Lời tòa soạn:
Theo các chuyên gia, phát triển loại hình căn hộ thông minh là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Dù được biết đến ở Việt Nam muộn hơn so với các nước trên thế giới, song hiện nay, loại hình căn hộ này đã và đang gây nhiều chú ý từ chủ đầu tư cho đến khách hàng. Ước tính doanh thu căn hộ thông minh tại thị trường Việt Nam sẽ đạt 251 triệu USD vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến đến năm 2025, tổng doanh thu thị trường căn hộ thông minh Việt Nam đạt 449,1 triệu USD.
Đây là tín hiệu tốt đánh giá cao tính năng động cũng như trình độ khoa học công nghệ tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động xấu của ngành xây dựng tới môi trường sinh thái, góp phần hình thành nên các đô thị thông minh.
Tuy nhiên, sự phát triển một cách ồ ạt căn hộ thông minh tại Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề trong quản thị trường nhà ở. Từ đó, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh và xây dựng mô hình phát triển bền vững hơn.
Để khuyến khích mô hình này phát triển đúng hướng, thiết nghĩ cần có định nghĩa, hệ tiêu chuẩn rõ ràng và một khung pháp lý hoàn chỉnh.
Với mong muốn đưa ra nhiều góc nhìn nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài “Hướng đi nào cho căn hộ thông minh”?
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Cuối những năm 1990, căn hộ thông minh hay còn gọi là Smarthome, được xem là một thứ xa xỉ của giới nhà giàu, sản phẩm được sở hữu độc quyền của giới thượng lưu thế giới. Song khi bước sang thế kỷ XXI với sự “xâm nhập” của công nghệ 4.0 tới mọi ngõ ngách, căn hộ thông minh dần trở nên phổ biến.
Theo đó, nhờ sở hữu nhiều ưu điểm từ công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, Big Data..., những căn hộ thông minh cho phép tất cả các thiết bị như đèn chiếu sáng, camera giám sát, smart TV, máy giặt, tủ lạnh… được kết nối và điều khiển chỉ bằng một thiết bị smartphone, máy tính bảng hay thậm chí là giọng nói. Chủ nhà dễ dàng giám sát, điều khiển từ xa tất cả các hoạt động chỉ với một cú chạm thông qua kết nối Internet.
Chính nhờ những lợi thế hoàn hảo như vậy, căn hộ thông minh đang dần khẳng định được vị trí của mình, trở thành xu hướng tiêu dùng nổi bật và là một trong những tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn mua nhà của nhiều khách hàng và nhà đầu tư.
Căn hộ thông minh - định nghĩa tiêu chuẩn mới cho nhà ở hiện đại
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để khẳng định, căn hộ thông minh sẽ là xu hướng tất yếu, dẫn dắt thị trường nhà ở trong kỷ nguyên số hiện nay.
Trước hết, đây được xem là giải pháp hiệu quả cho bài toán hạn chế ô nhiễm môi trường từ ngành xây dựng đem lại. Bởi song hành với sự phát triển không ngừng của các công trình xây dựng trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng, một lượng lớn thành phần trong môi trường đang dần bị ảnh hưởng, ô nhiễm nặng. Điều này đặt ra bài toán lớn cho quá trình quy hoạch và phát triển đô thị ngày nay.
Theo TS. KTS. Nguyễn Việt Huy, nhiệt độ trái đất đang nóng lên từng ngày, và hậu quả đã được thấy rõ bởi những vụ động đất, bão lũ… Vì vậy, quản lý môi trường đang là yêu cầu cấp bách với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tất cả mọi người, mọi ngành đều phải hành động, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
“Về bản chất, xây dựng không phải là một hoạt động thân thiện với môi trường sinh thái. Đơn cử như hoạt động sản xuất ra xi măng, đá, cát… đến quá trình phá dỡ công trình cũ tạo ra lượng khí nhà kính lớn, phá hỏng bầu khí quyển. Vậy làm sao để ngành xây dựng vẫn phát triển mạnh mà ảnh hưởng ít nhất đến môi trường?”, TS. KTS. Nguyễn Việt Huy đặt vấn đề.
Trả lời cho câu hỏi, theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh đô thị hoá diễn ra nhanh chóng kéo theo những tác động xấu tới môi trường từ việc phát triển xây dựng, việc áp dụng các yếu tố thông minh vào từng căn hộ, từng công trình là một giải pháp tất yếu. Điều này đã và đang được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng, đặc biệt tại các nước phát triển.
