Aa

“Cần đánh giá chất lượng công trình trước khi đưa dân vào ở”

Thứ Hai, 07/09/2020 - 06:00

PGS. TS. Trần Chủng cho rằng, việc tháo dỡ công trình 8B Lê Trực cần có đánh giá chất lượng để đảm bảo sự an toàn cho người dân.

Sự việc công trình 8B Lê Trực xây quá tầng và phá vỡ quy hoạch từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Đến thời điểm hiện tại, phương án thi công, tháo dỡ các tầng sai phạm của công trình đã và đang được triển khai.

Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh khi tiến hành các giai đoạn tháo dỡ, đó là chất lượng của những căn hộ còn lại đang bị đe dọa. Các vết nứt xuất hiện ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở những vị trí quan trọng với dầm gánh .

Thông tin ghi nhận trước đó cho thấy, trong quá trình tháo dỡ, phá sàn mái tầng 18, việc tháo kính mặt dựng không có giải pháp ngăn nước cũng như thoát nước đã khiến nước tràn xuống các căn hộ tầng 16, 17, gây ảnh hưởng đến sàn gỗ và trần thạch cao…

Theo phản ánh của cư dân tại đây, đơn vị phá dỡ thực hiện tháo các thiết bị vệ sinh, hệ thống điện nhưng không có biện pháp che chắn, bảo vệ các vị trí thoát xí, thoát sàn dẫn đến bị vỡ và làm hư hỏng hệ thống thoát nước trục đứng của cả tòa nhà.

Những vết nứt xuất hiện tại công trình 8B Lê Trực.

Phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Song, phương án tháo dỡ như thế nào để đảm bảo chất lượng của những căn hộ còn lại phải được cân đo đong đếm kỹ lưỡng, hợp lý. Bởi như hiện tại, cuộc sống và an toàn tính mạng của người dân đang bị đe dọa, xáo trộn.

Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng).

PV: Đến thời điểm hiện tại, toà nhà 8B Lê Trực đã tiến hành tháo dỡ giai đoạn 2 gồm tầng 17 và 18 vi phạm. Nhưng vấn đề nảy sinh là các căn hộ khác của cư dân đang xuất hiện nhiều dấu hiệu mất an toàn như nứt tường, ảnh hưởng đến sàn gỗ, trần thạch cao… Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS. Trần Chủng: Tình trạng sức khỏe của con người là một vấn đề hết sức quan trọng. Muốn biết sức khoẻ tốt, bình thường hay xấu phải có cơ quan chuyên môn đánh giá, chứ không phải ai cũng có thể đánh giá được.

Cũng như thế về tình trạng chất lượng công trình, công trình 8B Lê Trực sau khi bàn giao vận hành thì dứt khoát phải có đánh giá tình trạng chất lượng công trình giờ ra sao, có nguy cơ gì không, mới có thể cho người dân vào ở được.

pgs-ts-tran-chung-8b-le-truc
PGS. TS. Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). 

Khi thực hiện phá dỡ những sai phạm mà công trình mắc phải, chúng ta buộc phải đánh giá tổng thể tình trạng chất lượng của công trình, kiểm định lại chất lượng của công trình đó, có đảm bảo đủ điều kiện cho cuộc sống lâu dài, cũng như đảm bảo an toàn cho cư dân hay không.

Đây là việc phải làm và muốn làm được điều đó thì đơn vị tư vấn phải có một đánh giá khách quan, đưa ra số liệu tin cậy trong quá trình thực thi việc phá dỡ. Theo tôi, nên có một cuốn nhật ký ghi nhận lại toàn bộ chất lượng công trình này. Nếu có xuất hiện những biểu hiện, nguy cơ ảnh hưởng thì nên dừng lại, tránh để người dân lo lắng.

PV: Phải chăng phương án phá dỡ cần được công khai để các đơn vị có chuyên môn đánh giá về mức độ, tác động của quá trình thi công đến công trình?

PGS. TS. Trần Chủng: Đối với công trình 8B Lê Trực, quá trình thực hiện xử lý phần sai phạm sẽ phải đi theo trình tự, lên phương án, có đơn vị đề xuất, thẩm tra.

