TS. LS. Đoàn Văn Bình: Cần hành động mạnh mẽ để đưa du lịch thành “cỗ máy“ kiếm tiền cho Việt Nam

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Cần hành động mạnh mẽ để đưa du lịch thành “cỗ máy“ kiếm tiền cho Việt Nam

Thứ Ba, 11/04/2023 - 06:06

 

Đối thoại Reatimes: Đã có nhiều thông tin tích cực hơn cho du lịch Việt Nam, đáng chú ý là vấn để thị thực (visa), điều mà tôi nhớ không lầm thì đã có không dưới 10 lần, kể từ năm 2017, ông liên tục kiến nghị cần mở rộng theo thông lệ quốc tế. 

Sau Hội nghị về thúc đẩy phát triển du lịch hôm 15/3, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất đề xuất Quốc hội cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách quốc tế.

Ngay sau đó hai tuần, Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo phải gấp rút giải quyết những vướng mắc về visa đang cản trở du lịch phát triển, nếu chưa kịp sửa đổi Luật xuất cảnh, nhập cảnh thì ngay trong kỳ họp tháng 5 tới, có thể đề xuất Quốc hội đưa vào Nghị quyết để thực hiện.

Tinh thần chung là sớm ngày nào, ngành du lịch có thêm cơ hội ngày đó.

Lâu nay, vấn đề visa là nút thắt lớn nhất, ảnh hưởng đến tăng trưởng lượng khách quốc tế nên khiến người đứng đầu Chính phủ và Quốc hội đều sốt ruột muốn thay đổi nhanh và ngay như vậy?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Năm 2019 Việt Nam đón trên 18 triệu khách quốc tế, một con số kỷ lục trong lịch sử ngành du lịch. Covid-19 ập đến, cả thế giới giãn cách xã hội, kinh tế ngưng trệ. Hệ quả là du lịch toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Du lịch Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với khó khăn chưa từng có. Máy bay nằm “ngủ” trên mặt đất. Khách sạn đóng cửa hoặc mở cầm chừng. Nhà hàng, trung tâm mua sắm và các dịch vụ du lịch “ngủ đông”. Ngay sau khi vắc-xin Covid-19 được tiêm rộng rãi, các nước bắt đầu mở biên giới và du lịch trở lại.

Việt Nam "mở cửa" đón khách quốc tế tương đối sớm, nhưng gần như không tận dụng được tối đa lợi thế. Lý do thì nhiều. Nào là chúng ta chưa có một cơ quan quản lý du lịch được trao thật đủ thẩm quyền để quyết nhanh mọi vấn đề liên quan; chưa có đầy đủ những thứ du khách cần như kinh tế ban đêm, chưa có nhiều những công trình thu hút điểm đến xứng tầm như Disneyland, Universal…; nào là nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; nào là hạ tầng, thông tin, quảng bá chưa như các hãng lữ hành, du khách kỳ vọng; nào là mở cửa cho du khách nhưng thông tin đến với họ không rõ ràng, thủ tục phòng chống Covid-19 vẫn là rào cản; nào là các thị trường trọng điểm Đông Bắc Á vẫn đóng cửa biên giới, vv..

Tất nhiên, vấn đề thị thực được cộng đồng quốc tế và ngành du lịch đánh giá là thiếu thân thiện hơn so với ngay các nước trong ASEAN, chứ chưa muốn so với các nước hàng đầu về du lịch ở châu Á và trên thế giới. Chúng ta mới miễn thị thực cho 24 nước, cấp thị thực điện tử cho 80 nước và vùng lãnh thổ. Thị thực cấp tại chỗ còn rào cản thủ tục và đối tượng được cấp.

Phải khẳng định, visa chỉ là một trong các vấn đề mà chúng ta cần cải thiện. Chỉ có điều đây là vấn đề quan trọng, có thể làm ngay vì việc này đang ảnh hưởng tiêu cực đến lượng du khách quốc tế đến nước ta. Việt Nam thì đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

- Là một người làm việc trực tiếp trong ngành du lịch, một chuyên gia về du lịch, ông đã trực tiếp và chứng kiến nhiều lần doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi chính sách visa để tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự thay đổi nào và đây được cho là rào cản chính khiến Việt Nam "đi sớm về sau" ở cuộc đua đón khách quốc tế. Trên phương diện hoạch định chính sách, theo ông, vì sao chúng ta lại khó khăn trong việc thay đổi chính sách quan trọng cho ngành du lịch như vậy? Trở ngại nào là lớn nhất khiến Việt Nam chỉ “hé” chứ không mở rộng cánh cửa đáng lẽ ra phải cởi mở nhất này?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: An ninh quốc gia là vấn đề nhạy cảm và tối quan trọng. Nước nào cũng coi trọng vấn đề này. Quan hệ quốc tế theo thông lệ phải có qua có lại. Anh miễn thị thực cho tôi, tôi mới miễn cho anh và ngược lại. Đây là các lý do chính để bất cứ nước nào cũng phải cân nhắc thật kỹ khi mở cửa biên giới. Có lẽ là vì vậy nên thời gian qua, chúng ta chỉ “hé mở” cửa vấn đề thị thực. 

