Cần định danh phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp
LTS: Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai, khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.
Cụ thể, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 nêu quan điểm, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn cần theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, làng nghề, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền, gắn với chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Chính sách đã trở thành trợ lực quan trọng trong việc “đánh thức” tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn. Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai tại nhiều địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế du lịch, “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn. Nhưng để đạt được những mục tiêu trên còn rất nhiều việc phải làm, trước mắt là thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, coi nông nghiệp là lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đồng thời, cần xóa tan được “thành trì” phát triển tự phát, nhỏ lẻ; tháo gỡ các rào cản để thu hút đầu tư vào hạ tầng, bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, có chiến lược.
Thu hút đầu tư hiệu quả, đánh thức tiềm năng và định vị thương hiệu cho du lịch nông nghiệp, nông thôn là bài toán cần đặt ra và tìm lời giải để Việt Nam không bỏ lỡ cơ hội phát huy sức mạnh từ nội lực, gia tăng vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế.
Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Đánh thức tiềm năng, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững, tạo nền tảng cạnh tranh quốc tế.
Đối thoại Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường kiêm Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội để làm rõ hơn về vấn đề này.
BẤT ĐỘNG SẢN DU LỊCH NÔNG NGHIỆP: TIỀM NĂNG LỚN, CẦN ĐƯỢC ĐỊNH DANH
- Từ nhu cầu thực tế và xu hướng tất yếu phải phát triển du lịch nông nghiệp để khơi dậy nguồn lực đất đai và khai thác đa giá trị không gian cảnh quan, văn hóa nông thôn, hiện đã có chính sách để thúc đẩy loại hình này.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 xác định, du lịch nông thôn là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững.
Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, mỗi tỉnh, thành phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương.
Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế dường như vẫn gặp nhiều khúc mắc, khó khăn, đặc biệt là trong vấn đề thu hút đầu tư bài bản để loại bỏ tình trạng tự phát, nhỏ lẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Du lịch nông nghiệp đã mang lại cho nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam giá trị kinh tế cao, góp phần gìn giữ và phát triển khu vực nông thôn một cách bền vững, tạo thêm sinh kế cho nông dân. Đồng thời, du lịch nông nghiệp phát triển cũng tạo ra không gian mới để thu hút đầu tư, tạo tiềm năng, dư địa lớn để hình thành và phát triển phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp. Trên thực tế, đã có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp, như du lịch sinh thái nông nghiệp, farmstay…
Chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được Chính phủ quan tâm đã tạo động lực cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, những loại hình du lịch nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược quy củ, bài bản, chuyên nghiệp như các phân khúc bất động sản khác.
Rõ ràng, một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp.
- Có thể thấy, du lịch nông nghiệp là một loại hình bất động sản mới, hình thành xuất phát từ nhu cầu tất yếu của thực tế. Cụ thể, pháp lý cho phân khúc này đang thiếu như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Du lịch nông nghiệp chịu sự điều chỉnh, quy chiếu của nhiều đạo luật. Tuy nhiên, theo tôi, tiếp cận dưới góc độ kinh doanh bất động sản thì trước hết có 3 đạo luật có liên quan, điều chỉnh trực tiếp hoạt động của phân khúc bất động sản này là Luật Đất đai, Luật Du lịch và Luật Kinh doanh bất động sản. Dẫu vậy, các đạo luật này dường như chưa có quy định nào cụ thể, rõ ràng, đề cập trực diện về bất động sản du lịch nông nghiệp.
Thứ nhất, về chính sách đất đai. Luật Đất đai 2013 chủ yếu quy định về đất trồng cây hàng năm, bao gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; đất trồng cây lâu năm; đất rừng sản xuất; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất nuôi trồng thủy sản; đất làm muối… Bên cạnh đó là quy định về hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra còn quy định về đất nông nghiệp sử dụng mục đích công ích; chế độ quản lý bảo vệ đất trồng lúa; đất làm kinh tế trang trại…
Có thể nói quy định về đất làm kinh tế trang trại (chủ yếu đề cập đến phát triển loại hình kinh doanh tổng hợp trong sản xuất nông nghiệp để khai thác, tận dụng thế mạnh về đất đai, sức lao động) có liên quan nhất đến bất động sản du lịch nông nghiệp, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Hiện chưa có điều luật nào đề cập trực tiếp và quy định rõ ràng từ vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đến quyền của các tổ chức, cá nhân... liên quan đến sử dụng đất phục vụ mục đích du lịch nông nghiệp.