Khái niệm tháo dỡ và phá dỡ khác nhau. Vấn đề xử lý liên quan đến công trình 8B Lê Trực gọi là tháo dỡ.

Ở giai đoạn đầu, đơn vị thi công đã sử dụng những chiếc búa thực hiện “phá dỡ”, đây có thể nói là can thiệp một cách thô bạo, gây mất an toàn đến môi trường.

Về vấn đề công khai, thực tế phải rõ ràng đâu là những thứ cần công bố? Là thời điểm phá dỡ, biện pháp đảm bảo an toàn, biện pháp kỹ thuật công khai…? Việc công khai phải căn cứ vào quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực hiện. Nhưng quan trọng nhất, cần có sự đánh giá tổng quát chất lượng của công trình trước khi người dân vào ở.

PV: Trước tình huống phát sinh vấn đề nứt tường, ảnh hưởng đến an toàn của người dân, nhiều nghi hoặc đặt ra rằng đơn vị thi công chưa đủ năng lực. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

PGS. TS. Trần Chủng: Trong hoạt động xây dựng, muốn đảm bảo về chất lượng, tiến độ thì đơn vị thi công phải đáp ứng đầy đủ những quy định rất rõ ràng về điều kiện năng lực trong bộ luật. Ở đây, điều kiện năng lực trước hết là chuyên môn, năng lực của những người chủ trì, người tham gia công trình.

Việc thi công tòa 8B Lê Trực là tháo dỡ kết cấu nên kỹ sư của công ty thực hiện phải nắm rõ về kết cấu. Đội ngũ chuyên môn cần tìm hiểu hệ kết cấu cũ để chọn giải pháp cho phù hợp, bây giờ phải nghiên cứu thiết kế và hồ sơ hoàn công của công trình. Nếu không hiểu kết cấu công trình đang tồn tại mà can thiệp vào nó sẽ có thể gây ảnh hưởng, dẫn đến hậu quả không lường trước được.

Luật Xây dựng quy định, các hoạt động xây dựng đều phải có điều kiện là những người tham gia, tổ chức tham gia có năng lực phù hợp mới được làm.

Công trình 8B Lê Trực đang bị tháo dỡ. 

PV: Đặt giả thiết, nếu việc phá dỡ công trình trong tương lai xảy ra vấn đề, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, thưa ông?

PGS. TS. Trần Chủng: Chúng ta không nên võ đoán về công trình của tương lai sẽ như thế nào, ra sao? Bởi công trình được công bố, thực hiện bởi những đơn vị tư vấn chuyên môn để đảm bảo chất lượng công trình.

Nên tôi mong người dân hãy yên tâm về các vấn đề kỹ thuật, mong chính quyền Thành phố sẽ đầu tư về con người, sử dụng những đơn vị có chuyên môn thích hợp để cho người dân câu trả lời đáng tin cậy.

PV: Hiện tại, đơn vị thi công vẫn đang triển khai tháo dỡ ở tầng 18. Theo phản ánh của nhiều người dân, việc thi công gây ra các vết nứt ở tầng dưới khiến tâm lý cư dân hoang mang, nhưng đến nay, chưa có một động thái nào từ phía cơ quan chức năng. Thưa ông, làm thế nào để đảm bảo cuộc sống an toàn cho cư dân khi họ chuyển tới nơi đây?

PGS. TS. Trần Chủng: Tôi đề nghị chính quyền cần tuân thủ quy tắc, quy định về Luật Xây dựng; phải làm và tôn trọng những quy tắc của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo rằng có những đánh giá khách quan về chất lượng của các kết cấu còn lại sau khi đã tháo dỡ, đảm bảo an toàn chịu lực.

Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, đánh giá lại các hệ thống, trang thiết bị kỹ thuật trong nhà như hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy… để đảm bảo an toàn cho mọi người dân.

Tôi nghĩ rằng chính quyền phải có nghĩa vụ, phải thực hiện trả lời người dân thông qua các cách làm, con số cụ thể về an toàn của tòa nhà. Khi đó, người dân mới được phép quay lại sinh sống.

- Cảm ơn chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top