Nhiều người nói còn thêm lý do khác. Xin phép không bình luận. Tuy nhiên, vị thế của chúng ta ngày càng cao; thể chế của chúng ta ngày càng hoàn thiện; chúng ta có thể học kinh nghiệm quản lý của các nước làm tốt công tác này; lực lượng con người, công nghệ quản lý xuất nhập cảnh đã phát triển đến mức chúng ta hoàn toàn có thể “mở rộng cửa” để chào đón du khách quốc tế, phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta cần kinh tế, chúng ta có thể linh hoạt đơn phương miễn thị thực cho những nước giàu có hơn. Một khi chúng ta mạnh về kinh tế, chúng ta sẽ có điều kiện tốt hơn để bảo vệ an ninh, quốc phòng và thặt chặt các mối quan hệ ngoại giao với các nước vì thịnh vượng chung.

 

- Ông đánh giá ra sao về quyết tâm lần này của lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội? Điều này sẽ có tác động như thế nào đối với ngành du lịch nước ta trong bối cảnh hiện nay?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Phải khẳng định đây là quyết tâm rất lớn của Thủ tướng. Rất mừng là ngay sau Hội nghị, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét cải thiện việc cấp thị thực theo hướng mở rộng các nước miễn thị thực, cấp thị thực điện tử cho tất cả các nước, kéo dài thời gian thị thực… Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội đã lên tiếng và ủng hộ đề xuất này trong buổi làm việc với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay cho ngành Du lịch. Điều này, nếu được thực hiện sớm, có tác động rất tích cực đến sự phát triển của du lịch Việt Nam. Chắc chắn du khách quốc tế sẽ đến nhiều hơn. Nhà nước đã lắng nghe và đang hành động đầy trách nhiệm với những đòi hỏi cấp bách của đất nước. Còn lại là việc của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân.

- Với tầm nhìn dài hạn, khi đã có Chiến lược quốc gia về phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, cơ quan quản lý cần tiếp tục làm gì để du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Cải thiện thể chế; kiến tạo môi trường kinh doanh ổn định, có thể dự đoán trước; bảo vệ môi trường văn hóa và tự nhiên; ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển bất động sản du lịch để tạo ra các cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, mua sắm cho ngành; khuyến khích các công trình tạo điểm đến; khuyến khích phát triển hạ tầng xã hội như bệnh viện để thu hút du khách đến du lịch y tế rất tiềm năng của nước ta; đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá hình ảnh “nhận thức điểm đến Việt Nam” và trao quyền mạnh mẽ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Du lịch quốc gia Việt Nam; Cần nghiên cứu thiết lập cơ quan đặc nhiệm (task force) có sự tham gia của khu vực công và khu vực tư để theo sát chiến lược, nghiên cứu các xu hướng, mô hình hay trên thế giới, lập kế hoạch hành động, điều phối tổng thể ngành du lịch với tư cách là ngành kinh tế mũi nhọn, nghĩa là ngành kiếm tiền (making money) cho đất nước.

 

-  góc độ thị trường du lịch, cần hoàn thiện thêm những gì để cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Chúng ta có những ưu thế riêng, như: Văn hóa ẩm thực đa dạng về màu sắc, mùi và vị nằm trong nhóm dẫn đầu cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Mexico, Ma-rốc; Chúng ta có nhiều bãi biển đẹp hàng đầu thế giới. Hàng đầu thôi, chứ không phải là số 1 thế giới. Nhiều nơi trên khắp 5 châu lục đều có những bãi biển đẹp.

Show Kiss The Stars  tại Thị trấn Hoàng Hôn - Phú Quốc.

 

Trong vài năm gần đây, chúng ta có hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng được đầu tư mới và được cập nhật theo tiêu chuẩn của các thương hiệu quản lý khách sạn hàng đầu thế giới. Cơ sở lưu trú của du lịch Việt Nam đang đáp ứng nhu cầu của ngành, nhờ đội ngũ doanh nghiệp tư nhân có khả năng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú nhanh, chất lượng, hoàn toàn đủ khả năng cạnh tranh với thế giới. Còn các thứ khác, khả năng cạnh tranh của chúng ta đang ở mức bình thường. 

Như tôi đã trình bày ở trên, có rất nhiều việc phải làm, phải nỗ lực và quyết tâm lớn mới mong cạnh tranh được trong cuộc chơi khu vực và toàn cầu này. Nhà nước phải làm tốt công việc của mình, doanh nghiệp phải làm xuất sắc công việc của mình. Cách tốt nhất và có thể lượng hóa, chúng ta cần bám sát các tiêu chí cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) để hành động, cải thiện vị trí liên tục theo hướng đi lên và luôn hướng đến mục tiêu trong chiến lược.

- Một cách khái quát nhất, ông có thể mô tả về giá trị kim cương của du lịch Việt Nam?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Du lịch là ngành “siêu kinh tế”, ngành kinh tế “nhân dân”.

Nông nghiệp thường chỉ làm được ở nông thôn; công nghiệp, công nghệ thường tập trung ở thành thị nơi có nhiều lao động có trình độ, có tay nghề, có hạ tầng; dịch vụ tài chính, ngân hàng thường tập trung ở các trung tâm thành phố còn du lịch có thể làm ở mọi nơi, 24 giờ về không gian và thời gian.