Như vậy, pháp luật về đất đai đang vừa thiếu các quy định đề cập trực tiếp vừa chưa liên kết, xác lập được việc gắn kết, tích hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch. Trong loại hình này, đất đai được sử dụng vào mục đích nông nghiệp là chính hay làm du lịch là chính?
Có nghĩa là pháp luật chưa định vị rõ ràng đất du lịch nông nghiệp thì mục đích nông nghiệp được xác định là chủ yếu sau đó kết hợp với việc làm du lịch để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp hay đây là đất sử dụng vào mục đích du lịch trong lĩnh vực nông nghiệp?
Loại đất này là loại đất gì? Đất cho du lịch nông nghiệp là đất nông nghiệp hay đất thương mại dịch vụ, đất sử dụng đa mục đích? Đất nông nghiệp lồng ghép tích hợp với du lịch như thế nào? Nếu không định danh rõ ràng thì rất khó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc quản lý, sử dụng sẽ khó mang lại hiệu quả mong muốn.
Thứ hai, hiện nay, Luật Du lịch cũng chưa có quy định rõ ràng, trực tiếp liên quan đến vấn đề quản lý và sử dụng các loại đất phục vụ mục đích du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp. Du lịch nông nghiệp dựa trên nền tảng sản xuất nông nghiệp, từ đó khai thác khía cạnh dịch vụ du lịch hay hoạt động du lịch là chính, trên cơ sở đó kết hợp với nông nghiệp; quy hoạch du lịch chưa gắn kết, tích hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định về du lịch nông nghiệp còn mờ nhạt, chưa rõ ràng, cụ thể…
Thứ ba, trong Luật Kinh doanh bất động sản chủ yếu quy định đến hai nhóm lĩnh vực kinh doanh bao gồm kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản. Một là, kinh doanh bất động sản bao gồm chủ đầu tư tạo lập ra sản phẩm hàng hóa bất động sản, sau đó bán, cho thuê, cho thuê mua hoặc nhà đầu tư thứ cấp mua những bất động sản hàng hóa có sẵn rồi cho thuê, chuyển nhượng, cho thuê mua lại; chuyển nhượng hợp đồng mua bán bất động sản hình thành trong tương lai; kinh doanh quyền sử dụng đất nhằm mục đích kiếm lời. Hai là, kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm quản lý, tư vấn, môi giới và sàn giao dịch bất động sản.
Còn loại hình bất động sản du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng; bất động sản nghĩa trang, nghĩa địa; bất động sản kết hợp giữa tâm linh với du lịch hay bất động sản nông nghiệp, bất động sản du lịch nông nghiệp… là những loại hình bất động sản mới trên thực tế đã và đang phát triển khá mạnh mẽ nhưng pháp luật hiện nay chưa có đầy đủ các quy định cụ thể, rõ ràng, thống nhất, tương thích, đồng bộ để điều chỉnh.
Xin đơn cử một ví dụ: Hiểu như thế nào là bất động sản du lịch nông nghiệp? Câu trả lời chưa được định danh chính thức trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và thậm chí cũng không được quy định trong Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) do Bộ Xây dựng đang soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến góp ý lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 5 (Dự kiến khai mạc vào ngày 22/05/2023).
HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
- Việc chưa có các quy định pháp luật rõ ràng sẽ gây ra những rắc rối gì trong vấn đề quản lý, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Khi xác định rõ được nội hàm khái niệm về du lịch nông nghiệp, bất động sản du lịch nông nghiệp, đất sử dụng cho mục đích du lịch nông nghiệp trong quy định pháp luật thì mới xác định được mô hình quản lý phù hợp. Cụ thể là công tác ban hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ cho du lịch nông nghiệp. Nhà nước giao đất hay cho thuê đất để phát triển loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp?
