Đền bù bằng tiền có thỏa đáng?
Ghi nhận từ thực tế, những khu nhà tái định cư cũ như Đền Lừ (quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)… sau bao năm đến nay vẫn là nỗi ám ảnh của người dân bởi chất lượng xây dựng không tốt nên đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, những khu tái định cư cũ này lại không có kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo trì…
Mặt khác, để đảm bảo đời sống người dân ở những chung cư cũ cũng như cư dân ở những khu vực giải phỏng mặt bằng (GPMB) được ổn định với chất lượng sống tốt hơn, TP. Hà Nội cũng đã có nhiều chủ trương đầu tư xây dựng các chung cư mới.
Tuy nhiên, những khu nhà tái định cư mới hiện nay vẫn chưa khiến người dân hài lòng về chất lượng. Hiện không còn những khu nhà tái định cư ở gần trung tâm thành phố, kết nối giao thông lại yếu và thiếu. Thậm chí, thời gian qua, người dân cũng có góc nhìn không mấy thiện cảm với loại hình nhà ở này. Hệ quả cuối cùng là quỹ nhà dành cho tái định cư còn rất nhiều, thậm chí ở nhiều nơi rơi vào tình cảnh "khủng hoảng" thừa do bỏ hoang.
Điều đó cho thấy, rõ ràng loại hình nhà tái định cư đã không đáp ứng được yêu cầu thực tế. Câu hỏi đặt ra là nhà tái định cư có còn cần thiết hay không bởi nếu đã có chính sách tốt thì có thể đưa người dân vào ở các khu nhà chung cư thương mại. Đặc biệt, nếu trả bằng tiền, người dân có thể tùy chọn chỗ ở có thể là đất nền, chung cư gần nơi làm việc hoặc ngoại thành xa nhưng diện tích lớn… Thiết nghĩ, hỗ trợ tự lo tái định cư bằng tiền kỳ vọng sẽ giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong công tác GPMB và tái định cư của Hà Nội hiện nay.
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) về câu chuyện GPMB và tái định cư cho rằng, trước hết, cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hướng quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người bị thu hồi đất.
Phải ổn định cuộc sống cho người bị thu hồi đất, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; có cơ chế, chính sách để khuyến khích người phải di chuyển chỗ ở thực hiện tái định cư tự nguyện, được tự lựa chọn hình thức tái định cư bằng việc nhận nhà hoặc nhận tiền, phù hợp với nhu cầu, khả năng của các hộ dân.
Thứ hai, phải cột trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên về kết quả công tác GPMB. Xây dựng cơ chế, chính sách, sử dụng vốn Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp để GPMB thực hiện dự án và GPMB theo quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch” chuẩn bị mặt bằng thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Thứ ba, tạo cơ chế khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tái định cư được nhận hỗ trợ bằng tiền để tự lo tái định cư theo phương thức tự nguyện. Có chính sách khuyến khích và đặt hàng các doanh nghiệp xây dựng nhà tái định cư theo tiêu chuẩn nhà ở để phục vụ nhu cầu tái định cư. Đa dạng hình thức tái định cư, tạo điều kiện cho người bị thu hồi đất được lựa chọn hình thức tái định cư phù hợp.
Đối với khu vực nông thôn ngoài vùng quy hoạch phát triển đô thị, giao UBND các huyện quyết định đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất cho các hộ dân. Nghiên cứu, xem xét phương án xây dựng nhà ở chung cư tại các khu vực phù hợp để phục vụ tái định cư chung cho khu vực.
Thứ tư, quy định với mỗi dự án chỉ được áp dụng một giá, dù có giao đất ngay hay không, tránh tình trạng khiếu nại phức tạp. Đặc biệt, phải bảo đảm công tác GPMB công khai, minh bạch, dân chủ và khách quan
Ông Long nhấn mạnh: “Hiện nay, các khu nhà tái định cư được xây dựng, duy tu hàng năm đều từ vốn Nhà nước. Nếu cùng tại khu đất đó được bố trí xây nhà thương mại, Nhà nước thu được tiền đất thay vì hỗ trợ tiền đất cho người dân như trước đây thì chắc chắn các hạng mục khác sẽ có thêm nguồn vốn, người dân được hưởng lợi nhiều hơn. Đặc biệt, bài toán GPMB ở cơ sở cũng thuận lợi hơn”.