Du lịch trải dài từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau. Du lịch trên các đồi cát ven biển Ninh Thuận, Bình Thuận. Du lịch vươn lên đỉnh Phan Xi Păng và xuống các rặng san hô đáy biển Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo. Du lịch Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Du lịch khám phá hang động Sơn Đoòng, Phong Nha Kẻ Bàng. Du lịch tâm linh Tràng An, Bái Đính. Du lịch vươn đến các bản làng xa nhất ở Hà Giang, ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Phố đêm ở Hà Nội và Sài Gòn chắp cánh cho du lịch không ngủ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến 40 ngành kinh tế chính và sử dụng 2.500 sản phẩm và dịch vụ trong nền kinh tế. Du lịch giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, thu ngoại tệ. Du lịch điều tiết dòng tiền từ nơi giàu đến nơi nghèo. Tạo nhiều việc làm. Xóa đói giảm nghèo. 

Toàn dân làm du lịch. Cộng đồng làm du lịch, doanh nghiệp làm du lịch và người dân làm du lịch. Du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, du lịch hoang dã đóng vai trò quan trọng để phát triển nông dân, nông thôn, miền núi. Du lịch còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước đi năm châu, bốn biển. Du lịch kết nối thế giới với nhau, gần nhau, hiểu nhau, hợp tác cùng thắng.

Du lịch khai thác được mọi lợi thế của đất nước chúng ta: Con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực với những nét độc đáo riêng. Năm 2019, du lịch đã mang đến thu nhập 32,8 tỷ USD, đóng góp 9,2% vào GDP. Bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn. Du lịch mang đến cả “tiếng” và “miếng”.

Ảnh: Lê Đức.

 

- Du lịch Việt Nam "đi sớm về sau" thể hiện rõ ở lượng khách quốc tế. Tháng 7/2022, Thái Lan mở cửa hoàn toàn và đón hơn 11 triệu khách cả năm sau một năm thử nghiệm với "Hộp cát Phuket". Singapore mở cửa tháng 4/2022 và đón được 6,3 triệu lượt. Cùng thời điểm, Indonesia mở dần cửa khẩu quốc tế và đón 5,5 triệu lượt. Cả Thái Lan, Singapore và Malaysia đều vượt chỉ tiêu khách quốc tế năm 2022. Trong khi đó, Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt trong mục tiêu 5 triệu. Khi “đi sớm về sau”, chúng ta sẽ bỏ lỡ những gì? 

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để đuổi kịp và vượt lên các nước trong khu vực. Chúng ta mất nhiều thứ nhưng cái mất lớn nhất là thời gian. Chiến lược đã đặt ra lộ trình và các mục tiêu phải đạt được theo từng mốc thời gian. Đứng im là thụt lùi. Chúng ta còn thụt lùi với chính mình. Trước Covid-19, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP lên tục tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016 đạt 6,9%; năm 2017 đạt 7,9%; năm 2018 đạt 8,3% và năm 2019 như tôi đã nói ở trên, đạt 9,2%. Năm 2020 và 2021 do tác động của dịch Covid-19, đóng góp của ngành du lịch Việt Nam vào GDP lần lượt chỉ còn khoảng 4% năm 2020 và 2,5% năm 2021.

- Ông có tự tin vào “đôi cánh” của du lịch Việt Nam, là hạ tầng du lịch và văn hoá du lịch, trong cuộc cạnh tranh quốc tế?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Chúng ta đang làm tốt hạ tầng du lịch. Văn hóa du lịch đang ngày càng tốt hơn. Chúng ta đã xác định chuyển dịch sang dịch vụ với tỷ trọng cao hơn, đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đã có chiến lược du lịch mới. Nhà nước đang ưu tiên cao cho 3 đột phá chiến lược và coi trọng văn hóa. Một khi chế độ visa được cải thiện.

 

Một khi chúng ta hiểu thấu đáo vị thế của du lịch đang ở mức bình thường, cần nỗ lực vượt bậc để vươn lên và hành động quyết liệt. Nghĩa là chúng ta đã có sẵn “đôi cánh” như cách mà bạn ví von. Nhưng để có thể bay cao, bay xa trên bản đồ du lịch toàn cầu, chúng ta cần nhiều hơn những hành động quyết liệt, như cách thay đổi chính sách visa. Như thế, tôi tin là chúng ta mới sẵn sàng cho cuộc đua và có triển vọng bứt phá trên bảng xếp hạng cạnh tranh du lịch toàn cầu. 

- Là người đã đi thực tế hàng trăm quốc gia để nghiên cứu, nhất là đến các nước có du lịch phát triển trên thế giới, ông nhận thấy họ có gì để thu hút và phát triển du lịch?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Nếu nghiên cứu và / hoặc thực tế đến các quốc gia lớn, nhỏ khắp năm châu lục trên thế giới, có thể khẳng định, xét về tổng thể, nước nào cũng có những điều kiện cơ bản để phát triển du lịch:

(1) Lịch sử đáng tự hào với người dân nước đó: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia có lịch sử rất dài. Châu Âu có La Mã cổ đại. Trung Đông có đế quốc Ba Tư (Persia). Nam Mỹ với Đế chế Maya. Ai Cập cổ đại bắt đầu từ năm 3150 TCN. Nam Phi là "cái nôi" của nhân loại (Cradle of Humankind) với phát hiện khảo cổ học về hộp sọ Cậu bé Taung (Taung Child) 2,3 triệu năm. Nổi tiếng hơn trên toàn thế giới là cái tên Lucy 3,2 triệu năm tuổi, được cho là người phụ nữ tiền sử, tổ tiên của người Ethiopia, của khu vực Sừng châu Phi (The Horn of Africa) và loài người; v.v..

