Aa

Quyết liệt với 8B Lê Trực, Hà Nội đừng bỏ quên sai phạm ở Phan Kế Bính

Thứ Sáu, 17/07/2020 - 10:30

Chính quyền Hà Nội tỏ rõ sự quyết liêt khi tổ chức cưỡng chế cắt ngọn tòa 8B Lê Trực. Tuy nhiên còn những công trình vi phạm xây dựng ngay trên địa bàn quận Ba Đình gây nhức nhối từ lâu vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Rốt ráo cưỡng chế khi doanh nghiệp xin "tự tháo dỡ"!

Nhắc đến sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), có lẽ giới chuyên gia còn rất nhiều khía cạnh để bàn luận. Cho dù sai phạm đã lộ sáng cách đây 5 năm, thế nhưng đến bây giờ, dự án này vẫn còn "nóng như lửa" bởi công tác xử lý, cưỡng chế. Sức nóng ấy đã lan tỏa từ nghị trường Quốc hội đến những câu chuyện của mỗi người dân Thủ đô. 

Đáng ngạc nhiên, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chính quyền TP. Hà Nội xử lý dứt điểm sai phạm tại toà nhà 8B Lê Trực, thế nhưng việc thực hiện theo chỉ đạo vẫn ì ạch, kéo dài nhiều năm. Phải chăng sự chậm trễ này là do “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục đá đi, đá lại?

Theo tính toán, kinh phí cho việc cưỡng chế giai đoạn 2 khoảng 17 tỷ đồng, được tạm ứng từ ngân sách quận Ba Đình. Thành phố yêu cầu chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực trả số kinh phí này. (Ảnh: Hà Cường)

Sau một thời gian im ắng, khoảng cuối tháng 4/2020, chính quyền quận Ba Đình đã hoàn tất các bước chuẩn bị để tiến hành cưỡng chế giai đoạn 2 của công trình. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành phần việc liên quan đến tầng 18, các đơn vị chức năng đánh giá mức độ an toàn của công trình để xem xét phương án phá dỡ tầng 17 tòa nhà 8B Lê Trực. Theo tính toán, kinh phí cho việc cưỡng chế giai đoạn 2 khoảng 17 tỷ đồng, được tạm ứng từ ngân sách quận Ba Đình. Thời gian thực hiện dự kiến là 120 ngày. 

Quá trình tổ chức cưỡng chế, chính quyền quận Ba Đình cho rằng chủ đầu tư không hợp tác, nên phải cưỡng chế mở khóa cửa các căn hộ tại tầng 18. Sau khi việc kiểm kê, di chuyển, niêm phong tài sản trong các căn hộ được hoàn tất, ngày 12/5, đơn vị phá dỡ là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Bắc Nam đã tiến hành tiếp quản mặt bằng để tháo dỡ một số hạng mục tầng 18 gồm: Vách kính mặt tiền, thiết bị điện, nước, nội thất, tường gạch, tháo dỡ sàn bê tông cốt thép. Ngoài ra, do quận Ba Đình chưa tìm được đơn vị tư vấn nên hệ khung, cột dầm tầng 18 chưa bị phá đợt này. Sáng 16/5, đơn vị thi công đã tiến hành tháo dỡ theo kế hoạch cưỡng chế giai đoạn 2 toà nhà 8B Lê Trực.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trên đã tốn rất nhiều thời gian, sức lực, vật lực của chính quyền TP. Hà Nội. Bên cạnh đó, chính nhà đầu tư cũng phải đau đầu khắc phục hậu quả, đặc biệt là phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các khách hàng đã mua căn hộ.

Sau nhiều năm chính quyền Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý”, đến nay toà nhà 8B Lê Trực vẫn đang trên con đường “xử lý dứt điểm” . (Ảnh: Hà Cường)

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Lê Trực (chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực) cho biết, đơn vị nhận được thông báo nhưng không được tham gia khi chính quyền mở khóa tầng 18. Chủ đầu tư đã đề xuất với phường mời người dân đến để tháo dỡ, di chuyển đồ đạc, nhưng không được chấp thuận. Được biết, trong quá trình tổ chức cưỡng chế, chủ đầu tư đã có những kiến nghị nhưng UBND TP. Hà Nội không chấp nhận để chủ đầu tư tự phá dỡ phần vi phạm, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp trả kinh phí cưỡng chế.