Cụ thể, theo thống kê của Statista (Đức), số lượng người sử dụng căn hộ thông minh tại Mỹ sẽ là 700.000 đến năm 2022 và Mỹ đang là nước đứng đầu thế giới về sử dụng căn hộ thông minh với doanh thu 18 tỷ Đô la Mỹ mỗi năm. Đứng ở vị trí thứ 2 là Trung Quốc với 6,5 tỷ Đô la Mỹ và Nhật Bản xếp thứ 3. Tốc độ phát triển loại hình căn hộ này được đánh giá sẽ tăng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Nói để thấy, từ lâu các nước trên thế giới đã tính đến giải pháp bảo vệ môi trường thông qua mô hình căn hộ thông minh, xem đây là một xu hướng vừa phát triển đô thị, vừa hạn chế những tác động xấu của lĩnh vực xây dựng tới môi trường sống.
Mặt khác, nhu cầu mong muốn cải thiện chất lượng sống của cư dân những năm gần đây không ngừng tăng cao. Những khu đô thị, khu chung cư văn minh, hiện đại cũng dần hình thành. Điều này tạo nên tiền đề vững chắc cho sự ra đời những căn hộ thông minh.
Về hình thức, sự xuất hiện các căn hộ thông minh sẽ góp phần tạo nên một diện mạo đô thị hiện đại hoàn chỉnh. Về bản chất, mỗi căn hộ thông minh sẽ có vai trò giúp đô thị thông minh được vận hành trơn tru, đáp ứng đa dạng nhu cầu sống của cư dân. Do đó, trong tổng thể một khu đô thị thông minh không thể thiếu những “mắt xích” thông minh.
Nhận thấy được tiềm năng của thị trường căn hộ thông minh, Việt Nam cũng không nằm ngoài “cuộc đua” nhằm khẳng định vị thế của bản thân, nhất là trong giai đoạn “chuyển mình” phát triển mạnh mẽ. Thậm chí, căn hộ thông minh chỉ mới thực sự được biết đến ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây nhưng đã trở thành một “trào lưu” nhanh chóng “nở rộ”.
Theo TS. KTS. Trần Minh Tùng (Đại học Xây dựng Hà Nội), thế giới đang hướng đến phát triển đô thị thông minh và để giải quyết những vấn đề đô thị đang đặt ra thì Việt Nam cũng không thể không bắt nhịp cùng xu hướng đó.
“Căn hộ thông minh chính là nhu cầu, xu hướng để phát triển của nhiều dự án chung cư hiện nay. Thực tế cho thấy, không chỉ mỗi chung cư mà gần như mọi vấn đề, thiết bị trong xã hội cũng đang dần được tích hợp hướng đến hiện đại hoá. Các máy móc trong gia đình cũng đang hướng đến “thông minh”, từ ti vi đến máy giặt, tủ lạnh. Vì vậy không có lý do gì căn hộ lại không “thông minh”, KTS. Trần Minh Tùng khẳng định.
Nở rộ thị trường căn hộ thông minh tại Việt Nam
Theo dự báo của Statista, thị trường căn hộ thông minh tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu 225,3 triệu Đô la Mỹ vào năm 2021 và 330,4 triệu Đô la Mỹ vào năm 2022. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, những số liệu này đã có sự thay đổi do ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19 nhưng xét về tổng thể mức tăng trưởng vẫn đảm bảo là đáng kỳ vọng.
Cụ thể, doanh thu căn hộ thông minh tại thị trường Việt Nam được dự đoán đạt 183,9 triệu Đô la Mỹ vào năm 2021 và 251 triệu Đô La Mỹ vào năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng 25%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến đến năm 2025, tổng doanh thu thị trường căn hộ thông minh Việt Nam đạt 449,1 triệu Đô la Mỹ. Ngoài ra, sẽ có khoảng 10,5% hộ gia đình trang bị căn hộ thông minh, đưa Việt Nam trở thành thị trường căn hộ thông minh đứng thứ 28 trên toàn cầu.
Còn theo thống kê của Bkav - doanh nghiệp cung ứng sản phẩm căn hộ thông minh lớn tại thị trường Việt Nam, số lượng nhà lắp đặt thiết bị thông minh đơn lẻ năm 2018 là 500.000 hộ, tăng 33,4% so với năm 2017. Tốc độ tăng trưởng kỳ vọng đạt 65,2%/năm. Thị trường nhà ở thông minh trong nước dự đoán chạm mốc 330 triệu Đô la Mỹ vào năm 2022.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, tỷ lệ phổ cập internet và smartphone cao cùng thu nhập giới trung lưu ngày càng cải thiện đã khiến xu hướng trải nghiệm công nghệ cao ở thị trường căn hộ thông minh trở nên nóng bỏng.