(2) Truyện thần thoại: Hầu hết các nước đều có các câu chuyện truyền thuyết về huyền thoại lập quốc, nguồn gốc của quốc gia, dân tộc. Người Campuchia có huyền thoại lập quốc gắn với Hoàng tử Ấn Độ Preah Thong; Hy Lạp có các vị Thần trên đỉnh Olympia. Ai Cập có Thần Ra, Thần trí tuệ Osiris. Mexico có huyền thoại về những người khổng lồ xây Đại Kim tự tháp Cholula và Thần Quetzalcoatl; vv..

(3) Tự nhiên: Điều kiện tự nhiên ở mọi quốc gia cơ bản giống nhau, gồm đất, đá, nước, rừng, đồi, đại dương, biển, sông, suối, đồng bằng. Chúng ta có các bãi biển để tắm đẹp hàng đầu thế giới. Tôi vẫn phải nhấn mạnh, đẹp hàng đầu thôi chứ không phải đẹp số một trên thế gian.

Rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng có bãi biển đẹp vào nhóm hàng đầu. Biển của Maldives như thiên đường. Biển Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines cũng rất tuyệt. Biển Caribe, biển Địa Trung Hải cũng không kém. Biển Hawaii, biển Úc, biển ở Cape Town Nam Phi, biển Tanzania, biển Mauritius đại diện cho châu Phi ở Ấn Độ Dương cũng rất thu hút. Mỹ và Canada chia sẻ thác Niagara. Brazil và Argentina có chung thác Iguazu. Zimbawe và Zambia có chung thác Victoria trên sông Zambezi. Madagascar nổi tiếng với Baobab Avenue 20km, có những cây baobab hàng nghìn năm tuổi. Iceland có rất nhiều núi lửa, nước phun, sông băng. Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Nga, Canada có cực quang. Nepal và Tây Tạng có đỉnh Everest cao nhất thế giới. 5 nước Nga, Iran, Turmekistan, Kazakhstan và Azerbaijan cùng chung hồ Caspi lớn nhất thế giới. Peru, Brasil và Colombia có sông Amazon dài nhất trên địa cầu. Mauritius có đất 27 màu vô cùng độc đáo nhờ hoạt động của núi lửa trên 100.000 năm trước, Úc có Twelve Apostles, Nam Phi có Mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope) và rừng quốc gia Kruger, Argentina có Mũi Sừng (Cape of Horn); v.v..

(4) Văn hóa: (i) Dân tộc và ngôn ngữ: Thế giới có trên 200 nước và vùng lãnh thổ nhưng có đến 2.000 dân tộc. Papua New Guinea có tới 850 dân tộc cùng ngôn ngữ thổ dân. Ấn Độ có 400 dân tộc. Nigeria có hơn 250 dân tộc. Tanzania có đến 120 dân tộc anh em và ngần ấy ngôn ngữ, văn hóa, ẩm thực khác nhau; (ii) Dùng bằng tay, đũa và dao nĩa là các cách khi ăn của nhân loại; (iii) Điệu nhảy: Lào có điệu nhảy Apsara, Tây Ban Nha là Flamenco, Argentina là Tango, Brasil là Samba. Ballet có gốc Ý nhưng thịnh hành ở Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Bulgary…; (iv) Ngôn ngữ phổ biến: 10 ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hindi, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Bengal, tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Indonesia. Tiếng Việt đứng thứ 21 về tính phổ biến trong số khoảng 6.809 ngôn ngữ đang sử dụng. Chúng ta có 54 dân tộc với khoảng 90 ngôn ngữ; v.v..

Sắc màu thu hút du lịch của Ma-rốc. Ảnh: Đoàn Văn Bình. 

(5) Ẩm thực: Loài người đang sống chung trên cùng một hành tinh, chung một giống loài, cùng hít thở không khí, cùng hưởng ánh nắng mặt trời. Gạo, mì, ngô (bắp), khoai, sắn, lợn, gà, bò, cừu, cá, tôm là thực phẩm chính. Brandy, whisky, vang, rum, gin, tequilla, trà, cafe là thức uống chủ đạo. Ẩm thực Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rất, rất đa dạng về màu sắc, mùi và vị. Ẩm thực Pháp với hàng trăm loại vang, sâm-panh, pho mai, bơ, bánh mỳ. Rồi ẩm thực của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Mexico cũng vô cùng phong phú. Ẩm thực Ma-rốc đày màu sắc; v.v..