Bên cạnh đó, xác định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho loại đất này là dài hạn hay có thời hạn? Thời hạn sử dụng đất du lịch nông nghiệp xác định theo thời hạn sử dụng đất nông nghiệp hay xác định theo tiêu chí cụ thể nào? Trong trường hợp, ban đầu nhà đầu tư, chủ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, khai thác lồng ghép với mục đích du lịch nhưng sau đó lại không muốn kết hợp làm du lịch nữa mà chỉ làm nông nghiệp thuần túy thì có được phép hay không, trình tự, thủ tục ra sao; Ai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc cho phép này? Quyền và nghĩa vụ cụ thể của chủ sử dụng đất nông nghiệp kết hợp với du lịch như thế nào, Nhà nước có chính sách ưu đãi cụ thể gì đối với tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp? v.v...
Câu trả lời cho các vấn đề trên hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Rõ ràng, thực tế đã phát sinh những yêu cầu mà pháp luật chưa theo kịp được để điều chỉnh. Việc thiếu khung pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ về bất động sản du lịch nông nghiệp không chỉ là rào cản cho sự phát triển, vận hành thông suốt, lành mạnh của phân khúc bất động sản này mà còn gây lúng túng, không đạt hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản.
- Ông có đề xuất gì trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý để bất động sản du lịch nông nghiệp có thể phát triển đúng hướng và tương xứng với tiềm năng?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Nhà nước cần nhanh chóng rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về thị trường bất động sản nói chung và phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiệp nói riêng đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Khi hoàn thiện, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản… cần đưa ra một số điều làm cơ sở pháp lý nền tảng cho bất động sản du lịch nông nghiệp, sau đó cụ thể hóa hơn bằng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên bổ sung vào Điều 3 phần giải thích từ ngữ quy định thế nào là đất du lịch nông nghiệp?
Theo tôi, đây là loại đất dựa trên nền tảng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng không phải nông nghiệp thuần túy mà là nông nghiệp kết hợp với du lịch, vừa tạo ra các nông sản hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng khám phá; trải nghiệm của khách nội địa và quốc tế.
Ví dụ như trang trại, nếu là đất nông nghiệp thuần túy thì chỉ sản xuất ra các nông sản hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng. Trong khi đó, nếu mô hình trang trại kết hợp với du lịch thì việc sử dụng đất nông nghiệp phải dựa trên việc tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, sở thích của khách du lịch để đưa ra các sản phẩm đa dạng.
Các sản phẩm cho trang trại trước hết phục vụ trực tiếp cho du khách; du khách không chỉ thưởng thức các sản phẩm của trang trại mà trang trại còn cung cấp cho họ các gói dịch vụ như trải nghiệm làm trang trại; thưởng ngoạn loại hình nông nghiệp sinh thái; trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt của người nông dân và cung cấp các dịch vụ lưu trú kết hợp với những loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng truyền thống mang bản sắc riêng, độc đáo của từng địa phương, vùng, miền…
Cần bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng vào du lịch nông nghiệp; quy định về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp, hình thức tiếp cận đất đai và những ưu đãi có liên quan… để thu hút đầu tư, phát triển phân khúc bất động sản này.
Ngoài ra, trách nhiệm, cơ chế và sự phối, kết hợp trong công tác quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… đối với loại hình bất động sản du lịch nông nghiệp cũng cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể.
Luật Kinh doanh bất động sản cần bổ sung thêm loại hình kinh doanh bất động sản du lịch nông nghiệp, trong đó làm rõ nội hàm, bản chất và các mô hình, sản phẩm của loại hình bất động sản này. Đối tượng, điều kiện, phạm vi được kinh doanh loại hình bất động sản này là ai, chỉ chủ sử dụng đất là nông dân, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hay tổ chức kinh tế trong nước, nước ngoài cũng có thể được tham gia?
Luật Kinh doanh Bất động sản cần tạo ra “sân chơi”, “luật chơi” bình đẳng, công khai, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế; đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong phân khúc thị trường bất động sản du lịch nông nghiêp; khuyến khích đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới để kích thích nguồn lực, thu hút đầu tư, khơi thông các điểm nghẽn. Khi nhà đầu tư muốn chuyển hướng sang loại hình kinh doanh khác thì có thể dễ dàng, thuận tiện và an toàn về mặt pháp lý để chuyển nhượng loại hình bất động sản này cho người khác.