Hàng loạt hãng cung cấp giải pháp căn hộ thông minh thế giới đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam như: Schneider, Hager và Legrand (Pháp); Smartg4, WattStopper, TIS Smart Home và Crestron (Mỹ); My Home của Hãng Bticino (Italy), Kawa, Broadlink, Bluetech (Trung Quốc)…
Điều đặc biệt, các nhà cung cấp Việt Nam cũng không kém cạnh với sự ra đời của nhiều hãng công nghệ mới, hàng loạt “ông lớn” lĩnh vực công nghệ trong nước nhảy vào khai phá tiềm năng.
Gần đây nhất, phải nhắc đến VinSmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã trình làng sản phẩm giải pháp Vsmart Smarthome. Sản phẩm này do đội ngũ kỹ sư VinSmart nghiên cứu phát triển cả phần cứng và phần mềm quản lý; đồng thời hợp tác cùng Pininfarina (Italy) - hãng thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới. Giải pháp Vsmart Smarthome cho phép chủ nhân điều khiển hệ thống đèn điện, điều hòa, tivi, bình nóng lạnh, rèm cửa… bằng smartphone và giọng nói. VinSmart cũng cho ra mắt hàng loạt sản phẩm trong hệ sinh thái về că hộ thông minh, như máy lọc không khí, công tắc, cảm biến, điều hòa, bóng đèn, smart TV...
Bên cạnh VinSmart, một “ông lớn” công nghệ khác là VNPT Technology (thuộc Tập đoàn VNPT) cũng đang trong hành trình hoàn thiện bộ giải pháp ONE Home, phát triển trên nền tảng ONE IoT của VNPT Technology. Giải pháp có thể kết nối mọi thiết bị, từ các loại cảm biến (phát hiện khói, khí gas, chuyển động…), hệ thống chiếu sáng, đến các thiết bị thông minh, trợ lý ảo cùng nhiều thiết bị khác (điều khiển thiết bị bằng điện thoại di động, điều khiển bằng giọng nói…).
Chia sẻ với báo giới, đại diện VNPT Technology cho biết, thị trường căn hộ thông minh Việt Nam hiện nay vô cùng tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt. Ngoài bán các sản phẩm phần cứng như camera, trung tâm điều khiển, cảm biến, máy lọc không khí, khóa thông minh…, các doanh nghiệp còn khai thác ổn định chi phí vận hành khác. Khả năng khai thác hệ sinh thái của căn hộ thông minh là rất lớn ở thị trường có hàng chục triệu khách hàng.
Đó là cũng là lý do, sau khi các "ông lớn" công nghệ nhảy vào đầu tư thiết bị thông minh, phần mền thông minh, các "ông lớn" bất động sản cũng sẵn sàng chịu chi để sở hữu chúng, nhằm bổ sung vào các dự án hạng sang nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Nổi bật phải kể đến Vingroup, Sunshine Group, Ecopark, TNR Holding, Hoà Phát,… với hàng loạt dự án căn hộ thông minh đã và đang thành hình.
Bàn về điều này, bà Liễu Nguyễn - đại diện Việt Nam của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Mỹ nhận định, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều đô thị thông minh, trong đó căn hộ thông minh là một thành tố không thể thiếu. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, Internet, cùng với việc chi phí cho hệ thống nhà thông minh đã giảm xuống cùng với nhu cầu ngày càng cao của con người, hiện nay nhà thông minh được xem là một lĩnh vực có dư địa phát triển rất lớn. Trong tương lai không xa, có thể hy vọng nhà thông minh sẽ là một xu hướng mới cho cuộc sống của con người hiện đại.
Không chỉ các hãng công nghệ mà lĩnh vực bất động sản cũng đã gia nhập thị trường smarthome như một tất yếu. (Ảnh Internet)
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng rất ủng hộ việc đầu tư xây dựng khu căn hộ thông minh. Theo ông điều này giúp nâng cao sự tiện nghi, an toàn, an ninh, nâng cao môi trường sống cho cư dân Việt Nam. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu của cuộc sống hiện đại trong tương lai gần.
Như vậy, việc phát triển nhanh chóng mô hình căn hộ thông minh là một tín hiệu tốt cho thấy quá trình áp dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0 cũng như chất lượng sống của người dân không ngừng tăng. Tuy nhiên, câu chuyện này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc quản lý thị trường nhà ở hiện nay như tình trạng phát triển ồ ạt thiếu đảm bảo chất lượng, đánh tráo khái niệm nhằm tăng doanh số, tăng lợi nhuận, bát nháo thị trường nhà ở,.../.
Để có những góc nhìn rõ hơn về vấn đề này, mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2 của tuyến bài: Thiếu quy chuẩn quản lý căn hộ thông minh, dễ có tình trạng “gắn mác” làm sang trên thị trường