển bền vững.

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhận định, vấn đề ô nhiễm không khí chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra nên để giảm thiểu một cách hiệu quả thì chính sách kinh tế rất quan trọng. Đặc biệt, cần có thêm những nghiên cứu để lượng giá tác động của ô nhiễm không khí đến kinh tế. Chỉ khi nào bài toán của chúng ta tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả.

“Ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng là “cuộc chiến” dài, để có thể giải quyết nhanh gọn nhất thì cần có sự vào cuộc của cả chính quyền và sự chung tay người dân. Việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi những hành động mang tính lâu dài và có sự điều phối chặt chẽ, đúng hướng hơn”, GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top