Sau nhiều năm chính quyền Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý”, đến nay toà nhà 8B Lê Trực vẫn đang trên con đường “xử lý dứt điểm”. Khi nói về những vi phạm tồn đọng kéo dài trong đó có tòa nhà 8B Lê Trực, Bí Thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ từng nhấn mạnh, các vụ việc tồn đọng đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Thủ đô và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Do đó, Thường trực Thành ủy và Ban chỉ đạo Nghị quyết 15 có trách nhiệm đẩy mạnh thực hiện nghị quyết và giải quyết dứt điểm những "vấn đề nổi cộm còn tồn đọng". Việc giải quyết cần kiên trì, kiên quyết, đảm bảo đúng pháp luật, có lý, có tình và đảm bảo quyền lợi các bên liên quan, làm rõ trách nhiệm của các cấp, của cá nhân, tổ chức. Rõ ràng, đến thời điểm này, chính quyền Hà Nội vẫn tỏ rõ sự quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vấn đề nổi cộm, trong đó có việc sai phạm xây dựng tại dự án 8B Lê Trực. Thế nhưng, kết quả như thế nào thì chúng ta vẫn còn phải chờ đợi.

Chính phủ 3 lần chỉ đạo, Hà Nội chậm trễ xử lý sai phạm!

Như đã thấy, chính quyền Hà Nội đang sốt sắng xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, thế nhưng những dự án khác nằm trong danh sách “vấn đề nổi cộm tồn đọng” đang được giải quyết như thế nào? Có lẽ, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, để thấy được công tác xử lý vi phạm của các cấp chính quyền Thủ đô.

Đơn cử trong quận Ba Đình, một công trình khác bị “điểm mặt, chỉ tên” là dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính (phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Đến nay, công tác xử lý sai phạm tại dự án này dường như vẫn "án binh bất động". Liên quan đến dự án tai tiếng trên, trước đó Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn TP. Hà Nội.

Chính quyền Hà Nội rốt ráo "cắt ngọn" tòa 8B Lê Trực, nhưng liệu có quên xử lý triệt để sai phạm tại dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính và các dự án sai phạm khác? (Ảnh: Hà Cường)

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên. Tiến hành thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phát sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật. 

Sau đợt cưỡng chế vào tháng 8/2018 tại dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính, hai nhà hàng có sai phạm (nhà hàng Hải Sản Phố và nhà hàng Pizza 4Ps) vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động rầm rộ. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã phải 3 lần chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm ở đây. Tuy nhiên đến nay, chính quyền TP. Hà Nội và UBND quận Ba Đình vẫn đang loay hoay.

Đến thời điểm này, quận Ba Đình cho biết vẫn đang tiến hành xử lý phần xây dựng sai phép. Cụ thể, trên dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính còn 2 khối showroom, văn phòng và các dịch vụ, công trình nhà dịch vụ phụ trợ. Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng tạm số 03/GPXD ngày 7/1/2009 cấp cho Công ty Cổ phần Đa Quốc Gia được xây dựng các công trình thuộc dự án “Cống hóa mương Phan Kế Bính làm bãi đỗ xe và dịch vụ phụ trợ”. Khi khởi công xây dựng từ khoảng năm 2010, chủ đầu tư đã thi công xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Công trình nhà showroom đã đưa vào sử dụng trước năm 2012, hiện Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Thành phố Xanh đang thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng Hải Sản Phố. Công trình nhà dịch vụ phụ trợ cũng đưa vào sử dụng trước năm 2012, hiện chi nhánh Công ty Cổ phần Pizza 4Ps đang thuê để kinh doanh.

