Aa

Cần sớm ban hành các quy định phù hợp để quản lý an toàn phòng cháy trong nhà ống riêng lẻ

Thứ Bảy, 27/05/2023 - 11:29

Thời gian qua, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Các vụ cháy ở đô thị phần lớn xảy ra với nhà ống riêng lẻ, điều này khiến dư luận cho rằng, nên chăng cần có những tiêu chuẩn phòng cháy cho nhà ống?

Những ngôi nhà chật hẹp trong ngõ, người dân ở hoặc vừa ở vừa kinh doanh, rất khó áp dụng các quy định phòng cháy chữa cháy.
Những ngôi nhà chật hẹp trong ngõ, người dân ở hoặc vừa ở vừa kinh doanh, rất khó áp dụng các quy định phòng cháy chữa cháy.

Tiêu chuẩn thiết kế nhà nhà ở riêng lẻ (liên kế) đã có những nội dung liên quan đến phòng cháy chữa cháy nhưng “khó” triển khai trong thực tế.

Do diện tích chật hẹp, nhà ống trở thành lựa chọn tối ưu tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh. Sợ trộm đột nhập, nhiều gia đình dựng khung sắt bao kín ban công, tầng tum. Đây là một trong những lý do khiến thiệt hại ở những ngôi nhà ống cao hơn so với nhà bình thường khi xảy ra cháy nổ. Vụ cháy làm bốn bà cháu tử vong ở phố Thành Công, quận Hà Đông, Hà Nội hôm 13/5 cũng xảy ra ở nhà ống với ban công tầng hai và ba được rào kín bằng khung sắt. Điều này khiến dư luận cho rằng, nên chăng cần có những tiêu chuẩn phòng cháy cho nhà ống để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi chẳng may xảy ra cháy nổ.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: Các yêu cầu về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ đã có những quy định mang tính nguyên tắc trong một số tiêu chuẩn đã ban hành. Cụ thể, tại TCVN 9411: 2012 Nhà ở liên kế - tiêu chuẩn thiết kế hoàn toàn có thể áp dụng cho nhà ở riêng lẻ. Theo đó, mục 8 yêu cầu về phòng cháy nêu rõ: Khi thiết kế phòng chống cháy cho nhà ở liên kế phải tuân thủ theo các quy định trong TCVN 2622 và các yêu cầu về an toàn cháy cho nhà và công trình; Phải tránh lửa cháy lan giữa hai nhà qua các ô cửa; Phải tổ chức đường giao thông, hệ thống cấp nước chữa cháy cho khu nhà ở liên kế; Phải có giải pháp không cho khói từ buồng thang lan vào các tầng và ngược lại để đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố; Các hộp vòi chữa cháy được đặt ở mỗi tầng tại các sảnh cầu thang và phải đảm bảo cung cấp nước chữa cháy khi xảy ra cháy. Tuy nhiên các nội dung về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong tiêu chuẩn này ít được người dân, chủ đầu tư, các cơ quan cấp phép về xây dựng, về PCCC quan tâm vì theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn thì không mang tính bắt buộc áp dụng mà chỉ khuyến khích áp dụng, mà nếu áp dụng đúng, đủ theo yêu cầu về PCCC thì đương nhiên tăng chi phí cho người dân, mặt khác phải đảm bảo nguồn lực cho các cơ quan chuyên môn cấp phép để thực thi, đây là những nguyên nhân dẫn đến khi xây nhà riêng lẻ, các quy định về PCCC chưa được quan tâm nên “khó” đi vào thực tế. Do vậy chúng ta cần tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong công các đảm bảo an toàn PCCC cho ngôi nhà của mình để tự nguyện áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế.

Ông Lê Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam nhận định: Hiện nay Nghị định 136/2020/NĐ - CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy không quy định công trình nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Từ thực tiễn các vụ cháy đã xảy ra trước đây và tới thời điểm này với tần suất xuất hiện cao, gây thiệt hại lớn về người và của, theo chúng tôi thì cần phải có những quy định liên quan để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với các công trình nhà ở riêng lẻ này.

Ông Lê Mạnh Dũng cho biết thêm: Theo quan điểm chúng tôi là nên bổ sung các quy định về phòng cháy, chữa cháy vào để đảm bảo an toàn hơn cho công trình dạng nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên cần phải cân nhắc, tính toán một cách cẩn thận, kỹ lưỡng để khi áp dụng các quy định đó vào thực tế sẽ đạt được hiệu quả cao và dễ thực hiện áp dụng.

Nếu áp dụng các quy định phòng cháy, chữa cháy và các công trình nhà ở riêng lẻ, theo chúng tôi có thể gặp phải những khó khăn sau: Khó khăn trong việc ban hành các quy định đảm bảo được tính khoa học, tiết kiệm và phù hợp với thực tiễn; Chi phí đầu tư ban đầu bởi liên quan tới phòng cháy, chữa cháy sẽ là một khoản đầu tư không nhỏ nên sẽ không thể nhận được ủng hộ cao từ đại đa số người dân.

Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa hiểu rõ về tầm quan trọng của phòng cháy, chữa cháy trong nhà ở riêng lẻ nên để thay đổi được nhận thức này để người dân ủng hộ quy định và làm theo sẽ là điều rất khó khăn. Đồng thời, sự thay đổi quy định trên diện rộng trong phạm vi toàn dân có thể gây ra quá tải cho hệ thống xã hội từ cơ quan quản lý nhà nước, đến đơn vị thiết kế, thi công và chuỗi cung ứng vật tư. Khi thực hiện quy định có thể xuất hiện nhiều công trình không có được giải pháp tháo gỡ đáp ứng quy định và phương án là gì để đảm bảo được trật tự, an sinh xã hội?

