Sáng 7/4, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, thu hồi đất và định giá đất vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm thảo luận của đông đảo đại biểu tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng nay, bởi đây là cội nguồn của nhiều khiếu nại, khiếu kiện những năm qua.
Cần định lượng vấn đề đảm bảo cuộc sống người dân "bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất
Tại Hội nghị, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề cần thiết. Nhưng đề nghị luật cần tách bạch rõ ràng việc thu hồi đất phục vụ quốc phòng, an ninh, phục vụ an sinh xã hội, công cộng với thu hồi đất các dự án thương mại, khu đô thị mới.
Theo ông Hòa, Nhà nước không nên thu hồi đất với các dự án nhà ở thương mại. Với các dự án này, nhà đầu tư phải có sự thoả thuận với người dân sao cho phù hợp. Đồng thời cần có quy định cụ thể để xác định các trường hợp thu hồi đất sao cho rõ ràng.
Ngoài ra, cần quy định về tái định cư cần làm rõ việc Nhà nước hỗ trợ tái định cư cần có chỗ ở tốt hơn nơi ở cũ.
“Tốt hơn là như thế nào? Nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt, quy định như vậy sẽ phù hợp. Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh để người dân có nhu cầu thiết thực. Đồng thời trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở”, ông Hòa đề xuất.
Về giá đất, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với quy định như dự thảo là định theo nguyên tắc cơ chế thị trường và theo giá đất phổ biến trên thị trường. Đề nghị Ban soạn thảo lưu ý và quan tâm đến nội dung này, tính giá đất sao cho hiệu quả.
Cùng đề cập đến vấn đề tái định cư, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng đặt vấn đề, thế nào là “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi thu hồi đất?
Theo ông Cường, dự thảo đã có quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, sao cho chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.
Đồng thời, cũng quy định khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.
Tuy nhiên, để chủ trương trên thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất.
Về thẩm quyền thu hồi đất, ông Cường đề nghị quy định theo hướng: Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
“Quy định như vậy sẽ đảm bảo tính đồng bộ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục, đơn giản hóa việc tổ chức thực hiện”, ông Cường nói.
Cần có đơn vị sự nghiệp công lập tư vấn, định giá đất
Góp ý quy định về định giá đất tại Điều 158, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh doanh nghiệp tư nhân hoạt động về định giá đất, cần có đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước hoạt động trên lĩnh vực này.
Theo đó, nếu doanh nghiệp nhà nước chuyển nhượng đất là tài sản công, bắt buộc đơn vị kiểm tra giá đất phải là một đơn vị công lập. Hơn nữa, nếu đất do Nhà nước thu hồi để sử dụng chung, đơn vị thẩm định cũng phải là đơn vị sự nghiệp công lập, có như vậy mới đảm bảo trách nhiệm của Nhà nước trong việc quản lý tài sản. Còn nếu là giao dịch tư nhân thì có quyền chọn đơn vị tư vấn là tư nhân.
Để làm được việc này, ông Nhân cho rằng, trong hệ thống nhà nước cấp tỉnh và một số cấp huyện cần hình thành đơn vị sự nghiệp làm nhiệm vụ tư vấn, định giá đất để Nhà nước sử dụng hoặc để Nhân dân đối chiếu.
Đồng thời, để hoạt động định giá đất có cơ sở khách quan cần sử dụng tư liệu quốc gia về đất. Đây là điều kiện bắt buộc để hoạt động định giá đất, dù là đơn vị tư nhân hay công lập.
Quy định trên cũng liên quan đến Điều 162 về khai thác hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đất: cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chỉ chọn được quyền khai thác cho mục đích của mình; người tiêu dùng được khai thác để đảm bảo lợi ích của mình; các đơn vị không thuộc hai loại trên muốn sử dụng dữ liệu này phải xin phép và được cho phép. Song, quy định này chưa phù hợp bởi tất cả đơn vị định giá đất cần phải sử dụng dữ liệu quốc gia về đất mới đảm bảo khách quan, do vậy cần sửa đổi theo hướng khuyến khích sử dụng.
Ngoài ra, ông Nhân cũng đề nghị làm rõ thẩm quyền trình giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất, đơn vị định giá đất công lập hay đơn vị định giá đất tư nhân?
Về vấn đề định giá đất, đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, cần sớm có bảng giá đất để phục hồi thị trường bất động sản. Nếu đến năm 2025 mới có bảng giá đất thì sẽ muộn so với yêu cầu của thị trường đất đai trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Cơ quan chức năng cần thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thành sớm bảng giá đất để hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi”, ông Kim nói.
Về bồi thường tái định cư với đất nhà nước thu hồi, cần xác định thời gian thực hiện bồi thường, tái định cư, vì đây là cội nguồn của các khiếu kiện phức tạp. Khi tính thời gian thì nên tính lãi cho người giao đất, để người được đền bù tích cực trong giải quyết vấn đề. Việc tái định cư cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng, văn hóa, cần có bản cam kết giữa bên sử dụng và bên giao đất để giảm thiểu bất đồng, khiếu kiện phức tạp.
Ngoài ra, ông Kim đề nghị giao phòng công chứng chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về việc xác định giá cả khi tiến hành giao dịch trên cơ sở bảng giá tại vùng đất, thửa đất tại địa điểm đó, để nâng cao trách nhiệm của phòng công chứng, giảm tải vai trò của ngành tài nguyên - môi trường, phòng đăng ký đất đai. Theo đó, có thể liên thông thẳng từ phòng công chứng đến cơ quan thuế để rút ngắn thủ tục, đảm bảo được nguồn thu thuế cho nhà nước.
Ghi nhận các ý kiến của đại biểu về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là những đóng góp quan trọng để Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội và từng vấn đề đại biểu Quốc hội góp ý sẽ có giải trình đầy đủ.
Theo Phó Thủ tướng, có trên 50% vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập là về tài chính đất và định giá đất. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…Do đó trong các Luật Đất đai từ năm 1993 đến nay, các cơ quan quản lý đều kiên trì tìm cách giải bài toán tài chính đất đai và vấn đề giá thị trường, với mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, hiện có 4 phương pháp tính nhưng chưa có giá chính xác, do thông số đầu vào không chính xác. Lần này dự thảo Luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, cố gắng thu thập được giá đúng. Để làm được điều này người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng.
“Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng từ có thông tin trên bản đồ từ đó tính toán và đưa ra giá trị chuẩn”, Phó Thủ tướng nói.