Aa

Cần thanh tra lại việc thực hiện và điều chỉnh quy hoạch

An An
An An pvhongvu@gmail.com
Thứ Hai, 30/03/2020 - 14:10

Đô thị kiểu mẫu vốn được quy hoạch, xây dựng với những thiết kế hoàn chỉnh nhưng sau nhiều lần điều chỉnh đã “phá rào” thay đổi thiết kế, trở thành những đô thị kiểu mẫu trên giấy.

Lời tòa soạn:

Hàng loạt khu đô thị được coi là kiểu mẫu, là nơi đáng sống nhất của các đô thị lớn đang bị phá vỡ quy hoạch khi liên tục nâng tầng cao, tăng mật độ xây dựng, làm gia tăng dân số, giảm không gian công cộng… khiến hệ thống hạ tầng quá tải, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo và lo ngại, những “nhóm lợi ích” đang dẫn đường cho phát triển thay vì đi theo quy hoạch đã được phê duyệt của cơ quan chức năng. Nói cách khác, việc điều chỉnh quy hoạch chủ yếu dựa theo ý kiến, đề xuất của nhà đầu tư, nhờ sự “tiếp tay” quá “dễ dãi” của Chính quyền.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, không loại trừ quy hoạch chi tiết bị điều chỉnh do sức ép nào đó. "Trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án có thể có tác động nhất định, ở những giai đoạn nhất định? Đây là hoạt động cần kiểm soát chặt chẽ và sẽ xử lý nghiêm túc nếu phát hiện hành vi này", Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Trước sự nghiêm trọng của câu chuyện điều chỉnh quy hoạch đô thị, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, các địa phương cho thanh tra, kiểm tra rà soát lại các quy hoạch điều chỉnh, xem xét xử lý nghiêm với các quy hoạch điều chỉnh tùy tiện, không đáp ứng yêu cầu.

Với tinh thần nghiên cứu, khảo sát từng trường hợp khu đô thị và tổng kết thực trạng để phản biện và đưa ra những kiến giải góp phần phát triển đô thị xanh - nhân văn và bền vững, Reatimes thực hiện và đăng tải tuyến bài dài kỳ: Điều chỉnh quy hoạch đô thị: Cẩn trọng đi vào "vết xe đổ" KĐT Linh Đàm.

Trân trọng giới thiệu với độc giả!

"Những vết chém" xé nát niềm tự hào

Thực tế ghi nhận, quy hoạch điều chỉnh chung hay chi tiết chỉ sau một thời gian ngắn là bị phá vỡ do thiếu cơ sở dữ liệu khoa học, thiếu tính thống nhất, tầm nhìn ngắn hạn… Không ít những khu đô thị dự kiến ban đầu là xây dựng theo hướng đô thị kiểu mẫu, đô thị sinh thái, với sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng và được hưởng một không gian mặt nước tốt nhất. Thế nhưng, nhiều năm sau, việc xin phép điều chỉnh quy hoạch với lý do “để phù hợp với sự phát triển kinh tế”, “phù hợp với quá trình đô thị hoá” đã tạo điều kiện cho hàng loạt cao ốc nhồi thêm tầng, mọc san sát theo kiểu điền vào các chỗ trống, như những “vết chém” xé nát niềm tự hào về một khu đô thị kiểu mẫu.

Minh chứng rõ ràng nhất của hệ luỵ điều chỉnh quy hoạch đô thị kiểu mẫu là Khu đô thị Linh Đàm. Sau nhiều lần điều chỉnh, giờ đây, khu đô thị này trở nên nhếch nhác, bụi bặm và đang biến dạng từng ngày. Phía sau những vườn hoa cây xanh ít dần theo thời gian, là những khối bê tông khổng lồ dồn nén hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.

Sau hơn 20 năm, Linh Đàm lại trở thành "kiểu mẫu cho sự phá vỡ quy hoạch"

Tương tự, việc “thả phanh” điều chỉnh quy hoạch, nhồi nhét nhà cao tầng cũng đang biến bộ mặt một số khu đô thị khác dẫn đến các câu chuyện tranh chấp kéo dài. Như tại khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội). Từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch khu đô thị giai đoạn 2 mới đây, cư dân phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất trước đó mà không lấy ý kiến người dân. Hay tại khu Ngoại Giao Đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, hơn một năm qua, cư dân đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền liên quan về việc điều chỉnh quy hoạch tại đây nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Hà Nội đã có những ví dụ điển hình cho thấy nhiều nhà đầu tư lớn cùng tham gia tạo ra khu vực nhiều công trình đẹp, nhưng tổng thể lại xấu bởi mỗi chủ đầu tư xin phép điều chỉnh quy hoạch theo cách khác nhau. Mặt khác, những khu đô thị lớn của một chủ đầu tư lại có cách “lách luật” để tạo ra loại quỹ nhà như một lời mời chào hấp dẫn trong khu đô thị. Hệ quả là Hà Nội đang gánh sự quá tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa biết khi nào mới giải quyết được.

