Aa

Cần nhìn nhận đúng về kinh tế Việt Nam

Thứ Sáu, 02/08/2019 - 11:55

Nền kinh tế nước ta đang trong hành trình phát triển và dự báo sẽ “hóa rồng”. Nhưng hành trình đi lên ấy có thể không phải chỉ là đường thẳng, còn cả những hạn chế, thiếu sót, yếu kém.

Mặc dù thời gian qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt, đời sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, thế nhưng trong xã hội, thậm chí một số cán bộ, đảng viên vẫn còn những người chưa hiểu rõ, chưa nhận thức đúng, có cái nhìn phiến diện, tỏ ý hoài nghi về sự phát triển theo hướng ngày càng bền vững và thực chất của kinh tế đất nước; về những giá trị mà phát triển kinh tế mang lại cho người dân. Thực tế này đòi hỏi cần tăng cường truyền đạt, phổ biến thông tin để mọi người có nhận thức và hành động đúng.

Hiện nay, vẫn có những người tỏ ý nghi ngờ báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) Việt Nam, mà trong đó cho thấy những đánh giá lạc quan về bức tranh KT-XH đất nước. Thế nhưng, hãng tin Bloomberg nổi tiếng vừa trích dẫn báo cáo của Ngân hàng DBS Bank dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 6 - 6,5% trong 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng đó, theo DBS Bank, trong 10 năm nữa, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore - một trong những nền kinh tế phát triển của châu Á và thế giới. Hiện nay, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), quy mô nền kinh tế Singapore vẫn gần gấp rưỡi quy mô nền kinh tế Việt Nam, khi GDP của Việt Nam dự kiến đạt 260,3 tỷ USD trong năm 2019, còn GDP của Singapore dự kiến đạt 372,8 tỷ USD.

kinhte6thang-19_34_19_881

Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam năm 2018 là 7,08%, 6 tháng đầu năm 2019 là 6,76%, và mục tiêu năm 2019 là tăng trưởng 6,8%. Trong khi đó, nền kinh tế Singapore đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại do những khó khăn chung của kinh tế thế giới, từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Dự báo bi quan nhất, kinh tế Singapore có thể chỉ đạt tăng trưởng 1,5% trong năm 2019. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 cũng chỉ đạt 3,5%. Như vậy, nền kinh tế của Việt Nam có cơ hội rút ngắn, san bằng khoảng cách với nhiều nền kinh tế phát triển hơn mình trong thời gian tới.

Đặc biệt, dư luận quốc tế đánh giá rất cao sự điều hành nền kinh tế nhạy bén, linh hoạt của Việt Nam. Minh chứng rõ nhất cho điều này là ngày 30/6 vừa qua Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã ký kết hiệp định thương mại EVFTA. Trang mạng tờ The Diplomat ngày 19/7 đã có bài đánh giá rằng, EVFTA là thành công lớn của cả Việt Nam và EU. Đây là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao mà EU chưa ký với bất cứ quốc gia đang phát triển nào. Các nước ASEAN và ngay cả Trung Quốc cũng rất muốn có một hiệp định như vậy với EU nhưng chưa được. Năm 2018, Việt Nam cũng đã có Hiệp định CPTPP. Tuy hiện nay diễn biến thương mại trên thế giới khá phức tạp do tư tưởng bảo hộ thị trường quay trở lại và tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, nhưng nhìn về tổng thể thì Việt Nam đã mở được những cánh cửa rộng lớn để đưa sản phẩm của mình đến những thị trường lớn nhất thế giới, như: Mỹ, các nước tham gia Hiệp định CPTPP, Trung Quốc, EU...  Việt Nam đang đi những bước rất nhanh, có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất và thương mại của khu vực cũng như thế giới.

Theo ông Irvin Seah - chuyên gia kinh tế của DBS Bank: “Các nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng mong muốn để trở thành một phần câu chuyện Việt Nam”. Lý do theo ông Irvin Seah là vì, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, nền chính trị ổn định, năng suất lao động tăng, tạo lực hút đối với dòng vốn nước ngoài.

Cũng mới đây, Cục Thống kê Hoa Kỳ công bố số liệu cho thấy, kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ được duy trì như mức trên trong cả năm 2019 thì Việt Nam sẽ vượt qua Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ, đứng vị trí thứ 7 trong danh sách những nước có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ.

