Aa

"Cân não" bài toán vùng Thủ đô

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Năm, 16/08/2018 - 20:01

Trong khi các khu vực được coi là đô thị vệ tinh của Hà Nội vẫn còn ngổn ngang, chưa thành hình thì các tỉnh lân cận lại có sự bứt phá ngoạn mục, điều này đặt ra nhiều bài toán cho các nhà quản lý về câu chuyện quy hoạch Vùng Thủ đô. Nói về điều này, PGS. TS Hoàng Văn Cường, đặt câu hỏi: “Liên kết của Hà Nội với các tỉnh, chúng ta phải nghĩ làm sao để Thủ đô trở thành hạt nhân lõi. Hà Nội giờ đã xác định được hạt nhân hay chưa?".

Cuộc bứt phá ngoạn mục các tỉnh vùng ven

Vùng Thủ đô Hà Nội là một vùng đô thị lấy thành phố Hà Nội làm đô thị trung tâm và các thành phố, thị xã của các tỉnh lân cận Hà Nội làm đô thị vệ tinh. Vùng Thủ đô bao gồm 9 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình.

Theo Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), vùng Thủ đô Hà Nội được xác định là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Thực tế cho thấy, thị trường bất động sản khu vực vùng Thủ đô còn rất nhiều tiềm năng. Ngoài các địa điểm như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, thị trường đã được định hình; các tỉnh Thái Nguyên và Bắc Ninh cũng nổi lên là nhân tố mới nhờ sự xuất hiện của các tập đoàn công nghiệp công nghệ cao từ Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ghi nhận tự Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, chỉ tính trong nửa đầu năm 2018, tại Thái Nguyên có tới gần 3000 căn chung cư, gần 2000 nền đất và khoảng 400 căn biệt thực liền kề được chào bán với tỷ lệ hấp thụ cũng tương đối lớn. Mức giá bán căn hộ chung cư giao động từ 8 – 14 triệu đồng/m2.

Theo báo cáo từ các Sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy, trong quý II/2018 số lượng sản phẩm chung cư giao dịch thành công khoảng 300 căn, 200 căn đất nền đã được giao dịch, còn lại là các sản phẩm Shophouse, biệt thự, liền kề.

Tại Bắc Ninh, hơn 10.000 sản phẩm nhà ở liền kề được phát triển tập trung tại các khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp và các khu hành chính mới như: thành phố Bắc Ninh, Từ Sơn, Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong. Lực hấp thụ tại các dự án hiện nay khá tốt, thường đạt trên 60% lượng giao dịch cho mỗi đợt ra hàng. Ngoài ra, các tỉnh khác như Hưng Yên, Vĩnh Phúc đều xuất hiện nhiều dự án phát triển nhà ở và có lượng giao dịch rất sôi động.

 thị trường bất động sản Hà Nội cũng đang có sự bứt phá mạnh mẽ từ nội đô ra ngoại thành và xa hơn nữa là các vùng Thủ đô.

Thị trường bất động sản Hà Nội cũng đang có sự bứt phá mạnh mẽ từ nội đô ra ngoại thành và xa hơn nữa là các vùng Thủ đô 

Theo giới phân tích, thị trường bất động sản vùng Thủ đô phát triển là nhờ lực đẩy của hạ tầng. Cụ thể, sau khi đồ án quy hoạch vùng Thủ đô được phê duyệt Nhà nước đã chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông từ các nguồn vốn xã hội hóa, vốn tư nhân, vốn ODA... Kết quả sau 10 năm rõ ràng hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh vùng đã thực sự được cải thiện, thông thoáng, tạo điều kiện cho đi lại và giao thương. Đến nay, những hệ thống hạ tầng này vẫn không ngừng được đầu tư và mở rộng.

Trong đó phải kể đến việc đầu tư hệ thống đường vành đai (Vành đai 4, Vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Hà Nam; Hà Nội - Thái Nguyên). Bên cạnh đó là hệ thống đường sắt, đường thủy, những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng và sông Đuống như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 cũng đã được trình duyệt quy hoạch. Rõ ràng, hạ tầng phát triển đến đâu sẽ càng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển, tiềm năng để các vùng Thủ đô phát triển bất động sản còn rất lớn.