(6) Các công trình nhân tạo: Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành (Great Wall). Mỹ có Tượng Nữ Thần Tự Do (Statue of Liberty) và Cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge). Panama có kênh đào Panama. Úc có Nhà hát Con Sò (Opera Sydney). Mexico có các Kim tự tháp Cholula, Kim tự tháp Mặt Trời và Mặt Trăng Teotihuacan, Đền Chichen Itza (Kukulkan). Peru có Thành phố đã mất của người Inca, Machu Picchu. Brasil có Tượng Chúa Kito Cứu Thế (Statue of Christ Redeemer). Ai Cập có Kim tự tháp Giza và Kênh đào Suez. Ấn Độ có Đền Taj Mahal. Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất có Đảo Cây Cọ và Tháp Burj Khalifa ở Dubai. Nhật Bản có Tháp Tokyo Sky Tree và Cầu Akashi Kaikyo. Tây Ban Nha có Đường dẫn nước Segovia. Jordan có Petra, kinh thành của vương quốc Nabataean. Campuchia có Angkor Wat. Ý có Đấu trường La Mã, tháp nghiêng Pisa, Venice. Chile có Đảo Phục Sinh. Hy Lạp có Đền Parthenon thờ thần Athena; v.v..

(7) Các di sản được UNESCO công nhận: Tính đến tháng 7/2021, thế giới có 1.153 di sản tại 167 quốc gia. Trung bình mỗi nước có khoảng 8 di sản. Việt Nam có 8; Indonesia có 9; Ý đứng đầu với 58; Trung Quốc có 56; Đức có 51; Tây Ban Nha có 49; Pháp có 4; Ấn Độ có 40; Mexico có 35; Vương Quốc Anh có 34; Nga có 29; Iran có 26; v.v..

(8) Hạ tầng lớn: (i) Sân bay: Top 10 sân bay lớn nhất thế giới là King Fahd (Ả Rập Xê-út); Denvor (Colorado, Mỹ); Dallas/ Forth Worth (Texas, Mỹ); Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc); Charles de Gaulle (Pháp); Madrid Barajas (Tây Ban Nha); Bangkok (Thái Lan); Chicago O’Hare (Mỹ); Cairo (Ai Cập) và Bắc Kinh (Trung Quốc). Sân bay Changi của Singapore, Dubai không nằm trong top 10; (ii) Express train: Shinkansen của Nhật Bản; Tàu đệm từ Shanghai Maglev của Trung Quốc; Tàu cao tốc AVE của Tây Ban Nha; Tàu tốc hành TGV của Pháp; Tàu ICE của Đức; Tầu EUROSTAR của Anh; Tàu FrecciaRossa của Ý; Tàu nhanh VIA của Canada; Ma-rốc đầu tư Al-Boraq với tầu TGV nối thành phố lớn nhất Casablanca với thành phố Tangier ở phía Bắc; Ả Rập Xê-út có đường sắt cao tốc Haramain nối Mecca và Medina với thành phố Jeddah trên bờ Biển Đỏ; (iii) Cảng biển: Cảng Thượng Hải, Singapore, Thiên Tân, Quảng Châu, Ninh Ba-Chu Sơn, Rotterdam, Tô Châu, Thanh Đảo, Busan; v.v..

(9) Các công trình tạo điểm đến cho du lịch: Singapore có tổ hợp khách sạn, mua sắm, casino Marina Bay Sands; Malaysia có Genting; Mỹ, Singapore, Nhật Bản có công viên giải trí Universal; Hongkong, Thượng Hải, Tokyo có Disneyland; Hàn Quốc có Everland; Iceland có tắm khoáng nóng Blue Lagoon; Na Uy có công viên tượng khỏa thân Vigeland; Nhiều chục nước có Đua xe công thức 1 (F1), trong đó có Việt Nam; v.v..

(10) Các lễ hội: Lễ hội ném bột màu Holi (Ấn Độ); Lễ hội hóa trang Rio Carnival (Brasil); Lễ hội đèn lồng Mantoro (Nara, Nhật Bản); Lễ hội hóa trang Venice Carnival (Ý); Lễ hội hoa đăng Pingxi Lantern (Đài Loan, Trung Quốc); Lễ hội Mùa Đông (Quebec, Canada); Lễ hội Timkat (Ethiopia); Lễ hội đèn lồng (Trung Quốc); Lễ hội chùa Mann Shwe Settaw (Myanma); Lễ hội bia October Fest (Đức); Lễ hội đấu bò tót (Tây Ban Nha); Lễ hội người đồng tính (Gay and Lesbian) ở Úc, Brasil; Lễ hội âm nhạc Glastonbury (Anh); Lễ hội rượu vang (Úc, Ý, Đức, Tây Ban Nha), đặc biệt là lễ hội vang Bordeaux của Pháp 2 năm tổ chức một lần và lễ hội vang tươi Beaujolais Nouveau; v.v..

- Nhìn vào sự phát triển của các quốc gia du lịch, theo ông, Việt Nam còn thiếu gì để có thể vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ hạng 75/141 năm 2015 lên hạng 63/140 nền kinh tế năm 2019. Tổ chức Du lịch thế giới xếp Việt Nam thứ 6 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Dù còn cách xa mục tiêu trên, nhưng chúng ta có đầy đủ tiềm năng để trở thành cường quốc du lịch thế giới, chứ không phải chỉ top 30. Chúng ta đã có chiến lược, nghĩa là có đích hướng đến. Cái chúng ta cần là ý thức về vị trí hiện tại của ngành; có kế hoạch hành động phù hợp với tình hình mới hậu Covid-19, những thay đổi của địa chính trị toàn cầu và thái độ của chúng ta với mục tiêu. 

