Aa

Cần sớm sửa đổi Luật Đất đai để chặn đứng các sai phạm do quản lý

Chủ Nhật, 25/07/2021 - 16:47

Trước tình trạng đất nông lâm trường đang quản lý, sử dụng kém hiệu quả, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất sản xuất, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần sớm sửa đổi Luật Đất đai...

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng đã đến lúc cần tổng kết, đánh giá kỹ nguyên nhân dẫn tới việc sau gần 30 năm “sắp xếp, đổi mới” rừng vẫn mất, đất đai bị lấn chiếm tranh chấp, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn ở mức cào; từ đó đưa ra giải pháp phù hợp ngay trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai tới đây.

Cần làm rõ quy định về sở hữu đất đai

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết vướng mắc của đất đai nông lâm trường bấy lâu nay là việc bàn giao đất cho địa phương và người dân quản lý, nhưng đã xảy ra tình trạng tự ý chuyển nhượng, giao dịch đất đai.

“Cho đến nay, việc này chưa có hồi kết, chưa có lối ra,” ông Vân nhấn mạnh.

Nói thêm về vướng mắc trên, đại biểu Lê Thanh Vân cho biết trước đây, đất nông lâm trường được Nhà nước giao cho các nông lâm trường quản lý để thực hiện theo mô hình phát triển, làm ăn hợp tác xã. Với mô hình này, công nhân của công ty nông, lâm trường trở thành thành viên hợp tác xã.

“Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương cho thấy hiệu quả kinh tế và việc chuyển đổi mô hình quản lý này về sau đã không có sự thống nhất; có những nông lâm trường chuyển đổi không tốt nên đã khoán cho dân, từ đó dẫn tới làn sóng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,” đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân
Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau Lê Thanh Vân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Đại biểu Quốc hội của đoàn Quốc hội tỉnh Cà Mau cũng lưu ý rằng trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên, chính quyền nhiều nơi đã làm sai khi xác nhận quyền chuyển nhượng qua “mua bán viết tay.”

Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai, những giao dịch về đất đai mà không có tranh chấp từ thời điểm năm 1993 trở về trước thì được xem xét cấp sổ đỏ. “Về mặt pháp lý, quy định này chồng lấn rất nhiều văn bản cũng như những quan hệ cụ thể trong việc phân tầng quản lý,” đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Dẫn con số 70 - 80% số vụ khiếu kiện về đất đai xảy ra trong thời gian qua, đại biểu Lê Thanh Vân  cho rằng nguyên nhân của thực trạng nêu trên phần lớn là do cách thức quản lý, sở hữu đất đai. Hiến pháp ghi nhận đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện làm quyền sở hữu nhưng Nhà nước là ai thì quy định vẫn chưa rõ.

“Vậy cơ chế nào để giải quyết việc xử lý quyền năng về quản lý?” đại biểu Lê Thanh Vân đặt câu hỏi và diễn giải rằng nói là Nhà nước đại diện thì Quốc hội là cơ quan quyết định các đạo luật. Chính phủ là cơ quan thực thi, thực hiện các quy tắc về mặt đất đai, nhưng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện theo thẩm quyền là những người đại diện cho Nhà nước lại không có cơ chế ràng buộc giám sát từ trước, nhất là về mặt thủ tục và họ chỉ là người ký chứ không phải định đoạt.

“Quyết định trên diễn ra với danh nghĩa là tập thể nhưng thực tế lại là cá nhân. Thực tế này biến tướng, từ đó ‘sinh sôi lợi ích nhóm’ và lạm dụng quyền lực, đẩy nhiều vị lãnh đạo vào tù. Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra vẫn chưa chú trọng nhiều đến việc xem xét các vụ án cố ý làm trái trong việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường trong thời 'tranh tối, tranh sáng' - khi còn chưa sửa đổi Luật Đất đai," ông Vân nói. 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình. (Ảnh: TTXVN phát)

Có chung quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường quốc doanh là vấn đề rất rộng và liên quan trực tiếp đến Luật Đất đai.

"Thế nhưng, Luật Đất đai hiện nay vẫn chưa được sửa đổi nên việc bàn giao, tạo quỹ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn,” đại biểu Tiến nói và cho rằng mấu chốt bây giờ là cần phải sửa đổi sớm Luật Đất đai cũng như các văn bản có liên quan đến đất đai nói chung và đất rừng thì mới sớm giải quyết được.

Tuy vậy, đại biểu Trần Văn Tiến cũng bày tổ nỗi băn khăn khi Chính phủ mới đây đã trình xin ý kiến Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại 3 kỳ họp (tức là đến giữa năm 2023, dự án này mới được thông qua và đến đầu năm 2024 mới có hiệu lực và sau đó vẫn cần có văn bản hướng dẫn thi hành).

“Như vậy, nếu đến năm 2024 Luật mới được ban hành thì trong quá trình chờ đợi sẽ vướng mắc rất nhiều, không những về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước,” ông Tiến bày tỏ.

Phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm rõ ràng

Với kinh nghiệm của đại biểu Quốc hội liên tiếp trúng cử ở 3 kỳ họp Quốc hội khóa XIII, XIV và XV, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cùng với việc sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện nay, các bộ chủ quản (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và chính quyền địa phương cần phải xác định rõ trách nhiệm của mình; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện chủ trương về việc quản lý, sử dụng đất đai tới đâu.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên
Đại biểu Trần Văn Tiến, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Vũ Võ/Vietnam+)

Đại biểu Lê Thanh Vân đưa ra quan điểm rằng quản lý đất đai phải là Bộ Tài nguyên và Môi trường; quản lý các hoạt động sản xuất thì có những công ty nông lâm trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, có những công ty nông lâm trường thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý. Vì thế, việc này cần phải tách bạch rõ trách nhiệm cũng như khi định giá tài sản nông lâm trường - cái nào giá trị tài sản gắn với đất thì phải làm rạch ròi.

Đại biểu Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) cũng cho rằng để giải quyết các vấn đề vướng mắc về quản lý đất nông lâm trường hiện nay, việc nên làm là cần phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cụ thể hơn, bởi từ trước tới nay mới chỉ phân cấp chung chung dẫn tới việc không ai chịu trách nhiệm chính.

“Vì thế, cùng với việc cấp thiết là cải thể chế để tháo gỡ các bất cập hiện nay, chúng ta cần phải có quy định về việc phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm gắn với từng nhiệm vụ cụ thể,” đại biểu Tiến nhấn mạnh.

Góp thêm giải pháp về việc giải quyết bài toán thiếu đất sản xuất cho các “vùng lõi nghèo” trên cả nước, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng mặc dù cơ chế của chúng ta đã có nhiều thay đổi nhưng với từng địa bàn cụ thể mà nông dân không còn một công cụ, tư liệu sản xuất nào khác thì cần phải tính đến chuyện giao đất cho dân.

“Việc này tôi thấy nhiều nông trường được giao nhiều đất nhưng sản xuất không hiệu quả, song lại không thực hiện bàn giao và khoán cho hộ dân. Rõ ràng việc này cần phải bàn kỹ, xem cách nào hiệu quả hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nhà nước, nông lâm trường và người dân,” đại biểu Lê Thanh Vân nói./.

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 25/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định đất đai nông lâm trường là vấn đề rất đáng quan tâm. Với lý do đó, ông “hứa” sẽ cho ý kiến và sớm trả lời phóng viên bằng văn bản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top