Cần Giờ và tầm nhìn hướng biển

Cần Giờ và tầm nhìn hướng biển

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 29/07/2020 - 06:00

Nhiều năm liền, Cần Giờ vẫn được ví là “vùng sâu, vùng xa”, vùng chậm phát triển của TP.HCM. Thực tế, vùng đất này chứa đựng những giá trị to lớn từ rừng vàng, biển bạc nhưng đã bị lãng quên.

Những ngày này, dư luận đưa nhiều ý kiến về việc Chính phủ phê duyệt Dự án Khu đô thị sinh thái thông minh tại Cần Giờ. Nhưng có lẽ không phải ai cũng biết, ý tưởng phát triển nơi đây thành một đô thị du lịch sinh thái đã từng là niềm trăn trở của một vị lãnh đạo có tâm và có tầm. Cách đây 18 năm, trong bức thư cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi ông Nguyễn Minh Triết (khi đó là Bí thư Thành ủy TP.HCM) đã trình bày những trăn trở về Cần Giờ. Trong bức thư đó đã vạch rõ những ưu điểm của Cần Giờ và để đánh thức tiềm lực nơi đây thì chỉ có cách tiến ra biển. Xây dựng vùng biển duy nhất của TP.HCM trở thành một khu đô thị nghỉ ngơi, giải trí, du lịch có tầm cỡ khu vực.

Cố Thủ tướng đã đánh giá, khu đô thị Cần Giờ là công trình mang tính đột phá, tầm cỡ không chỉ đối với Việt Nam mà ít nhất cũng mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, có thể so sánh với Langkawi của Malaysia, Pattaya của Thái Lan hay Bali của Indonesia.

Đánh giá dựa trên những tiềm năng quý giá của Cần Giờ, vùng đất này sở hữu 33.000ha là rừng sinh quyển. Hệ sinh thái rừng ngập mặn nơi đây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cần Giờ còn có hệ thống sông ngòi dày đặc, phù hợp với việc phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị gắn liền với du lịch. Đây cũng là khu vực có biển duy nhất tại TP.HCM với bãi biển dài khoảng 13km. Một vùng đất được bao quanh bởi biển, sông nước và những cánh rừng ngập mặn, Cần Giờ thực sự là món quà vô giá của thiên nhiên cần được phát triển xứng tầm.

Không chỉ vậy, xét về di chuyển, Cần Giờ cách trung tâm TP.HCM khoảng 60km, khoảng cách này đủ xa để biển Cần Giờ thành một vùng đất thanh bình trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, Cần Giờ cũng là khu vực có nhiều di tích văn hóa và các lễ hội truyền thống của người dân địa phương, đặc biệt là Lễ hội Nghinh Ông tại Cần Giờ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Cần Giờ cũng là khu vực nằm trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Dưới con mắt của nhiều nhà nghiên cứu, việc kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi khu vực xung quanh hai đại dương này là châu Á, châu Phi, sẽ chiếm 80% dân số toàn cầu vào năm 2050 và là nơi tập trung của các nền kinh tế năng động nhất thế giới.

Việc tiến ra biển, sẽ giúp Cần Giờ trở thành một trạm trung chuyển lớn trong tuyến đường quan trọng của thế giới - điều mà rất nhiều nước mong muốn. Theo đánh giá, vị trí khu vực này hoàn toàn có thể cạnh tranh với vị trí của Singapore. 

Nói về tiềm năng của vùng đất Cần Giờ, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng phân tích: "Cần Giờ có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn. Ở đây có rừng ngập mặn thuộc khu dự trữ sinh quyển thế giới, gắn với những chiến công huyền thoại của đặc công rừng Sác. Gắn với rừng là hệ thống sông cùng kênh rạch chằng chịt và hoang sơ. Biển có dạng một vịnh, có nước sâu, nằm trong vùng ít bão và không thuộc vùng dưới mức nước biển khi xảy ra kịch bản xấu nhất của nước biển dâng. Với những lợi thế đó có thể tổ chức du lịch biển chất lượng cao nếu khắc phục được vùng nước nông lẫn phù sa ven bờ".