Bộ Xây dựng sẽ ban hành tiêu chuẩn phòng cháy cho nhà ống

Thực tế hiện nay các khu vực ban công, lô gia hay lối lên mái nhà bịt kín bằng kết cấu kiên cố không có lối thoát nạn hoặc khó khăn khi thao tác thực hiện đang là phổ biến và là nguyên nhân chính gây tử vong khi xảy ra cháy tại các công trình nhà ống riêng lẻ ở các khu đô thị hiện nay.

PGS.TS Vũ Ngọc Anh cho biết: Để giải quyết bất cập phòng cháy chữa cháy với nhà ở đô thị, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến công bố trong năm nay. Tiêu chuẩn này cũng không mang tính bắt buộc, mà khuyến nghị áp dụng với nhà xây mới hoặc cải tạo, đảm bảo công năng sử dụng trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy cơ bản, phù hợp với quy hoạch và hạ tầng đô thị.

Cụ thể, nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống và không quá một tầng hầm/nửa hầm cần có tối thiểu một lối ra thoát nạn; khuyến khích bố trí lối ra khẩn cấp từ các tầng, khoang ngăn cháy qua ban công, lô gia, cửa sổ thông thoáng, mái nhà, sân thượng để thoát sang nhà liền kề hoặc khu vực an toàn. Nếu sử dụng thang có độ cao từ 10m trở lên, các gia đình cần có lồng bảo vệ an toàn khi thoát nạn.

Tầng hầm diện tích hơn 300m2 phải có không ít hơn hai lối thoát nạn. Chiều rộng thông thủy của lối thoát nạn tối thiểu 0,8m, cao tối thiểu 1,9m. Lối thoát nạn tại tầng một cần thoát trực tiếp ra ngoài, trường hợp thoát qua gian phòng khác phải duy trì chiều rộng lối đi và có giải pháp ngăn cháy từ các vật dụng, thiết bị dễ cháy nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (ôtô, xe máy...).

Cửa đi trên lối thoát nạn tại tầng một cần sử dụng loại bản lề. Nếu các gia đình lắp đặt cửa cuốn, cửa trượt thì cần có cơ cấu tự thu, mở nhanh, có bộ lưu điện và bộ tời bằng tay để mở khi mất điện hoặc động cơ bị hỏng. Bộ Xây dựng khuyến khích thiết kế lối ra phụ cho phép thoát người ra ngoài khi cửa cuốn không hoạt động. Các gia đình cần lưu ý cửa cuốn nếu không chịu nhiệt độ cao có thể bị biến dạng kể cả ray và cửa, dẫn đến không mở được.

Trường hợp không thể bố trí lối thoát nạn riêng hoặc lối ra phụ ở tầng một, các gia đình cần có khu vực lánh nạn tạm thời ở ban công hoặc lô gia được ngăn cách với gian phòng phía trong bằng một mảng tường đặc không cháy hoặc cháy yếu.

Nhà cao từ 10m trở lên cần bố trí thêm một lối lên sân thượng, lên mái qua thang cố định. Sân thượng phải bố trí thông thoáng, đảm bảo yêu cầu thoát người khi có sự cố, bố trí khóa cửa thì phải dễ mở từ bên trong.

Ông Vũ Ngọc Anh khuyến cáo: Các gia đình nên có tối thiểu một bình chữa cháy, đặt ở nơi dễ thấy và thuận tiện cho việc sử dụng; khuyến khích trang bị hệ thống báo cháy tự động hoặc báo cháy cục bộ. Đồng thời, các hộ gia đình phải mở lối thoát hiểm thứ 2, để khi xảy ra hỏa hoạn, người dân có thể thoát nạn một cách nhanh chóng và an toàn.

Để công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình này đạt được hiệu quả tốt hơn, ông Lê Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy chữa và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam đề xuất một số giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, kiến thức của người dân về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Các công trình nhà ống riêng lẻ phải có thêm tối thiểu một lối thoát hiểm ngoài lối ra vào thường bố trí ở tầng 1. Tốt hơn nữa có thể bố trí thêm khu vực lánh nạn, lối thoát hiểm tại các tầng khách nhau.

Các vụ cháy thường bắt nguồn từ điện, tử vong thường là do ngạt khói chính vì vậy cần đảm bảo công tác an toàn sử dụng điện và có các khu vực lánh nạn, thoát hiểm an toàn cho công trình nhà ống.

Khi xây mới, cải tạo các công trình cần có sự tư vấn của các đơn vị chuyên môn và chuyên trách. Và về lâu dài, cần sớm ban hành các quy định phù hợp để quản lý an toàn phòng cháy trong nhà ống riêng lẻ một cách toàn diện có hệ thống.

Thực tế các vụ cháy thường xuất hiện về đêm, lúc vắng nhà làm mất đi “thời gian vàng” để thực hiện công tác chữa cháy ban đầu, rất cần thiết để ngăn ngừa việc đám cháy bùng phát lớn. Các hộ gia đình nếu có thể hãy trang bị, lắp đặt cho ngôi nhà của mình các thiết bị liên quan tới tăng cường an toàn phòng cháy, chữa cháy với chi phí vừa phải như: Báo cháy cục bộ, bình chữa cháy xách tay... Nên đầu tư hệ thống chữa cháy tự động tại các khu vực có nguy cơ cao về cháy nổ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top