Aa

Cần sửa Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp

Thứ Sáu, 24/04/2020 - 17:15

Nhiều chuyên gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN để tạo điều kiện cho các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp.

VPBank đã áp dụng hàng loạt biện pháp, trong đó có phương án dự phòng thanh khoản đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thiệt hại do COVID-19

Trước nhiều nguồn thông tin phản ánh hiện còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói tín dụng 300.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 01 là cần thiết, bởi vì Thông tư này chỉ có quy định khung về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch, song lại không quy định cụ thể về tiêu chí của đối tượng được hỗ trợ như số lượng người lao động bị nghỉ việc; doanh thu giảm thế nào; doanh nghiệp bị thiệt hại ở lĩnh vực, ngành nghề nào...? Điều này gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định đối tượng doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 để đưa ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

"Khi sửa đổi Thông tư 01, NHNN nên có hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng và tiêu chí, phân nhóm đối tượng hỗ trợ để các ngân hàng thống nhất giải pháp thực hiện hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", một chuyên gia khuyến nghị.

Tại Hội nghị trực tuyến vừa qua của NHNN, Vụ Pháp chế và Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết, nếu cần thiết, sẽ sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN, nhất là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, dự thu, xác định đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh...

Trên thực tế, trước diễn biến thị trường quốc tế, khu vực còn phức tạp, nhất là tác động của dịch bệnh với nền kinh tế, NHNN đã thường xuyên rà soát bổ sung các kịch bản điều hành để góp phần ổn định các cân đối vĩ mô theo chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, miễn giảm phí dịch vụ điện tử, tỷ trọng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt...

Ngoài ra, NHNN triển khai thủ tục hướng dẫn tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương cho người lao động ngừng việc tạm thời và cho vay mới các đối tượng chính sách, đối tượng bị tác động bởi dịch bệnh…

Có thể nói, với sự tập trung quyết liệt và trách nhiệm của toàn ngành ngân hàng, hy vọng trong thời gian tới hoạt động hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân sẽ đạt kết quả tích cực hơn nữa, góp phần hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế.

Các TCTD cần thích ứng với tình hình mới hậu dịch bệnh

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, các TCTD đã tích cực hưởng ứng triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mà NHNN chỉ đạo. Hiện nay mong muốn của các doanh nghiệp là các gói hỗ trợ tín dụng được thực hiện nhanh chóng đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Như vậy, các doanh nghiệp mới thấy chính sách này đi vào cuộc sống.

Khi đã nắm rõ thực chất hoạt động doanh nghiệp, các ngân hàng cần thông tin cho dư luận các trường hợp không đủ điều kiện được hỗ trợ vì lý do gì?, tránh dư luận hiểu sai về ngân hàng. Ngành ngân hàng cũng nên giải thích cho doanh nghiệp biết không phải ngân hàng là nguồn hỗ trợ duy nhất cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh.

Các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố cũng nên tăng cường phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn theo dõi, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng ở địa phương.

Việc NHNN thiết lập đường dây nóng là rất cần thiết, góp phần xác định đúng đối tượng cần được hỗ trợ, tránh tình trạng đảo nợ, gây ra nợ xấu cho ngân hàng.

Hậu dịch chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi, thậm chí là thay đổi lớn, căn bản, có những vấn đề không thể quay lại như cũ do môi trường thay đổi, từ đó các TCTD cũng phải thích ứng với tình hình hình mới.

Tích cực giảm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp trong mùa dịch

Ông Hàn Ngọc Vũ -Tổng Giám Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

Công tác triển khai hỗ trợ doanh nghiệp tại VIB rất chủ động, kể cả trước khi có Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Các chiến dịch giảm lãi vay cho khách hàng lúc đó chưa có chính sách hoãn, giãn nợ, mà tập trung vào giảm lãi vay đối với các khoản cho vay mới từ 0,5 - 1%. Khi Thông tư 01 có hiệu lực, VIB đã triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên toàn hệ thống của Ngân hàng. Đến nay, VIB đã cập nhật 3 phiên bản hướng dẫn để phù hợp hoàn cảnh thực tế, nhu cầu khách hàng, kiểm soát tốt rủi ro phát sinh.

Hiện nay, VIB tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2% đối với các khoản vay mới trung - dài hạn của doanh nghiệp, khoản vay hiện hữu, được khách hàng hoan nghênh khi họ không phải chứng minh mục đích. Cho đến nay, đã có 2.800 khách hàng được vay mới, 2.400 tỷ đồng dư nợ được giảm lãi vay.

Như vậy đã có tổng cộng 8.300 khách hàng được hỗ trợ giảm lãi vay với tổng dư nợ khoảng 5.500 tỷ đồng. Tổng khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 700 khách hàng với tổng dư nợ là 600 tỷ đồng.

VIB đang nhận được rất nhiều các kiến nghị và sẽ tiếp tục xử lý cho 4.700 khách hàng với tổng dư nợ 6.600 tỷ trong 4 tuần tới. Tính đến nay, VIB đã tăng trưởng tín dụng 3,3%, tương ứng tổng dư nợ 4.400 tỷ đồng.

VPBank đã cơ cấu cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ cho hơn 6.000 khách hàng

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank

VPBank đã triển khai nhanh chóng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngay từ đầu tháng 2/2020, khi tình hình dịch bệnh lan rộng và được tăng cường thêm vào giữa tháng 3 với các biện pháp đã báo cáo chi tiết với NHNN.

Theo đánh giá sơ bộ, VPBank có hơn 80.000 khách hàng sẽ bị ảnh hưởng dịch bệnh, 1/3 dư nợ tín dụng nằm trong danh mục của các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, VPBank có những nhóm khách hàng như người tiêu dùng với khoản vay nhỏ, bị thất nghiệp do dịch bệnh. Ngoài ra có gần 150.000 khách hàng là hộ kinh doanh có các khoản vay trung bình từ 50 - 200 triệu đồng cũng đã và đang bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước thực trạng trên, Ban Lãnh đạo Ngân hàng đã áp dụng hàng loạt biện pháp, trong đó có phương án dự phòng thanh khoản đặc biệt, thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức các đội, thậm chí 50% lực lượng kinh doanh của ngân hàng chuyển sang quản lý nợ, thu hồi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì số lượng rất nhiều.

Đến nay, VPBank đã cơ cấu cấu lại thời hạn trả nợ và giãn nợ cho hơn 6.000 khách hàng, trong đó giảm lãi suất cho hơn 2.000 khách hàng, cho vay mới đối với hơn 3.000 khách hàng với tổng dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo đó, tổng giá trị các khoản như cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ giảm lãi vay, cho vay mới chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng, nhưng dự kiến sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Bởi hiện đang có khoảng 10.000 khách hàng đang có hồ sơ xin cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi vay với chục nghìn khoản vay...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top