Mặt khác, Nhà nước cần quy định chặt chẽ về điều kiện, năng lực của tổ chức, cá nhân (nhà đầu tư) tham gia vào loại hình bất động sản này, mục đích sử dụng, điều kiện tiếp cận, quản lý vận hành, thanh - kiểm tra… để tránh tình trạng “biến tướng”, lợi dụng mục đích kinh doanh du lịch nông nghiệp để mua, thu gom đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; sau đó tìm mọi cách chạy chọt, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phân lô bán nền để trục lợi, kiếm lời. Đây là vấn đề mà pháp luật cần phải đặc biệt quan tâm ngăn chặn, bịt các kẽ hở không cho lợi dụng, biến tướng loại hình kinh doanh đầu tư này.
CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM
- Liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào thị trường bất động sản nông nghiệp vốn có nhiều rào cản, trong khi nông dân vẫn giữ đất dù bỏ hoang, không canh tác gây ra sự lãng phí, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện đã tháo gỡ được điểm nghẽn này chưa, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Hiện nay, ở một số tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ, do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí “đầu vào” lớn, song giá thành nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ. Vì vậy, xảy ra tình trạng khá phổ biến: Đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân không chuyển nhượng, cho thuê, cứ giữ đất với tâm lý là “cuốn sổ bảo hiểm”.
Ngoài ra, đất nông nghiệp được nông dân chiếm giữ (cho dù không sử dụng) còn bởi sẽ mang lại lợi nhuận khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định pháp luật hiện hành. Khi đó, người nông dân sẽ được nhận bồi thường với số tiền không nhỏ nếu so sánh với giá thành nông sản, với sự vất vả "hai sương một nắng" của họ. Nông dân cũng không muốn góp đất với doanh nghiệp vì sợ khi doanh nghiệp phá sản thì sẽ mất đất.
Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn vừa bảo đảm cho người nông dân có tư liệu sản xuất, vừa tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, năng suất cao và bền vững là nhiệm vụ đang được đặt ra đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, dự thảo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã nâng hạn mức giao đất, hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Điều này là cần thiết những chưa đủ.
Để góp phần khắc phục tình trạng phân tán đất đai, Nhà nước cần nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận được đất nông nghiệp thông qua việc tham gia giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trong nông nghiệp, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung quy định cho phép các đối tượng nêu trên được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp với điều kiện rất chặt chẽ, khắt khe.
Cụ thể, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp; chứng minh năng lực tài chính và phương án sử dụng đất nông nghiệp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực; nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích...
Các điều kiện này được đưa ra để nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lợi dụng việc pháp luật cho phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đi gom, thu mua đất nông nghiệp của người nông dân, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô, bán nền nhằm mục đích kiếm lời; trong khi đó thì nông dân bị mất đi tư liệu sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ rơi vào tình trạng đói nghèo.
Nhu cầu của xã hội về du lịch nông nghiệp đang gia tăng nhưng để hình thành một loại hình bất động sản mới và phát triển sôi động, thu hút được nguồn lực đầu tư, phát huy giá trị đất nông nghiệp thì vẫn còn rất nhiều vấn đề, rất nhiều việc phải làm, trong đó, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho sự phát triển thông suốt, lành mạnh của phân khúc thị trường bất động sản này là quan trọng nhất. Sự tháo gỡ nói trên của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ của yêu cầu trên.
Muốn phát triển du lịch nông nghiệp, không thể “bỏ ngỏ” hành lang pháp lý. Chỉ khi có hành lang pháp lý hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, đầy đủ mới có thể khuyến khích, thúc đẩy loại hình này phát triển tương xứng với tiềm năng của nó và đáp ứng được nhu cầu trên thực tế.
Bên cạnh đó, vấn đề kích cầu, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu, thị hiếu phong phú, đa dạng của từng nhóm khách hàng cũng có vai trò quan trọng không kém.
- Ở góc độ hành lang chính sách là vậy, nhưng từ góc độ thị trường, để tránh sự đơn điệu trong việc phát triển các bất động sản du lịch nông nghiệp, còn cần phải lưu ý vấn đề gì, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: Du lịch nông nghiệp phải kết hợp với việc bảo tồn, hồi sinh, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của văn hóa bản địa, phong tục tập quán, truyền thống lịch sử, thành tựu của văn minh nông nghiệp lâu đời, phong cách, thái độ, chuẩn mực ứng xử của người Việt Nam… mới có thể hấp dẫn khách du lịch.
