Aa

Phòng cháy chữa cháy cho công trình cao tầng: Cần giải pháp đồng bộ

Thứ Sáu, 17/12/2021 - 15:52

Củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2015 - 2019, trên cả nước đã xảy ra khoảng 17.844 vụ cháy tại các cơ sở, nhà dân, phương tiện giao thông cơ giới và cháy rừng. Trong đó, cháy nổ tại các cơ sở là 7.445 vụ, số vụ cháy nhà dân là 7.850 vụ; số vụ cháy ở thành thị chiếm khoảng 55,5% số lượng các vụ cháy.

Hội thảo "Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp" do Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tổ chức. 

Trong khi đó, những năm gần đây, các thành phố lớn của nước ta có tốc độ phát triển rất nhanh về xây dựng các nhà cao tầng, siêu cao tầng. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng hơn 3.000 tòa nhà cao tầng, siêu cao tầng đã và đang được đưa vào hoạt động với nhiều loại hình đa dạng như: Chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…

Nguy cơ cháy nổ nhà cao tầng vẫn cao

Chia sẻ tại Hội thảo: “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng: Thực trạng và giải pháp”, Đại tá Bùi Quang Việt - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ cho biết, với đặc điểm của nhà cao tầng là công năng đa dạng, phức tạp, thường xuyên tập trung đông người, với đặc điểm về độ tuổi, nhận thức, sức khỏe khác nhau, cũng như việc bố trí mặt bằng, lối, đường thoát nạn phức tạp mà công trình cao tầng, siêu cao tầng luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn PCCC.

Thực tế những vụ cháy nhà cao tầng trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy mức độ nguy hiểm cháy, diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn cho người dân sinh sống trong tòa nhà khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Theo Đại tá Bùi Quang Việt, thực tế tồn tại như nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khác sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.

Đại tá Bùi Quang Việt – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC.

Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.

Việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về PCCC còn một số khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC.

Trong khi đó, TS. Hoàng Anh Giang - Phó Giám đốc Viện Chuyên ngành Kết cấu xây dựng (Viện Khoa học công nghệ xây dựng IBST) cho rằng, các tồn tại khó khăn trong phòng cháy chữa cháy nhà cao tầng tại Việt Nam còn do nguyên nhân hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa theo kịp tốc độ phát triển.

Bên cạnh đó, ở những đô thị lớn có mật độ dân số cao như Hà Nội, TP HCM vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đám cháy. Khả năng tiếp cận và tổ chức các hoạt động cứu hộ cứu nạn bằng máy bay trực thăng hiện nay ở Việt Nam nhìn chung còn vướng mắc về trang thiết bị cũng như các quy trình, thủ tục liên quan.

Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, không đảm bảo các yêu cầu về an toàn PCCC, việc trang bị các thiết bị chưa đáp ứng đúng yêu cầu về an toàn PCCC hiện nay, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông khoảng cách, an toàn PCCC và nguồn nước PCCC.

Cần giải pháp đồng bộ

Trên cương vị đơn vị quản lý vận hành các tòa nhà, bà Vũ Kiều Hạnh - Đại diện Savills Hà Nội đã chia sẻ việc các tòa nhà đã đi vào vận hành khi chưa đảm bảo hệ thống PCCC một phần do bất đắc dĩ.

Bà Vũ Kiều Hạnh - Đại diện Savills Hà Nội.

Theo đó, các chủ đầu tư cũng đã ý thức quan tâm tới các quy chuẩn PCCC, tuy nhiên, do tòa nhà đã hoàn thành, chỉ còn thiếu kết quả nghiệm thu PCCC, trong khi đó đã đến hẹn bàn giao căn hộ cho khách hàng. Chủ đầu tư bị đặt vào thế khó và buộc vảo bàn giao công trình.

Mặt khác, trong thực tế vận hành, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ công tác vận hành của hệ thống kỹ thuật chữa cháy tòa nhà. Có thể những trường hợp vô tình như mở cửa hành lang thoát hiểm tưởng chừng như vô hại nhưng lại có thể vô hiệu quả chống nhiệt của hành lang thoát hiểm.

Theo bà Vũ Kiều Hạnh, để bảo đảm công tác PCCC thì công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm. Ngoài ra cần thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, thực hiện các quy định chi phí về việc phòng cháy chữa cháy. Hiện trên thực tế tỷ lệ người mua và sử dụng bảo hiểm cháy nổ cho các tài sản hiện còn rất thấp. Đây chính là quyền lợi và trách nhiệm của người sử dụng.

Cần xem xét đưa vào một nguồn ngân sách để thực hiện công tác bảo trì hệ thống PCCC. Do đó, cần nâng cao ý thức và ngăn ngừa ngay từ khi công trình đưa vào sử dụng để hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Trong khi đó, theo Đại tá Bùi Quang Việt cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, PCCC.

Mặt khác, cần tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt PCCC đối với các công trình xây dựng. Thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công trình cao tầng để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tác PCCC. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top