Đâu là những yếu tố làm nên giá trị cốt lõi của một căn hộ thông minh?

Đâu là những yếu tố làm nên giá trị cốt lõi của một căn hộ thông minh?

Chủ Nhật, 21/11/2021 - 06:00

“Dù muộn còn hơn không” - hệ tiêu chuẩn về căn hộ 4.0 cần thiết được ra đời. Không chỉ đảm bảo tính ổn định của thị trường, hệ tiêu chuẩn còn là tiền đề cho sự phát triển bền vững về sau của loại hình căn hộ này.

Sau một thời gian khẳng định vị trí và không ngừng phát triển, căn hộ 4.0 tại thị trường Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng cùng các tiêu chuẩn cụ thể. Việc không có những tiêu chuẩn cụ thể khiến căn hộ 4.0 dễ trở thành cái tên được lợi dụng với nhiều mục đích từ phía nhà đầu tư. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần xây dựng hệ tiêu chuẩn pháp lý rõ ràng cùng các giải pháp căn cơ để thị trường căn hộ 4.0 phát triển đúng hướng và ổn định.

Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, PV Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS. Nguyễn Việt Huy, Giám đốc CTCP ADA và Cộng sự (Pháp), đồng thời là Giảng viên Đại học Xây dựng Hà Nội.

Muốn sở hữu được căn hộ 4.0, người tiêu dùng trước hết phải 4.0

PV: Căn hộ 4.0 hay smarthome là một khái niệm đã xuất hiện từ lâu ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khái niệm này chỉ mới thực sự được biết đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây. Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng từ khi có mặt, thị trường này đã “nở rộ” như một trào lưu ai cũng muốn sở hữu. Kiến trúc sư nhìn nhận như thế nào về thực tế này? 

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy: Như chúng ta biết, hiện thế giới đang phát triển đến giai đoạn công nghệ 4.0. Điều này đã tạo nên một xu thế mới trên toàn cầu khi tất cả mọi thứ đều cần sự tiện nghi, hiện đại nhất có thể. Vì vậy không chỉ căn hộ cao cấp, căn hộ hạng sang mà giờ đây đã xuất hiện căn hộ 4.0 hay còn gọi là smarthome.

box

Loại hình này đã du nhập đến Việt Nam cách đây khoảng 10 năm, nhưng phải vài năm trở lại đây mới được biết đến nhiều khi quá trình đô thị hoá, phát triển kinh tế cũng như hội nhập thế giới được đẩy mạnh. Tuy nhiên, trên thục tế, cụm từ căn hộ 4.0 đang bị lạm dụng bởi bản chất ngành xây dựng ở nước ta chỉ mới tiệm cận với khái niệm này chứ chưa thực sự chinh phục, chế ngự được những ưu thế mà nó mang lại.

Vì vậy, nhìn nhận một cách khách quan, căn hộ 4.0 đang chỉ phát triển số lượng khi ào ạt các dự án bất động sản quảng cáo và cho ra đời loại hình này, còn chất lượng thì vẫn là một “dấu hỏi lớn”.

căn hộ 4.0
Ở mặt pháp lý, các quy định một căn hộ 4.0 là hoàn toàn chưa ra đời. Ảnh Internet

PV: Như kiến trúc sư chia sẻ, căn hộ 4.0 chỉ đang phát triển về mặt số lượng còn chất lượng vẫn là một “dấu hỏi lớn”, vậy nguyên nhân nào khiến ông lại nhìn nhận như vậy?

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy: Việt Nam luôn đi sau các nước phát triển rất nhiều về vấn đề đánh giá một công trình xây dựng.

Như mới đây, chúng tôi đã rất khó khăn với vai trò làm chuyên gia phản biện khi xây dựng một công trình xanh của ngân hàng thế giới và ngân hàng phát triển châu Á. Lý do là bởi giữa nhà thầu xây dựng và khách hàng chưa tìm được tiếng nói chung về tiêu chuẩn một công trình xanh.

Nói để thấy, hệ quy chuẩn ở Việt Nam cho các công trình xây dựng đang còn nhiều bất cập, thậm chí là đi sau thực tế. 

căn hộ 4.0

Nhìn lại hệ thống quy chuẩn ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại chưa có một cơ sở pháp lý nào để chúng ta có thể dựa vào ngoài quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong xây dựng. Như vậy, ở mặt pháp lý, các quy định một căn hộ 4.0 là hoàn toàn chưa ra đời.

Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã nhiều lần bàn luận về vấn đề này, tuy nhiên chưa đi đến một khái niệm thống nhất cũng như chưa đưa ra các tiêu chí rõ ràng.

Trong khi đó những tiêu chuẩn ở nước ngoài về một căn hộ thông minh sẽ dễ cho người dân đánh giá hơn ở thời điểm hiện tại. Đây cũng là sơ hở, để các chủ đầu tư dự án bất động sản dựa vào PR (quảng cáo), làm marekting cho sản phẩm của mình mà không hề vi phạm quy định pháp luật. Bởi chưa có những tiêu chuẩn rõ ràng thì không có cơ sở để đánh giá nội dung quảng cáo là đúng hay sai.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/2021/TT-BXD về QCVN 04:2021/BXD - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy chữa cháy trong chung cư cao tầng. Nhưng những quy định này chỉ áp dụng để kiểm định mức độ an toàn trong xây dựng, còn rõ ràng vấn đề "thông minh" đã vượt qua ngưỡng an toàn, thay vào đó phải hướng đến sự tiện nghi.

