Aa

Quy hoạch đô thị bị phá nát như thế nào?

Thứ Sáu, 27/03/2020 - 06:20

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề quá tải hạ tầng đô thị, vỡ quy hoạch vì phát triển chung cư ồ ạt.

Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi các địa phương về việc tăng cường kiểm soát và báo cáo công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trong khu vực nội thành.

Trong bối cảnh nhiều đô thị đang có diễn biến xấu như hiện nay thì chỉ đạo của Bộ Xây dựng là cần thiết, tuy nhiên nó chỉ là toa thuốc điều trị tạm thời đối với căn bệnh vốn cần đến một cuộc đại phẫu.

Chỉ đạo quyết liệt

Liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng, trước đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg 2019 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt như việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ; chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi.

Đặc biệt, công tác điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại các đô thị lớn, tập trung đông dân cư còn tùy tiện, có xu hướng gia tăng dân số, tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, gây quá tải hạ tầng đô thị...

Để tăng cường quản lý hoạt động quy hoạch đô thị, cũng trong năm 2019, Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Bên cạnh đó, việc công bố thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng đã được quy định trong Luật Đất đai, Luật Phòng chống tham nhũng và nhiều văn bản pháp lý khác nhau…

Thực tế... chéo ngoe

Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, Hà Nội) đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch trước đó mà không lấy ý kiến người dân

Nhưng trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế. Thậm chí tại nhiều khu đô thị theo phản ánh cư dân còn “ngã ngửa” khi quy hoạch được điều chỉnh mà người dân không hề biết.

Như tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, Hà Nội) từ việc xin ý kiến điều chỉnh quy hoạch khu đô thị giai đoạn 2 mới đây, cư dân phát lộ ra việc chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất trước đó mà không lấy ý kiến người dân. Hay tại khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư ngay cạnh khu đô thị Ciputra, hơn một năm qua cư dân đã gửi đơn thư đến các cấp chính quyền liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tại đây nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tại nhiều địa phương vẫn “tạo điều kiện” cho hàng loạt dự án ngang nhiên lấn biển, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường có thể gây ra hiện tượng sụt lún ở vùng ven biển. Hay không một nhà quy hoạch nào chấp nhận việc xây hàng loạt dự án cao tầng ven biển chỉ vì cái lợi trước mắt.

Thông thường, với trách nhiệm của một chủ thể được giao đất để phát triển khu đô thị, khi giao đất phải có nhiệm vụ rất rõ ràng, khu đô thị có thiết chế đáp ứng cho đối tượng nào, số lượng là bao nhiêu?... Vấn đề người tiếp quản khu đất đó là người thực hiện, vì khi giao là khu đô thị, tức ngầm hiểu đó chỉ là dự án bất động sản.

Rất nhiều diện tích đất đai đã được giao cho các chủ đầu tư dự án bất động sản xây nhà để bán thu lợi nhuận cao còn lợi ích xã hội, tài sản công là tài nguyên đất đai của thành phố trở nên cạn kiệt.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố TW đăng tải các đồ án quy hoạch chung, phân khu, chi tiết thuộc thẩm quyền phê duyệt của tỉnh lên Cổng thông tin điện tử quyhoach.xaydung.gov.vn. Nhưng tại sao không phát huy sự công khai minh bạch trong quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư, việc lấy ý kiến cộng đồng như thế nào, việc giám sát của nhân dân ra sao?

Câu trả lời là những chuyện ấy có cả, nhưng nhiều khi chỉ là hình thức. Việc lấy ý kiến cộng đồng nhiều trường hợp chỉ là ý kiến của một số cá nhân được “chọn mặt gửi vàng”.

Thường thì Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố là tổ chức có lực lượng mạnh nhất về chuyên môn và tâm huyết ở các đô thị lớn. Vấn đề là họ có được tham gia vào các vấn đề lớn của đô thị hay không. Nhiều trường hợp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch chỉ được mời để tham vấn các vấn đề chung chung, vô thưởng vô phạt hoặc để phản bác các dự án vốn không được ủng hộ.

Khi lợi ích nhóm đang bao phủ các vấn đề xã hội thì việc minh bạch hóa các vấn đề về quy hoạch, đầu tư là một quá trình đấu tranh lâu dài.

Một số khu đô thị đang được điều chỉnh quy hoạch

- Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư.

- “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” thuộc quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, khởi công năm 1997, diện tích 200ha (bao gồm 74ha hồ điều hòa), với quy mô dân số khoảng 25.000 người.

- Các khu đất của Công ty Dụng cụ số 1, Công ty dệt Minh Khai, Công ty cơ Khí Trần Hưng Đạo…

- Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM.

TS. Nguyễn Hữu Trí - Thành viên HĐQT Công ty VITEC Phương Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top