Đã đến lúc cần thanh tra lại việc điều chỉnh quy hoạch

Trong một báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây có nêu, hiện nay, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung chiếm khoảng 30% quy hoạch được phê duyệt, chủ yếu diễn ra ở các thành phố lớn có mức tăng trưởng cao, đô thị hóa nhanh. Đáng chú ý là tình trạng điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy hoạch chi tiết diễn ra khá phổ biến. 

Thông tin báo chí vào đầu tháng 1/2020, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cũng cho biết, các địa phương phải hoàn thành việc rà soát, phân loại, đánh giá toàn bộ quy hoạch bị điều chỉnh tùy tiện sai quy định, đồng thời đề xuất các giải pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng trong quý I/2020.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, đây là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trong đó, giao Chính phủ xem xét kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch tại các địa phương.

Những thông tin từ Bộ Xây dựng cho thấy, công tác quản lý sử dụng đất bị buông lỏng, thiếu kiểm soát, giao đất tràn lan cho các dự án, làm phá vỡ không gian, quy mô quy hoạch. Do đó, những sai phạm cần phải được thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá, tìm giải pháp khắc phục, sửa sai. 

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng đã đến lúc  phải kiểm tra lại quỹ đất của quy hoạch đô thị, bởi muốn quy hoạch thế nào cũng phải có tài nguyên.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam

Theo ông Tùng, hệ lụy của điều chỉnh quy hoạch đã nhìn thấy rõ. Điều chỉnh quy hoạch là một trong những điều luật pháp cho phép vì để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, mục đích của điều chỉnh quy hoạch, ai có quyền điều chỉnh quy hoạch lại là câu hỏi được đặt ra.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng: "Cấp nào duyệt quy hoạch, cấp đó điều chỉnh nhưng hiện nay, điều chỉnh manh mún, nhiều nơi quy hoạch bị băm nát. Khi duyệt quy hoạch có hội đồng nhưng điều chỉnh thì hội đồng này lặng lẽ biến mất. Tất cả quy hoạch cần công khai. Đặc biệt, phải công khai quy hoạch chi tiết để làm sao mọi người xem, chỗ này làm vườn hoa, chỗ này làm trường học... Khi quy hoạch tốt rồi phải có thiết kế đô thị, người dân căn cứ vào thiết kế đô thị để xây nhà, không cần phải xin ý kiến nữa".

Theo Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với việc quy hoạch như hiện nay, đã đến lúc cần kiểm tra lại quỹ đất của quy hoạch đô thị, vì thời gian qua buông lỏng quy hoạch quỹ đất, khiến tài nguyên đất “cạn kiệt”.

“Nếu chúng ta buông lỏng quy hoạch, buông lỏng quỹ đất thì sẽ không có bất động sản”, ông Tùng nhấn mạnh.

Chính quyền thiếu tầm nhìn hay thiếu trách nhiệm?

Thông thường, với trách nhiệm của một chủ thể được giao đất để phát triển khu đô thị, khi giao đất phải có nhiệm vụ rất rõ ràng, khu đô thị có thiết chế đáp ứng cho đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu?

Còn trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý là đăng tải các đồ án quy hoạch chung, phân khu, chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh lên Cổng thông tin điện tử. Bên cạnh đó là phát huy sự công khai minh bạch trong quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư, việc lấy ý kiến cộng đồng, việc giám sát của nhân dân. Câu trả lời là những chuyện ấy có cả, nhưng nhiều khi chỉ là hình thức. Đặc biệt là sự dễ dãi trong điều chỉnh quy hoạch cho thấy tầm nhìn quy hoạch của cơ quan quản lý vẫn ở “giai đoạn ngắn hạn”.