 

Quan sát và trải nghiệm các dịch vụ du lịch và xu hướng du lịch mới trên thế giới, Việt Nam có thể học hỏi điều gì, thưa ông?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Sự thực là có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi. 

Thế giới có rất nhiều sáng tạo về thể chế, hạ tầng, dịch vụ, giữ gìn môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn, truyền thông cho du lịch. Nhiều nước rất coi trọng du lịch. Nhiều nước có Bộ Du lịch, có cảnh sát du lịch riêng, người đứng đầu nhà nước sát sao về du lịch. 

Ví dụ, Vua Ma-rốc Mohammed VI có những chỉ đạo rất sát sao để Ma-rốc đứng hàng đầu về du lịch ở châu Phi như: Miễn visa, cấp visa điện tử, đầu tư đường sắt cao tốc Al-Boraq để kết nối các thành phố du lịch, thay đổi cả Hiến pháp tăng quyền cho phụ nữ Hồi giáo, cấm phụ nữ không quấn khăn che mặt, hôn nhân một vợ một chồng… để tạo ra hình ảnh đất nước Hồi giáo Ma-rốc đổi mới, sáng tạo thu hút đầu tư bất động sản, du lịch, thương mại, tài chính; cách Nam Phi cho phép các resort sinh thái được xây dựng và hoạt động ngay trong rừng quốc gia để khai thác du lịch trải nghiệm tự nhiên với muôn loài thú hoang dã; cách Hawaii khai thác du lịch mạo hiểm đáy biển; cách Hà Lan khai thác du lịch cối xay gió và hoa tuy líp; cách Pháp đưa ballet lên Air France hay Tây Ban Nha tổ chức đấu bò tót; Thổ Nhĩ Kỳ và Ma-rốc khai thác bầu trời bằng kinh khí cầu; cách Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Ả Rập Xê-út và Singapore luôn tạo thêm các điểm đến qua các công trình kiến trúc có một không hai để kéo cầu du lịch, làm mới hình ảnh quốc gia; cách một số nước làm cho du khách nhớ đến họ qua màu sắc. Nam Phi có khu người Malay đầy màu sắc ở Cape Town. Hy Lạp với Santorini phủ trắng xanh gây thương nhớ; Đức đưa nghệ thuật graffiti ra đường phố trên bức tường Béc-lin. Pháp khai thác sông Sein để tạo các tour du lịch trong phố ấn tượng; cách Campuchia thu hút bằng Angkor Wat với 37 USD/khách rất ấn tượng và hiệu quả; cách thế giới tổ chức các lễ hội nữa, rất sống động, hiệu quả… có thể kể rất nhiều nữa về cách thế giới sáng tạo để thu hút du khách. Cụ thể hơn:

Thứ nhất, về dịch vụ: 

Công nghệ và chuyển đổi số. Nhiều nước trên thế giới như Singapore, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Mỹ đã có hệ thống máy check-in vào sân bay tự động, thuận thiện cho du khách và giảm bớt việc của hàng không và xuất nhập cảnh.

Các nước chủ yếu đã cấp thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu với chi phí hợp lý, rất thuận tiện cho du khách; không gian làm thủ tục xuất nhập cảnh của hầu hết các nước đều được trang trí chào đón, nhiều nơi cụm từ “welcome” bằng các thứ tiếng chính trên thế giới được trang trí ngay trên quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh; nhân sự làm xuất nhập cảnh thân thiện, hỗ trợ du khách.

Một số sân bay quốc tế có dịch vụ trả phí để đưa đón nhanh (fast track, VIP service), hỗ trợ và làm hài lòng du khách.

Thứ hai, về xu hướng:

Du lịch có xanh, thân thiện với môi trường;

Du lịch sức khỏe, du lịch chữa lành, du lịch để ngủ;

Du lịch tâm linh;

Du lịch du mục kỹ thuật số (digital nomads);

Du lịch y tế: Nhiều nước làm rất tốt du lịch y tế như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc (làm đẹp), Singapore, Thái Lan. Rất nhiều du khách đến Cuba chữa bệnh. Việt Nam hoàn toàn học hỏi mô hình này của các nước trên.

Du lịch phượt vẫn đang là xu hướng của giới trẻ trong bối cảnh thu nhập giảm, lạm phát cao và cuộc sống bất định hậu Covid-19. Du lịch phượt chi phí thấp. Ở góc độ quốc gia, Israel là số 1 về “phượt thủ”. Người Israel luôn đi theo “Quyển sách El Lobo”. Có 2 lý do chính, một là giới trẻ Israel muốn giải tỏa áp lực sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc và người Israel là một dân tộc học tập, sáng tạo. Họ “lang thang” khắp thế giới để học hỏi.

 

Việt Nam đang khai thác tốt du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch golf, du lịch tâm linh. Các loại hình du lịch xanh, văn hóa, lịch sử, ẩm thực, chữa bệnh, sức khỏe… ta làm chưa tốt. Các loại hình du lịch theo xu hướng mới cần bắt đầu và cải thiện. Du lịch du mục kỹ thuật số cần bắt đầu từ chính sách.