Sau nhiều năm chính quyền Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý”, đến nay toà nhà 8B Lê Trực vẫn đang trên con đường “xử lý dứt điểm” . (Ảnh: Hà Cường)

Nói về việc thực hiện theo các chỉ đạo của Chính phủ và UBND TP. Hà Nội, UBND quận Ba Đình than rằng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý. Theo đó, đối tượng vi phạm hành chính là Công ty Cổ phần Đa Quốc Gia đã cho các đơn vị kinh doanh thuê và sử dụng từ nhiều năm nay, đồng thời được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký địa điểm kinh doanh. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và các đơn vị kinh doanh không hợp tác, dẫn đến việc xử lý vi phạm rất phức tạp. 

Nói về hướng xử lý, quận Ba Đình cho biết, đơn vị đã báo cáo và đề xuất UBND TP. Hà Nội phương án xử lý đối với phần công trình xây dựng sai phép. Cụ thể, quận đề xuất phương án tháo dỡ công trình xây dựng sai phép đồng thời khi thực hiện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng tuyến đường Phan Kế Bính, theo Quyết định số 5802/QĐ-UBND ngày 26/20/2018 của UBND TP. Hà Nội.

Như phân tích ở trên, việc sai phạm tại dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính đã được khẳng định cần phải xử lý dứt điểm. Thế nhưng, các cấp chính quyền TP. Hà Nội dường như chưa làm hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, giám sát và triển khai một cách rốt ráo. Ngược lại, các công trình sai phạm trên vẫn ung dung hoạt động, bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều cử tri, nhân dân thành phố.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về các “vấn đề nổi cộm tồn đọng” trong đó có dự án mương Phan Kế Bính, Ban Cán sự đảng UBND thành phố thu thập đầy đủ thông tin, nắm chắc tình hình khó khăn, vướng mắc của từng vụ việc, trên cơ sở đó chủ trì với quyết tâm giải quyết dứt điểm, trước hết có thông báo giao nhiệm vụ phụ trách từng vụ việc cho các Phó Chủ tịch UBND thành phố với mốc thời gian rõ ràng, kết hợp duy trì chế độ thông tin, báo cáo và chỉ đạo thường xuyên. Đây rõ ràng là một chỉ đạo kịp thời, quyết liệt!

Nhưng, dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc nhanh chóng và cho thấy được việc “nói đi đôi với làm” của các cấp chính quyền TP. Hà Nội trong công tác xử lý triệt để sai phạm tại dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính, hay xa hơn là tại mương Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Thậm chí, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các cơ quan nội chính, tư pháp thành phố cần thiết phải điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật và làm rõ cả những người bao che với tinh thần làm cương quyết, dứt khoát để làm gương.

"Cần thiết phải điều tra, khởi tố"!

Chiều 18/3/2020, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự thành phố và Ban chỉ đạo Nghị quyết 15, Chỉ thị 15 Thành ủy Hà Nội về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, trong đó có những vấn đề phức tạp, tồn đọng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu các cơ quan nội chính, tư pháp thành phố khẩn trương tiến hành thu thập hồ sơ để hỗ trợ thành phố xử lý các vụ việc; cần thiết phải điều tra, khởi tố theo quy định pháp luật, làm rõ cả những người bao che với tinh thần làm cương quyết, dứt khoát để làm gương. Đó là các dự án: Vi phạm tại công trình 8B Lê Trực; dự án Cống hóa mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình); mương Nghĩa Đô (Cầu Giấy); khu xử lý chất thải tập trung Nam Sơn (huyện Sóc Sơn); kết quả thanh tra về trật tự xây dựng tại dự án Công viên nước Thanh Hà (quận Hà Đông)...

Trên nghị trường Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân từng phát biểu, vụ 8B Lê Trực nhiều lần đã đặt ra giới hạn về thời gian báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến nay vẫn không giải quyết triệt để.

"Bây giờ trách nhiệm của Hà Nội là phải xử lý cho triệt để, mà không xử lý triệt để thì Thủ tướng Chính phủ phải xem xét kỷ luật cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm mới duy trì được kỷ cương phép nước”, đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top