Đây là những lý do khiến chúng ta cần đặt một “dấu hỏi lớn” về chất lượng của các căn hộ 4.0 hiện nay trên thị trường. Vấn đề tốt hay xấu, đảm bảo chất lượng hay không... rất khó để đánh giá khi chưa có những quy định pháp luật rõ ràng về tiêu chuẩn.

Vì vậy, muốn sở hữu được căn hộ 4.0, người tiêu dùng trước hết phải 4.0. Người dùng phải thực sự có những hiểu biết nhất định về khái niệm 4.0, từ đó nắm được bản chất của nó là gì nhằm dễ dàng nhận biết sự khác nhau giữa các sản phẩm mà chủ đầu tư chào bán.

“Dở ông dở thằng” còn nguy hiểm hơn

PV: Khi chưa có những quy chuẩn rõ ràng, đầy đủ, liệu có trường hợp các dự án bất động sản “gắn mác” căn hộ 4.0 để tăng giá trị sản phẩm hay không, thưa ông?

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy: Điều này là hoàn toàn có thể. Chẳng có ai quản lý được vấn đề này khi chưa ra đời những quy định căn cơ.

Ngoài ra, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng của nước ta hiện nay còn rất lỏng lẻo ở hành lang pháp lý. Ngay cả những vấn đề đã được quy định rất rõ ràng, chi tiết trong Luật Quảng cáo thì thực tế vẫn xảy ra nhiều hiện tượng quảng cáo sai sự thật, nâng giá trị sản phẩm mà chưa có những mức phạt thích đáng. Do đó, gần như các chủ đầu tư đã nhờn với việc nói quá, đánh bóng sản phẩm.

Đặc biệt, nắm bắt được tâm lý của khách hàng, xu thế của xã hội với mong muốn sở hữu căn hộ 4.0 hướng đến cuộc sống tiêu chuẩn của tiện nghi, đẳng cấp thì việc “gắn mác” 4.0 cho các căn hộ hay kể cả biệt thự, toà nhà là tình trạng phổ biến.   

PV: Sử dụng thêm một vài thiết bị điện tự động vào căn hộ thì căn hộ đó đã được xem là căn hộ 4.0 hay không?

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy: Thêm những thiết bị thông minh vào căn hộ là tốt tuy nhiên trong thiết kế chúng tôi vẫn hay nói với nhau rằng, “dở ông dở thằng” nhiều khi còn nguy hiểm hơn. 

Ở đây cũng vậy, nếu chúng ta làm nhưng không đến nơi đến chốn thì dễ lợi bất cập hại. Bởi ở một công trình, vấn đề đầu tiên cần đảm bảo là yếu tố an toàn nhưng chính các thiết bị thông minh sẽ là con dao hai lưỡi nếu như không biết cách áp dụng. 

Khi chủ đầu tư không biết vận dụng một cách chính xác và khách hàng chưa có những kiến thức đầy đủ cùng với các thiết bị thông minh chưa được kiểm chứng, cấp các chứng chỉ an toàn thì thà không thông minh còn hơn.

căn hộ 4.0
Thiết bị thông minh không phải là giá trị cốt lõi của một căn hộ thông minh. Ảnh Internet

Đôi khi những thiết bị thông minh nhập từ các nước phát triển và được các nước công nhận, thế nhưng không có nghĩa sẽ phù hợp với đời sống của người dân Việt Nam. Bởi vì tốc độ đô thị hoá của con người sẽ chậm hơn rất nhiều tốc độ thị hoá của vấn đề xây dựng. Vô hình chung đặt con người vào một không gian khiến họ không kiểm soát được, vượt quá khả năng hiểu và sử dụng.

Ngoài ra, đời sống của người dân Việt Nam từ khí hậu, địa hình, phong tục khác rất nhiều với các nước trên thế giới. Do đó, ở nước ngoài, các thiết bị có thể thông minh nhưng chưa chắc khi đến Việt Nam nó đã đảm bảo được điều này, hoặc nó chỉ thông minh cục bộ, còn khi đi vào hệ thống thì không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. 

Thiết bị thông minh không phải là giá trị cốt lõi của một căn hộ thông minh

PV: Trước những vấn đề còn tồn tại của thị trường căn hộ 4.0 như kiến trúc sư vừa chia sẻ, theo ông cần có những giải pháp nào để ổn định cho sự phát triển của loại hình này cũng như đảm bảo tính bền vững về sau?

TS. KTS. Nguyễn Việt Huy: Tất cả những bất cập hiện có đều xuất phát từ việc thiếu một khung pháp lý rõ ràng quy định các quy chuẩn toàn diện về căn hộ 4.0. Do đó, để giải quyết vấn đề này cũng như hướng đến tính lâu dài của loại hình cần thiết phải có những giải pháp căn cơ từ Nhà nước, cụ thể là cho ra đời có một hệ quy chuẩn hoàn chỉnh để quản lý loại hình này. 