Cần Giờ có quá nhiều tiềm năng để phát triển nhưng ít ai hay. Chính vị Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM từng chia sẻ, chỉ có khoảng 40% người dân TP.HCM biết là thành phố có biển. Đồng quan điểm, GS. Đặng Hùng Võ cho hay: "Trước khi huyện Cần Giờ sáp nhập vào TP.HCM, thành phố này không có biển. Sau 41 năm sáp nhập, nhiều người dân thành phố vẫn không biết rằng họ có biển. Trong khi đó, người Cần Giờ dù sở hữu khoảng rừng rộng và bờ biển đẹp, là cư dân của thành phố phát triển bậc nhất Việt Nam nhưng vẫn nghèo, thậm chí mấy năm gần đây mới được hòa điện lưới quốc gia".

Điều đó cũng có thể thấy rằng, những thông tin về giá trị tiềm năng của Cần Giờ, những số liệu thể hiện sự đóng góp cho phát triển kinh tế của Cần Giờ với TP.HCM đều khá nhạt nhoà. Trường hợp này thực sự là nghịch lý bởi tiềm năng của huyện ven biển Cần Giờ có thể thấy rõ ràng. Đáng lẽ với lợi thế sẵn có, du lịch của Cần Giờ có thể khai thác những giá trị từ biển, khai thác những không gian xanh của rừng, trở thành khu du lịch yên bình để người dân thành phố tìm về thư giãn, nghỉ ngơi giải trí, giảm sức ép đô thị...

Sự nghịch lý này được cho là do 4 điểm nghẽn. Đầu tiên là giao thông. Dù chỉ cách TP.HCM khoảng 60km, nhưng việc đến Cần Giờ vẫn khó khăn cả đường bộ và đường sông (mất 2,5h).

Thứ hai, huyện chỉ mới khai thác du lịch sinh thái, sông nước, hầu như không có điểm vui chơi, mua sắm, nghỉ dưỡng chất lượng. Đặc biệt, giá trị của biển Cần Giờ là một tài nguyên hiếm khi Duyên Hải được sáp nhập vào TP.HCM. Biển Cần Giờ chưa được khai thác hết giá trị. Thậm chí, hiện tại Cần Giờ không có nổi một tổ hợp vui chơi, giải trí đúng nghĩa, tất cả vẫn còn hoang sơ, thiếu thốn. Đây chính là nguyên nhân khiến du khách thà chọn đi xa tới Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc hơn là đến với Cần Giờ.

Thứ ba, cơ sở vật chất và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch còn hạn chế, phần lớn cơ sở lưu trú chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Thứ tư, sự tham gia của người dân tại chỗ ở Cần Giờ vào quá trình cung cấp sản phẩm du lịch còn thiếu.

Điểm nghẽn không được khai mở, dẫn đến sự “thờ ơ” của khách du lịch, của nhà đầu tư; địa phương mất cơ hội phát triển nên Cần Giờ mãi dừng ở vùng đất nhiều tiềm năng. Trong 2 năm qua, lượng khách du lịch đến Cần Giờ không nhiều. Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khách đến Cần Giờ chiếm khoảng 25 - 30% tổng lượng khách tới TP.HCM, nhưng doanh thu chiếm chưa tới 1%. Mỗi khách đến đây chỉ chi tiêu khoảng 500.000 - 700.000 đồng. Thời gian qua, cả Sở Du lịch TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành liên tiếp thực hiện nhiều cuộc khảo sát, xây dựng nhiều tour, tuyến mới nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Huyện có 15 tài nguyên du lịch, song mới chỉ đang khai thác được một nửa trong số đó.

Theo ghi nhận của  phóng viên, nhiều người khi được hỏi về du lịch Cần Giờ đều có chung câu trả lời rằng “chẳng có gì”, “không có gì vui”, “không có gì chơi”. Theo chia sẻ của một đơn vị chuyên tổ chức du lịch, vài năm trước, tour 1 ngày Cần Giờ do công ty tổ chức trung bình 1 tour/tuần nhưng 1 - 2 năm trở lại đây, số lượng tour giảm mạnh, chỉ còn 3 - 4 tour/năm.

“Khách đặt tour đi Cần Giờ rất ít, tính cả khách nước ngoài và trong nước. Nếu không giới thiệu chưa chắc họ chọn Cần Giờ. Tỷ lệ khách quay lại cũng rất thấp, gần như không trở lại lần 2. Khu du lịch sinh thái Dần Xây vừa có rừng ngập mặn vừa có biển, đan xen là các kênh rạch đẹp. Khu Vàm Sát cũng vậy, quá nhiều lợi thế nhưng khai thác, đầu tư chưa đúng tầm nên tiềm năng bị bỏ phí bao năm. Nói chung, du lịch Cần Giờ còn khá nhạt nhoà”, đơn vị này cho hay.