Cũng theo phân tích của TS. Phạm Sỹ Liêm: “Hiện nay, dù theo hình thức đầu tư nào thì chất lượng các dự án nhà ở tái định cư hầu như vẫn kém về năng lực quản lý, thời gian thực hiện kéo dài, vận hành quản lý sau khi bàn giao. Phương án hỗ trợ tiền để người dân tự lo nhà ở sẽ là phần nào đẩy nhanh tiến độ GPMB và giảm áp lực xây dựng nhà tái định cư của các thành phố.
Nhà nước chỉ cần đưa ra chính sách, còn thực hiện thế nào hãy để thị trường lo, cụ thể là việc cung ứng nhà thương mại, còn Nhà nước đền tiền để người dân ra thị trường mua nhà. Hãy loại bỏ ngay tư duy thu căn nhà này và trả lại căn nhà khác ở chỗ không có trường học, không có chợ, không có đường vào… Đây cũng là hạn chế trong chính sách đền bù GPMB”.
TS. Liêm phân tích thêm, một hộ đang có nhà ở ngay trung tâm Hoàn Kiếm, Ba Đình, khi GPMB lại đưa họ về Hà Đông, Gia Lâm vừa xa nơi làm việc, vừa đi lại khó khăn, hoặc không có đất để kinh doanh buôn bán thì chắc chắn họ sẽ không tới ở, không đồng ý đền bù nhà kiểu như vậy.
Tuy nhiên, nếu đền bù bằng tiền thỏa đáng, có sẵn vị trí mua được nhà thương mại phù hợp với điều kiện của họ thì người dân sẵn sàng tự nguyện. Bản chất của câu chuyện vẫn là cách làm như thế nào để hài hòa lợi ích nhất nhưng đến nay, các thành phố vẫn chưa làm được.
Phá bỏ hay chuyển đổi mục đích sử dụng?
Được biết, giữa tháng 3/2018, một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đề xuất xin phá bỏ toàn bộ 3 toà nhà tái định cư đã xây dựng xong cách đây hơn 10 năm nhưng người dân không nhận nhà.
Cụ thể, 3 tòa nhà cao 6 tầng với 150 căn hộ ở khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư được xây dựng từ năm 2001 - 2006 dùng để tái định cư tại chỗ khi thực hiện dự án giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến phố Sài Đồng nằm trong khu đô thị Sài Đồng.
Do xảy ra tình trạng khiếu kiện, người dân không nhận nhà nên toàn bộ quỹ nhà này đã bị bỏ hoang từ khi xây dựng đến nay. Dù Sở Xây dựng Hà Nội chưa đồng ý để phá dỡ nhưng vẫn chưa có phương án nào đưa ra cho doanh nghiệp và những khu nhà này vẫn tiếp tục được bỏ hoang cho đến nay.
Trước ý kiến băn khoăn nên bỏ hoang nhà tái định cư hay chuyển đổi mục đích sử dụng, một nguyên lãnh đạo Sở xây dựng Hà Nội cho rằng, nên chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên việc chuyển đổi này phải có sự giám sát chặt chẽ, có quy trình cụ thể, có đấu giá công khai.
Bởi ví như chuyển từ nhà tái định cư sang nhà nhà ở xã hội, nhà ở thương mai là các mức giá đã khác nhau. Giá nhà tái định cư chắc chắn đã được Nhà nước áp sẵn, khi chuyển sang nhà ở thương mại không ai dám chắc mức giá nhà sẽ bị đẩy đi đến đâu, ai là người được hưởng lợi nếu chính sách chuyển đổi này bị lợi dụng.
Vị chuyên gia cũng cho biết, việc chuyển đổi này đến nay mới thực hiện tại TP.HCM còn Hà Nội vẫn chưa có chính sách.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất là chấm dứt ngay cơ chế xây dựng nhà tái định cư vì những nguy cơ lãng phí và trục lợi từ chính sách có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, hãy đền bù GPMB cho người dân bằng tiền theo đúng cơ chế thị trường, thậm chí có thể cao hơn mức đền bù đã quy định. Lựa chọn nhà nào, ở đâu là quyền quyết định của người dân, Nhà nước không nên áp đặt buộc người dân vào ở những khu nhà tái định cư mà họ không mong muốn./.