Cân bằng bài toán phát triển vùng

Theo giới phân tích, khi hạ tầng liên kết giữa trung tâm Hà Nội và các tỉnh xung quanh thực hiện tốt sẽ giúp Hà Nội giảm quá tải hạ tầng, giảm bớt sức hút, giảm dân số, phân tán nguồn lực đầu tư kinh tế xã hội. Mặt khác, sự phát triển này cũng có có thể dẫn đến nguy cơ “tràn lan”, không có điểm nhấn, thậm chí có thể dẫn đến mâu thuẫn nơi nào cũng là “đầu tàu”. Ví như riêng trong thị trường bất động sản, các dự án sẽ chỉ bám ở những khu vực có vị trí đẹp, gần các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ mà bỏ qua những nơi khác bởi lý do “đón đầu hạ tầng”.

Do đó, bắt buộc trong phát triển bất động sản nói riêng, kinh tế xã hội các vùng nói riêng phải có tính toán chặt chẽ về quy hoạch của tỉnh, của vùng gắn với quy hoạch chi tiết Thủ đô. Từ đó mới có thể phát triển đảm bảo cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu, kiểm soát được sự “mâu thuẫn” trong quá trình phát triển.

Nói về liên kết vùng, chuyên gia quy hoạch, bất động sản PGS. TS Hoàng Văn Cường, ĐBQH khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định: “Liên kết của Hà Nội với các tỉnh thì chúng ta phải nghĩ đến làm sao để Thủ đô trở thành hạt nhân lõi. Hà Nội giờ đã xác định được hạt nhân hay chưa? Để xác định hạt nhân phải quan tâm một số vấn đề, trong đó hệ thống quy hoạch không thể chỉ dừng ở Hà Nội mà phải đến các vùng thủ đô bao gồm cả 9 tỉnh. Là quy hoạch về kinh tế và các mô hình phát triển trên cả vùng đó.

Bên cạnh đó là hệ thống giao thông kết nối, chúng ta đang có các vành đai 4, 5, các tuyến quốc lộ. Để thu hút đầu tư thì Hà Nội cũng phải xác định đâu là sức hút, ví như chọn đầu tư công nghệ cao thì các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đổ tiền về đây. Các vùng các tỉnh muốn sử dụng các thành tựu công nghệ cao thì phải đáp ứng xây dựng các trung tâm triển khai ứng dụng, các trung tâm nghiên cứu. Khi xác định được rõ ràng thì các tỉnh buộc phải liên kết để hỗ trợ phát triển Hà Nội”.

Ở một góc nhìn khác, TS. Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho hay: “Cần phải thiết lập lại mô hình cơ quan quản lý điều phối vùng tinh gọn, hiệu quả có đủ khả năng giúp Chính phủ kết nối giữa các tỉnh với Hà Nội tốt hơn. Nhà nước rất sợ đẻ ra các mô hình quản lý như vậy nhưng nếu không có mô hình quản lý, không có nhạc trưởng cho vùng thì không thể nào quản lý và thực hiện chi tiết.

Ở nước ngoài, các vùng thủ đô đều có cơ quan quản lý riêng, họ làm việc, điều tiết phát triển vùng rất tốt nhưng chúng ta chưa làm được. Trên thực tế, hiện nay các vùng đều đã chủ động để chia sẻ với Hà Nội về kinh tế, về văn hóa, y tế, giáo dục. Tôi cho rằng, sự cân bằng trong các vùng để thu hút đầu tư là rất quan trọng, đó không phải là cạnh tranh mà là thu hút lành mạnh bởi cơ chế giờ đã mở chỉ là sự điều phối của Chính phủ sao cho tận dụng được ưu điểm thế mạnh của từng vùng để thu hút đầu tư hiệu quả”.

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top