Chính người dân ở Cần Giờ cũng chia sẻ: “Biển Cần Giờ buồn vì chẳng ai tắm bao giờ, khách du lịch đến chủ yếu cũng chỉ để ăn hải sản rồi về luôn thành phố. Hàng quán lụp xụp, người dân dựng lên tạm bợ để phục vụ du khách đến vui chơi. Hàng hóa cũng lèo tèo như các quán cóc ven những con phố nhỏ ở thành phố. Hàng chục năm nay, du lịch Cần Giờ vẫn đìu hiu và tẻ nhạt như thế”.

Giới phân tích cho rằng, nếu chỉ phát triển như bây giờ, thì Cần Giờ có rất ít điểm đến cho du khách. Trong khi nơi đây được xác định là 1 trong 3 trụ cột không gian du lịch ở TP.HCM (Cần Giờ, trung tâm TP.HCM, Củ Chi).

Nhìn lại vài chục năm qua, có thể thấy không phải Cần Giờ chưa từng được "đánh thức" tiềm năng. Sau bức thư đầy trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP.HCM cũng từng phê duyệt việc phát triển Cần Giờ thông qua các dự án khu du lịch. 

Cụ thể, năm 2004, UBND Thành phố quyết định giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư Dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ. Đến năm 2007, chủ đầu tư khởi động dự án trên diện tích 600ha theo quyết định giao đất nhưng tiến độ triển khai ì ạch, kéo dài nhiều năm. Khi ấy, chủ đầu tư đã ký hợp đồng giao Liên doanh các nhà thầu gồm Công ty Semtech Limited (Mỹ) và Công ty CCC Guangzhou Dredging Co., Ltd. (Trung Quốc) thi công phần hạ tầng lấn biển cho toàn bộ dự án. Sau đó, dự án bị đình trệ do chủ đầu tư không thu xếp được nguồn vốn đầu tư.

Đến giữa năm 2015, dự án có hy vọng "hồi sinh" khi Thành phố đồng ý cho một tập đoàn tư nhân tham gia làm đối tác chiến lược để tiếp tục triển khai dự án. Nhưng do dự án có tổng vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng và có hạng mục xây dựng nên thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thuộc Thủ tướng.

Và tháng 6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 826/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký, phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (TP.HCM).

Một vùng đất được bao quanh bởi biển, sông nước và những cánh rừng ngập mặn, Cần Giờ thực sự là món quà vô giá của thiên nhiên cần được khai thác đúng nghĩa. (Ảnh: An An)

Nói về hành trình tiến biển này, GS. Đặng Hùng Võ cho biết thêm: "Từ năm 2000, lãnh đạo thành phố đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Cần Giờ và giao cho một đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu đô thị du lịch. Kinh tế lúc đó còn eo hẹp nên tư duy tới diện tích hơn 600ha là đã quá lớn. Sau gần 20 năm, dự án được điều chỉnh tăng diện tích lên 2.870ha hướng tới một đô thị du lịch sinh thái tiến biển hiện đại. Bởi một khu đô thị lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế theo cấp số nhân so với độ tăng diện tích theo cấp số cộng.

Trước động thái này, cũng có băn khoăn việc tăng diện tích sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt. Nhưng quy hoạch luôn phụ thuộc vào khả năng tài chính để thực hiện. Khi có khả năng lớn hơn thì điều chỉnh quy hoạch cũng là việc bình thường và tích cực".

Như vậy, mất một chặng đường dài, sau vài chục năm, Cần Giờ mới sắp được “đánh thức”. Những tiềm năng, thế mạnh mới được đánh giá đúng nghĩa. Nhưng để đánh thức tất cả tiềm năng, hiện thực hoá giấc mơ của Cần Giờ đòi hỏi phải có sự tham gia của đơn vị có đủ tài chính, tiềm lực và kinh nghiệm chứ không phải là một doanh nghiệp yếu kém mọi mặt. 