Đánh giá khách quan của quốc tế đều cho thấy lực của nền kinh tế Việt Nam đang lên rất nhanh. Đây là kết quả của những chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng, những giải pháp của Chính phủ được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), phát triển kinh tế tư nhân, về doanh nghiệp Nhà nước, về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tất nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức, thuận lợi luôn song hành cùng khó khăn, bên cạnh thành tựu thì luôn có những hạn chế. Điều này trong bất cứ nghị quyết nào của Đảng, của Quốc hội, báo cáo nào của Chính phủ liên quan tới KT-XH cũng đều chỉ ra. Đó là nền kinh tế Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn có năng suất lao động thấp; môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhưng chưa thuận lợi; nạn tham nhũng vẫn tồn tại; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân còn có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc không nhỏ vào các doanh nghiệp FDI; ý thức bảo vệ môi trường chưa tốt. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên, khuyến khích nhưng nhìn chung đời sống người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn...

Ở bất cứ quốc gia nào, hay trong bất cứ nền kinh tế nào đều tồn tại trong mình những vấn đề, mà trong đó, vấn đề nào cũng có tính hai mặt. Ví dụ, theo Tạp chí Nikkei của Nhật Bản thì Việt Nam đang trở thành một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại châu Á, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cũng đang đổ về Việt Nam. Nếu ai đó có góc nhìn bi quan thì sẽ thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam đối với khối doanh nghiệp FDI sẽ càng ngày càng nhiều, do tổng lượng vốn FDI đổ vào nền kinh tế rất nhiều trong một thời gian ngắn, gây nên mất cân bằng giữa nguồn lực trong và ngoài nước. Thế nhưng thực tế thì trong làm ăn, trong kinh tế thì vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Vốn nhiều thì cơ hội làm ăn sẽ nhiều hơn, việc làm sẽ nhiều hơn. Tất cả các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đều nỗ lực thu hút vốn FDI. Việt Nam đang là điểm hút vốn của thế giới, chứng tỏ sức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam từ cơ chế chính sách, cho tới sự ổn định. Chẳng ai dại gì ném tiền vào một nền kinh tế bất ổn, nhiều rủi ro. Càng nhiều doanh nghiệp FDI quan tâm thì chúng ta lại càng có cơ hội lựa chọn được những doanh nghiệp tốt nhất, có công nghệ tốt nhất, tránh được những công nghệ lạc hậu, những ngành sản xuất làm tổn hại môi trường. Vốn FDI, doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam sẽ tạo ra sự sôi động và tạo ra môi trường tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tất nhiên, việc chớp được cơ hội hay không lại là do nỗ lực của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và người dân.   

Có người nói rằng, kinh tế đất nước tăng trưởng tốt, nhưng cuộc sống của họ vẫn vậy, do mức độ tăng giá dịch vụ. Nhưng thực tế là thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam đang ngày càng tốt hơn. Theo công bố vào tháng 3/2019 của Nielsen - một công ty nổi tiếng thế giới về nghiên cứu thị trường - Việt Nam xếp hạng 4 trong các nước lạc quan nhất thế giới về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Bà Nguyễn Hương Quỳnh - Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam cho hay, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) của Việt Nam đạt 122 điểm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực (117 điểm) và thế giới (107 điểm). Kết quả này cho thấy mức độ lạc quan của người tiêu dùng về kinh tế Việt Nam. Người Việt Nam có thu nhập ngày càng tốt hơn nên nhiều người sẵn sàng chi tiền mua ô tô, thiết bị điện tử đắt tiền, mua quần áo thời trang, các chuyến du lịch trong và ngoài nước, các hoạt động giải trí.    

Nền kinh tế nước ta đang trong hành trình phát triển và dự báo sẽ “hóa rồng”. Nhưng hành trình đi lên ấy có thể không phải chỉ là đường thẳng, bên cạnh những mặt được, bên cạnh sự phát triển thì có cả những hạn chế, thiếu sót, yếu kém. Chính vì vậy, mỗi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện về tình hình KT-XH của đất nước, nhận thức đúng bản chất của vấn đề, thực hiện đúng nghị quyết của Đảng; cần phải tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho gia  đình, đồng nghiệp, đồng đội, bạn bè, từ đó nỗ lực lao động, làm việc, thực hiện nhiệm vụ, tu dưỡng bản thân để nâng cao thu nhập, đời sống của mình, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị, cơ quan, tổ chức, địa phương và đất nước.

Nguồn: https://congluan.vn/can-nhin-nhan-dung-ve-kinh-te-viet-nam-post65967.html

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top