- Như ông phân tích thì chúng ta chưa làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Vì sao thông tin cho khách du lịch còn thiếu, yếu mặc dù Việt Nam đã thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong thời gian qua?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Về công tác quảng bá du lịch, chúng ta đang chưa tốt ở các khâu: (1) Thiếu 1 nhạc trưởng điều tiết phát triển du lịch với tư cách là một ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc quảng bá. Hiện tại, đang mạnh tỉnh, thành nào, địa phương nào, doanh nghiệp nào thì làm nấy. Lãng phí nguồn lực, tốn kém thời gian, tiền bạc và quan trọng là không có trọng tâm, trọng điểm, không hiệu quả; 

(2) Kinh phí đầu tư cho quảng bá quá ít. Năm 2016, chúng ta đầu tư cho quảng bá du lịch của Việt Nam còn ở mức rất khiêm tốn, khoảng 2 triệu USD/năm. Con số này chỉ bằng 2,9% sự đầu tư của Thái Lan, 2,5% của Singapore, 1,9% của Malaysia. Theo xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 80 trong danh sách 136 quốc gia về hiệu quả quảng bá cho du lịch. Chỉ số này thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực, đứng sau cả Lào (xếp hạng 53) và Campuchia (xếp hạng 73);

 

(3) Chưa phát huy được lợi thế của kinh tế số, chuyển đổi số. Chúng ta còn yếu ở hạ tầng thông minh cho sân bay, bến cảng, cửa khẩu hỗ trợ công tác quản lý thân thiện và nhanh chóng cho du khách. Việc cấp thị thực điện tử còn giới hạn. Quảng bá trên nền tảng số, trên các mạng xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển…;

(4) Bộ nhận diện và các công cụ truyền thông chưa được đổi mới, chưa rõ ràng và đặc biệt là:

(5) Key truyền thông: Chúng ta chưa thể hiện được cái tinh hoa, hồn cốt của con người, văn hóa, tự nhiên của đất nước. Một cái gì đó kiểu như Intel Inside, tương tự là Vietnam Inside cần được tìm ra để làm key truyền thông cho “nhận thức điểm đến” tầm quốc gia để du khách ở các thị trường mục tiêu thường xuyên nghe về một Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn, cuốn hút, giá cả phải chăng; thường xuyên xem được những hình ảnh, video về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử Việt Nam và thường xuyên đọc được những thông tin cập nhật nhất về du lịch Việt Nam như chính sách thị thực, các sự kiện, lễ hội du lịch, các điểm đến hàng đầu như Vịnh Hạ Long hay điểm đến mới lạ Sơn Đoòng. Việc này vô cùng quan trọng. 

Một khi đã tạo được nhận thức điểm đến thì việc còn lại là của doanh nghiệp. Việc tạo ra nhận thức điểm đến tầm quốc gia nên là việc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao. Có lần khi chúng tôi ra nước ngoài, dù là người Việt Nam nhưng họ lại chào “Nỉ hảo” vì nghĩ là người Trung Quốc. Trên màn hình các chuyến bay quốc tế, các biển hiệu chào đón, chưa thấy có “Xin chào” bằng tiếng Việt Nam. Khi được chào “Nỉ hảo”, chúng tôi vui cười trả lời: “We are Vietnamese. Xin chào!”. “Ồ, Vietnamese, Xin chao. Xin chao. Easy!”. Nhiều người nước ngoài mà chúng tôi gặp ở Nam Mỹ, châu Phi chỉ biết đến Việt Nam qua các bộ phim Holywood về chiến tranh. Một số người khác nói biết Việt Nam qua các sản phẩm quần áo và giầy dép Nike, Adidas dùng rất tốt, tốt hơn cả sản phẩm “made in India”, “made in Indonesia” hay “made in China”. Nhiều người khen gạo xuất khẩu của Việt Nam. 

 

Có người chỉ biết Việt Nam ở châu Á. Họ không biết Việt Nam là một đất nước xinh đẹp, hòa bình, đang tiến bộ không ngừng, không biết Việt Nam có nền kinh tế rất mở, GDP đang ngày càng tăng, đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo, số 2 về cafe nhưng số 1 về cafe Robusta. Họ không biết Việt Nam đã sản xuất được xe điện. Họ cũng chẳng biết ẩm thực Việt Nam thuộc nhóm đa dạng, hấp dẫn hàng đầu về màu sắc, mùi, vị cùng với nhóm các nước có ẩm thực hấp dẫn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Ý, Mexico, Ma-rốc. Biển, đảo của ta đẹp nhưng họ chỉ biết đến Bali của Indonesia, Phuket, Pattaya của Thái Lan, Langkawi của Malaysia, vv.. Đây là kết quả của hoạt động truyền thông “nhận thức điểm đến” đang triển khai còn yếu, còn mơ hồ.

- Nhìn vào Chiến lược du lịch Việt Nam đến năm 2030 với ba mục tiêu là chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Trong giai đoạn này, ông cho rằng du lịch Việt Nam nên tập trung vào muc tiêu nào?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Chuyên nghiệp và chất lượng. Chúng ta làm tốt hai việc này, khách sẽ đến, sẽ quay lại, sẽ là các đại sứ truyền thông tốt cho chúng ta. Khi đó chúng ta sẽ gặt hái quả ngọt.

- Điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay quá phụ thuộc vào thị trường châu Á nên chỉ phát triển du lịch được ở những điểm đến phù hợp với nhóm khách này, trong khi nguồn khách "Tây" còn rất thấp làm mất cân đối thị trường du lịch?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) là các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Bắc Á có văn hóa tương đồng với Việt Nam. Họ có khoảng cách bay đến chúng ta tương đối gần, với dưới 5 giờ bay nên thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, hợp tác kinh tế và văn hóa của các nước này với Việt Nam cũng đang diễn ra sôi động.

Vì thế, trong những năm trước dịch Covid-19, lượng khách từ các nước này cộng với du khách đến từ các nước ASEAN chiếm đại đa số khách quốc tế đến Việt Nam. Covid-19 bùng phát, các nước đóng cửa biên giới nên ngành du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng đây chỉ là tạm thời vì sự kiện cả trăm năm mới xảy ra 1 lần. Không ai có thể lường trước. Trong 2 năm Covid-19, cả thế giới đóng cửa chứ không chỉ riêng nước nào. 

Về dài hạn, đây vẫn là các nước Việt Nam cần khai thác hiệu quả, nhưng không nên tập trung cho du lịch đại trà mà nên hướng đến nhóm khách có thu nhập cao, khách giàu có, khách về hưu, khách du mục kỹ thuật số, khách chơi golf, khách MICE, khách mua ngôi nhà thứ 2…

 

Hướng tới khách “Tây” nhiều hơn là việc cũng cần phải làm tốt hơn để cạnh tranh với các cường quốc du lịch của từng châu lục. Châu Âu bay đến châu Mỹ, châu Á hay châu Phi là tương đương nhau. Du khách châu Âu đến các vùng biển Caribe có chi phí cao hơn là đến châu Á trong đó có Việt Nam. Chúng ta cần truyền thông về điều này. Châu Âu có các trung tâm du lịch hàng đầu là Địa Trung Hải như Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Malta, Đảo Síp. Châu Phi có Ai Cập, Nam Phi, Morocco, Mauritius, Tanzania. Châu Á có UAE (Dubai), Qatar, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước ASEAN. Châu Mỹ có Hawaii, Florida (Mỹ) và các quốc đảo Caribe, nổi bật là Cancun (Mexico), Varadero (Cuba), Rio (Brasil).

Khách châu Âu có rất nhiều lựa chọn, vì thế phải tìm cách để có thể cạnh tranh. Chúng ta cần điều gì đó độc đáo. Việt Nam cần tìm hiểu thấu đáo nhu cầu khách châu Âu, châu Mỹ, châu Đại dương - thị trường khách chất lượng, chi tiêu cao, truyền thông mạnh mẽ để họ biết và đến du lịch Việt Nam. Đồng thời, du lịch của chúng ta phải đảm bảo chất lượng các dịch vụ trong khi giá cả phải phải chăng để thu hút.

- Ông có lo doanh nghiệp lữ hành sẽ “hụt hơi” sau khị bị bào mòn và nằm bất động trong đại dịch? 

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Vâng. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có lữ hành là nhỏ và siêu nhỏ. Sức chống chịu không thể cao. 

Hai năm bị ảnh hưởng do Covid-19, sau đó là chiến tranh Nga - Ucraina và bây giờ là dòng tiền, thị trường, lạm phát… nên thiếu “năng lượng” là chuyện có thể hiểu được. Các doanh nghiệp cần tái cấu trúc mạnh mẽ để tồn tại, thích ứng với tình hình mới và phát triển bền vững.

Ví dụ, sau Covid-19, nhiều nhóm sản phẩm du lịch không còn khách du lịch như: Loại hình du lịch dành cho người lớn tuổi và di chuyển qua nhiều quốc gia.

Đồng thời, sẽ xuất hiện các loại hình du lịch khác phù hợp với tình hình mới như du mục kỹ thuật số, du lịch phượt, du lịch xanh, du lịch có mục đích… và các doanh nghiệp cần nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm phù hợp.

Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Ông đánh ra sao về mục tiêu này?

TS. LS. Đoàn Văn Bình: Quý I năm nay, chúng ta đã đón 2,7 triệu khách quốc tế. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt với các điều kiện hiện nay. Nếu câu chuyện thị thực được cải thiện ngay trong thời gian sớm tới, Việt Nam có thể vượt kế hoạch. Về dài hạn, tôi hiểu và luôn vững tin Việt Nam sẽ trở thành cường quốc du lịch của thế giới, ai cũng muốn đến trải nghiệm một Vietnam Inside!

 

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện ý nghĩa này. Chúc ông, tiếp tục hành trình “lang thang” khắp thế giới để vừa cập nhật, vừa học hỏi được nhiều ý tưởng mới, như tinh thần của người Israel, sẽ trở thành một “đại sứ” cho du lịch Việt Nam. Và đặc biệt, hy vọng ông sẽ đem về những kiến giải mới cho ngành kinh tế mũi nhọn mà ông gọi là “siêu kinh tế”, ngành kinh tế nhân dân!

​​​​​​Đình Anh
 
11/4/2023 06:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top