Mặt khác, đưa Cần Giờ tiến ra biển là một hướng đi đã rõ ràng trong tương lai của lãnh đạo TP.HCM. Đây là cách phát triển nhằm hạn chế được sự phá huỷ môi trường sinh thái rừng ngập mặn. Cần Giờ còn là vùng biển bồi, môi trường thích hợp cho các loại thuỷ hải sản cũng như thuận tiện cho việc nuôi thuỷ sản ven bờ. Hơn nữa, phát triển loại hình du lịch sinh thái chắc chắn sẽ hấp dẫn khách du lịch không chỉ trong nước mà còn quốc tế. 

Hơn hết, đây cũng là niềm mong mỏi từng ngày của người dân Cần Giờ, để thực sự sống được bằng du lịch, được thụ hưởng những giá trị đích thực mà rừng vàng, biển bạc mang lại. Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cuối tháng 6 vừa qua, rất nhiều người dân Cần Giờ đã đứng lên bày tỏ vui mừng. Với tất cả, đây là cơ hội để Cần Giờ vươn lên, để cuộc sống người dân thực sự thay đổi - điều mà họ chỉ dám mơ ước suốt nhiều năm qua.

“Với tiềm năng sẵn có của địa phương cộng với dự án lấn biển hoàn thành, Cần Giờ trở thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng, đầu tư tầm vóc khu vực và quốc tế, một điểm nhấn, một sản phẩm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của TP.HCM”, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh.

Trên thế giới, những trung tâm thành phố, những trung tâm văn hóa, thương mại lớn đa số đều gắn với dải ven biển. Với bờ biển, về mọi mặt, từ giao thông đến cảnh quan du lịch, từ nghề hàng hải đến nghề biển, nghề cá kiểu gì cũng là tiềm năng lớn. 

Các nhà khoa học, quy hoạch, kiến trúc, môi trường hầu hết đều ủng hộ giải pháp lấn biển Cần Giờ và coi đó là việc cần làm để phục vụ cho các mục tiêu kinh tế và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu và kế hoạch phát triển Cần Giờ là hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chạy theo các mục tiêu kinh tế mà xem nhẹ vấn đề tác động của môi trường. 

Bộ Tài Nguyên và Môi trường mới đây đã lên tiếng trả lời những nghi ngờ về dự án lấn biển Cần Giờ và báo cáo chi tiết các đánh giá tác động môi trường của dự án này trước truyền thông, dư luận. 

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Hải, Vụ trưởng Vụ Thẩm định (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: “Đây là dự án có quy mô lớn, nằm kế cận vùng chuyển tiếp Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ nên chúng tôi đã hết sức thận trọng trong quá trình thẩm định và phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Qua nhiều bước bổ sung, chỉnh sửa, báo cáo ĐTM của dự án đã được thông qua bởi Hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học hàng đầu, được tiến hành thận trọng và tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật”.

Trong quá trình thẩm định hồ sơ, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy báo cáo ĐTM đã nhận diện, đánh giá khá đầy đủ, thận trọng các tác động có thể có và đưa ra giải pháp khá tổng thể nhằm giảm thiểu tác động đối với môi trường, đã xây dựng chương trình quản lý, giám sát môi trường và ứng phó sự cố môi trường.

Liên quan đánh giá ĐTM với rừng ngập mặn Cần Giờ, ông Hải cho biết, dự án nằm kế cận vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, không thuộc ranh giới rừng phòng hộ Cần Giờ, hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và khung pháp lý của UNESCO. Với những biện pháp thi công tiên tiến, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn Việt Nam cao nhất, kết quả đánh giá ĐTM thông qua các mô hình tính toán cho thấy dự án tác động không đáng kể đến Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho hay, dự án Cần Giờ nay đã được Thủ tướng chính thức thông qua. Việc đánh giá tác động xã hội và đánh giá TĐM ở mức độ nghiên cứu tiền khả thi cũng đã hoàn thành.

Về tác động xã hội, do dự án tiến biển nên không lấy đất của dân, cũng như đất của rừng. Người dân chịu tác động chủ yếu là dân làm nghề đánh bắt hải sản ven bờ và nghề làm muối. Ý kiến của người dân rất đồng thuận với việc triển khai dự án với kỳ vọng sẽ đổi đời trong hoàn cảnh phát triển mới. Như vậy, có thể yên tâm về tác động xã hội của dự án.

Về tác động môi trường, Báo cáo ĐTM đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Cũng vẫn còn một số ý kiến e ngại về tác động đến hệ sinh thái biển và hệ sinh thái rừng ngập mặn trong quá trình xây dựng cũng như hoạt động của đô thị sau này. Các ý kiến đều rất có trách nhiệm, đòi hỏi phải thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu khả thi và quy hoạch chi tiết 1/500. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một danh sách các vấn đề cần quan tâm về tác động môi trường và giải pháp bảo vệ môi trường. Chủ đầu tư đã có cam kết thực hiện.