Qua câu chuyện cho phép điều chỉnh hàng loạt đô thị kiểu mẫu như Linh Đàm, Ngoại Giao Đoàn cho thấy năng lực phê duyệt của người quản lý chưa được đánh giá cao. Có vẻ như bài toán về quy hoạch phát triển đô thị kiểu mẫu vẫn là bài toán khó và cần thêm thời gian để giải quyết.

Theo đánh giá của GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý quy hoạch hiện nay rất đểnh đoảng, bất chấp thực tế, bất chấp cả những yêu cầu đặt ra để vi phạm, để "chiều" chủ đầu tư.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Ông Võ cho rằng: “Hiện nay, cứ chỗ nào chất lên được là chúng ta chất lên. Có thể trước đây quy hoạch cho 20 tầng, nhà đầu tư thấy không lãi lắm xin lên 30 tầng, sau một hồi chạy cũng được 30 tầng, sau một hồi lại chạy tiếp lên 40 tầng, đó là cách điều chỉnh quy hoạch vô lối. Chúng ta không thể tiếp tục cách điều chỉnh này được”.

Còn theo nhận xét của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc xây dựng và phê duyệt quy hoạch rất chặt chẽ nhưng việc điều chỉnh lại rất sơ sài.

“Phần điều chỉnh quy hoạch trong Luật Quy hoạch chỉ có một điều: Cấp nào phê duyệt thì cấp đó điều chỉnh. Tuy nhiên, luật lại không nói quy trình điều chỉnh phải tuân thủ như quy trình xây dựng quy hoạch. Thế nên, một ông phó chủ tịch thành phố chỉ cần phê vào góc đơn, góc công văn hay ra một quyết định đơn lẻ là thay đổi hết. Cái đó rất tùy tiện, rất nguy hiểm”, ông Nam cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Đúng là việc các dự án khu đô thị thay đổi quy hoạch xảy ra rất phổ biến, tỷ trọng công trình cao tầng lên tới 80%, trong khi thiếu liên kết về hạ tầng đã gây nhiều hệ quả nặng nề. Liên quan đến quy hoạch đô thị, chúng ta đã có Luật Quy hoạch năm 2009, Luật Xây dựng cũng có một chương riêng. Có nghĩa là, không thiếu gì luật liên quan đến đô thị nhưng do quá trình thực hiện không đến nơi đến chốn mới xảy ra tình trạng “băm nát đô thị” như hiện nay”.

Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch đô thị bị "băm nát" là do chính quyền thiếu trách nhiệm, thậm chí buông lỏng quản lý xây dựng theo quy hoạch, doanh nghiệp lại đua nhau chạy theo lợi nhuận mà không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Một nguyên nhân khác nữa là chúng ta đang thiếu tầm nhìn trong quy hoạch. Điều này thể hiện ở chỗ các khu đô thị mới vừa xây dựng đã lạc hậu, dẫn đến tình trạng xe ô tô của người dân không biết để đâu, thiếu không gian công cộng, công viên, hồ điều hoà…

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Để khắc phục tình trạng này, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết cần được tiến hành sớm và đồng bộ. Khi có quy hoạch rồi, Nhà nước phải rất nghiêm trong quản lý các quy hoạch đó. Ví như, Nhà nước chỉ cho đưa vào khai thác, sử dụng các chung cư, khu đô thị khi đã có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Những khu đã đưa vào sử dụng, cần làm rõ trách nhiệm xem việc thiếu công trình dân sinh thuộc về ai. Nếu chủ đầu tư đã nhận quản lý dự án phải đồng bộ thì quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm xử lý thích đáng với chủ đầu tư này.

Một vấn đề rất quan trọng nữa, ông Hùng cho rằng đó là sự tồn tại nhiều năm của tình trạng dễ dãi trong cấp phép xây dựng theo kiểu “xin - cho” và những lo ngại về lợi ích nhóm. Điều này dẫn đến tình trạng quy hoạch chung bị phá vỡ, hàng loạt nhà cao tầng được xây dựng lên. Các khu đô thị mới hầu như đều có sự thay đổi so với thiết kế ban đầu, trong khi các công trình công cộng vẫn giữ nguyên. Đó là nguyên nhân của đường sá ùn tắc, bệnh viện quá tải, học sinh không có chỗ học... Như vậy là quy hoạch có vấn đề mà xây dựng, tổ chức thực hiện cũng lại có vấn đề. Xét tới cùng, người lãnh đạo của thành phố, của quận về xây dựng phải chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh quy hoạch.

Còn nữa...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top