Bất động sản du lịch nông nghiệp phục vụ khách nước ngoài phải phát triển dựa trên việc nghiên cứu, tìm hiểu sự quan tâm, sở thích, thị hiếu của họ để đưa ra các sản phẩm phù hợp.
Đối với du khách trong nước thì việc phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp cũng phải dựa trên sự khảo sát, nắm vững nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng.
Có như vậy thì phân khúc thị trường này mới phát triển bền vững, lâu dài không bị “chết yểu”. Bởi lẽ, thị hiếu, nhu cầu của khách nước ngoài khác với khách du lịch nội địa. Hay nói cách khác, sản phẩm bất động sản du lịch nông nghiệp cũng cần đa dạng về mẫu mã, chủng loại, phong phú về chất lượng sản phẩm… giống như loại hình bất động sản nhà ở để đáp ứng thị hiếu phong phú của khách du lịch.
Theo đó, phải phân định rõ các phân khúc bất động sản du lịch nông nghiệp cho nhóm du khách bình dân, nhóm du khách trung lưu hay giới siêu giàu. Nếu chỉ phát triển trang trại trồng hoa, trồng quả, chăn nuôi… để khách vào tham quan, chụp ảnh thì sẽ rất đơn điệu. Cần phải đa dạng về sản phẩm như lưu trú tuần, lưu trú một vài ngày, lưu trú trong ngày với các trò chơi dân gian phong phú, kết hợp với du lịch nông nghiêp xang, nông nghiệp sinh thái; du lịch tâm linh, khám phá phong tục, tập quán truyền thống, văn hóa địa phương.v.v...
Đồng thời, cần quan tâm đến tính bền vững khi đầu tư du lịch nông nghiệp, nếu không sẽ chỉ thu hút khách được một vài năm và không đảm bảo được lượng du khách thường xuyên khiến loại hình này chấm dứt hoạt động. Nên kết hợp giữa du lịch nông nghiệp cùng với các loại hình du lịch khác.
Ví dụ như tại Hội An, du khách không chỉ đi thăm phố cổ, du lịch trên thuyền trên dòng sông Hoài để thả hoa đăng, ngắm phổ cổ về đêm; thưởng lãm ẩn thực và xem nhạc nước về Di sản Hội An… mà còn đi trải nghiệm du lịch nông nghiệp tại làng rau Trà Quế, được tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm rau sạch đặc sản hay trải nghiệm nông nghiệp sinh thái, thăm thú các làng quê yên bình; trải nghiệm một ngày làm nông dân…
Như vậy, với các loại hình này có thể kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch đi thăm phố cổ, thưởng thức ẩm thực, văn hóa, sông nước, xem nghệ thuật trình diễn, mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Đó là một hệ sinh thái du lịch khép kín, hấp dẫn đa trải nghiệm, kích thích khả năng chi tiêu của du khách.
Mặt khác, để phát triển, duy trì mô hình du lịch nông nghiệp thì ngoài vấn đề hoàn thiện khung pháp lý còn liên quan đến các vấn đề khác như đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế tour, trang bị kỹ năng, đạo đức hành nghề, văn hóa ứng xử… Luật Du lịch cần tạo ra cơ sở nền tảng để thúc đẩy các vấn đề này.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)
Nhiều điểm đến du lịch nông thôn chưa được quy hoạch đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương; chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng; cảnh quan, môi trường điểm đến chưa được đầu tư chuyên nghiệp, thiếu đặc trưng văn hóa và bản sắc vùng miền; sản phẩm du lịch chưa được đầu tư theo chiều sâu, chưa có sự liên kết chuỗi giá trị với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của khu vực nông thôn.
Phần lớn các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tập trung cho các trung tâm du lịch với điểm đến và sản phẩm du lịch ven biển, khu vực đô thị, các hoạt động xúc tiến du lịch nông thôn được lồng ghép trong các chương trình xúc tiến chung.
Phần lớn nhân lực du lịch tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào cung ứng dịch vụ du lịch nông thôn là người nông dân mới tiếp cận với ngành nghề mới.
Việc phát triển du lịch nông thôn còn manh mún, rất cần sự hỗ trợ của các địa phương; cũng như việc hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ hạ tầng cho du lịch nông thôn.
(Chia sẻ tại Hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025”)