Đầu tư phát triển các dự án lớn với những ý tưởng khác biệt luôn đặt ra các câu hỏi về bền vững môi trường. Những vấn đề đặt ra cần phải làm và lời cam kết của một chủ đầu tư có trách nhiệm là điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư. Vấn đề tiếp theo là triển khai hệ thống giám sát và đánh giá tác động môi trường như thế nào để tất cả đều yên tâm. Chắc chắn chủ đầu tư sẽ thực hiện việc này như một nguyên tắc quản lý tại mọi dự án quan trọng. Hy vọng, dự án sẽ sớm tạo dựng được một thành phố du lịch xanh, thông minh và khác biệt trên thế giới.

KTS. Khương Văn Mười, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bày tỏ sự đồng tình khi thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái tại Cần Giờ. Ông nhận định: “Dự án là bản lề, tạo đà phát triển cho Cần Giờ, một vùng khó khăn của TP.HCM. Là huyện giáp biển nhưng do hạn chế nhiều mặt, chủ yếu từ điều kiện tự nhiên nên Cần Giờ chưa có bãi tắm hoàn thiện, người dân ở TP.HCM phải đến Vũng Tàu hay Nha Trang... Với đồ án quy hoạch này, Cần Giờ trở thành khu du lịch có bãi biển và các hạ tầng, dịch vụ khác. Lúc đó, sinh kế của người dân sẽ đa dạng hơn, đời sống cũng sẽ không khó khăn như bây giờ”.

KTS. Khương Văn Mười cho biết thêm, trong đồ án này có hình thái bãi biển, khi thực hiện dự án phải có giải pháp kỹ thuật để bảo vệ. Đây là vấn đề liên quan đến thiên nhiên thì khi làm phải có kiểm soát sự tác động và phương án giữ gìn bảo tồn thiên nhiên ra sao. Với những công cụ hiện đại như hiện tại, chúng ta sẽ làm được. Vấn đề là làm có đúng hay không? 

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, quy hoạch mới sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Về hạ tầng giao thông, hiện chỉ có một đường nối thành phố đến Cần Giờ, nên khi triển khai được tuyến đường trên cao thì sẽ hạn chế được tiếng ồn, bụi từ phương tiện lưu thông.

Là người theo dõi dự án phát triển Cần Giờ nhiều năm, TS. KTS. Ngô Viết Nam Sơn nói ông đồng tình với việc lấn biển. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án phải bảo đảm quy hoạch giao thông, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường. Cùng với đó là phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, để không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển này. Một dự án có đánh giá tác động môi trường tốt sẽ có hiệu quả kinh tế - xã hội về lâu dài và ngược lại nếu không đánh giá đầy đủ sẽ có thể để lại hậu quả nặng nề, gây thiệt hại cho Nhà nước, người dân và cả chủ đầu tư.

Với tất cả những đánh giá đã có, Cần Giờ chẳng còn lý do gì để chần chừ trong việc phát triển dự án du lịch sinh thái một cách bài bản. Một mảnh đất nhiều tiềm năng, được đầu tư bởi một doanh nghiệp lớn có tiềm lực, kinh nghiệm, được giám sát chặt chẽ thì chúng ta có quyền kỳ vọng tiềm năng biển và rừng Cần Giờ thực sự thức dậy và chuyển động đầy sinh khí. Bởi đây chính là bước khởi đầu kích hoạt cho mọi hoạt động bền vững, gia tăng các giá trị về đời sống, kinh tế, dân trí cho người dân và vùng đất nơi đây.

TS. Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam: Phát triển bền vững là vẫn phát triển, nhưng ở những nơi và theo cách gây ảnh hưởng tối thiểu, ở mức độ chấp nhận được theo các cơ sở khoa học và phù hợp với các quy định pháp luật chứ không phải dựa vào cảm xúc, không phải tuyệt đối không làm gì. Về cơ bản, tôi ủng hộ dự án Khu đô thị du lịch Cần Giờ. Nếu có thể đầu tư phát triển kinh tế mà bảo tồn, bảo vệ được thiên nhiên thì không có lý do gì để không làm.


An An 
29/07/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top