Dưới góc độ của một kiến trúc sư, theo tôi để tạo nên một căn hộ đảm bảo thông minh, phù hợp với xu hướng 4.0 cần tổng hoà 3 vấn đề chính.

Trước hết, bất kể một công trình nào ra đời cũng đòi hỏi được xây dựng đảm bảo tính an toàn. An toàn ở đây là an toàn trong xây dựng, thi công và sử dụng. Để đảm bảo được điều này tất cả các quy chuẩn về xây dựng cần được thực hiện đúng, không sai sót. Trong đó, nổi cộm lên những quy chuẩn quan trọng hàng đầu như QCVN 01:2019/BXD - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng. Đây là quy chuẩn đưa ra các khuyến cáo về khoảng lùi, về mật độ, về chiều cao… được phép sử dụng xây dựng. Nó mang tính bắt buộc giúp các dự án được xây lên đảm bảo tính an toàn.

box

Khi chúng ta mua một món hàng, ngoài vấn đề lựa chọn sản phẩm mình thích, thì điều cần quan tâm là mức độ an toàn, hạn sử dụng của sản phẩm. Tất cả chỉ được đảm bảo khi nền tảng an toàn được thiết lập vững chắc, vì vậy, muốn 4.0, muốn thông minh trước hết cần phải an toàn.

Thứ hai là tính tiết kiệm. Thông minh nhưng không tiết kiệm là thông minh thiếu bền vững hay nói một cách chính xác hơn là không thông minh. Sẽ chẳng ai bỏ một khoản tiền lớn để sở hữu các dịch vụ thông minh nhưng không tiết kiệm. Tiết kiệm ở đây cũng cần đảm bảo ở tất các quá trình từ xây dựng đến thiết kế, vận hành...

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, xây dựng là một trong những ngành huỷ hoại thiên nhiên. Dù công trình quy mô nhỏ hay lớn thì chúng ta đều tàn phá đến môi trường xung quanh. Để phát triển chúng ta cần xây dựng, tuy nhiên phải trong phạm vi kiểm soát được chứ không phải xây dựng tràn lan theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Đơn cử, nếu chúng ta xây dựng bê tông một cách ồ ạt thì tài nguyên núi đá, bột cát… sẽ ngày càng cạn kiệt. Trong khi để hình thành khối núi đá phải mất cả một thời kỳ dài, thậm chí là hàng triệu năm. Chưa kể, ngành xây dựng cũng đang tiêu tốn rất nhiều nguồn nước sạch trong khi các chủ đầu tư, nhà xây dựng lại xem thường vấn đề này, sử dụng một cách lãng phí tài nguyên. Hãy thử sang vùng Trung Đông, hay các nước gần khu vực sa mạc, chúng ta mới thẩm thấu được sự quý giá của nguồn nước.

Vì vậy, vấn đề tiết kiệm trong xây dựng luôn cần thiết được đề cao, chú trọng hơn hết. Tiết kiệm không chỉ cho người sử dụng mà nhìn chung còn là tiết kiệm năng lượng cho cả cộng đồng, hiện tại và tương lai.

Quỹ tài nguyên của chúng ta là có hạn nhưng nhu cầu thì chưa bao giờ hết và chắc chắn sẽ ngày một tăng. Nếu không tiết kiệm thì việc không có tài nguyên để sử dụng chứ chưa bàn tới câu chuyện thông minh.

box

Cuối cùng, là yếu tố tiện nghi. Nói đến thông minh điều chúng ta nghĩ ngay đến là sự tiện nghi mà nó đem lại. Một căn hộ thông minh là một căn hộ phải đảm bảo được vấn đề tiện nghi cho sinh hoạt thường ngày.

Đặc biệt trong điều kiện khí hậu Việt Nam, thông gió và ánh sáng tự nhiên là hai yếu tố rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Trong khi đó, tràn lan các căn hộ được rao bán trên thị trường Hà Nội hay các khu sầm uất khác hiện nay đều sử dụng các từ hoa mỹ như cao cấp, thông minh, hiện đại nhưng vẫn có những căn hộ tối, thiếu ánh sáng tự nhiên, không thông gió trực tiếp. Những căn hộ như vậy sẽ không thể đối lưu được không khí, con người ở trong đấy sẽ tự huỷ hoại bản thân, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần.

Như vậy, bản thân những công trình này đã không đạt tiêu chí tối thiểu của một công trình xây dựng chứ chưa nói đến thông minh.

Ngoài ra, sự tiện nghi trong căn hộ còn thể hiện ở việc áp dụng các xu thế, xu hướng mới của các nước phát triển như hệ thống điều khiển từ xa của rèm, cửa, ánh sáng, hệ thống tưới cây tự động bằng giọng nói... Tuy nhiên, không quá lạm dụng các yếu tố này bởi đây chỉ là những yếu tố thêm thắt chứ không phải là giá trị cốt lõi của một căn hộ thông minh./.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Thương
Lê Quyên
10/23/2021 14:50
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top