Aa

Cần thay đổi chính sách khi dân chê nhà tái định cư: Đền bù bằng tiền để dân chủ động

Thứ Tư, 05/09/2018 - 02:09

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách 372 hộ gia đình được mua nhà tái định cư nhưng chưa đến nhận nhà. Trước đó, 3 toà nhà tái định cư tại Sài Đồng (Long Biên) xây dựng xong hơn 10 năm nhưng các hộ dân không đồng ý nhận nhà khiến một doanh nghiệp đề xuất phá bỏ.

Khảo sát của PV Lao Động tại các khu nhà tái định cư cho thấy, chỉ sau vài năm dân vào ở, các căn hộ đã xuống cấp trầm trọng và phát sinh hàng loạt vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải nên xoá bỏ chính sách cấp nhà tái định cư mà thay vào đó khi đền bù đất cần tính theo giá thị trường để người dân chủ động lo cuộc sống.

Vào ở 10 năm, dân không sống nổi

Ghi nhận của PV Lao Động ngày 30.8 tại khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho thấy, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, nhiều người dân ở đây tỏ ra rất lo lắng nhà bất ngờ sụt lún đe dọa đến tính mạng, tài sản. Tại tòa nhà N6, hiện người dân đang phải sống chung với bể thoát nước thải lộ thiên hình thành do đường ống nước thải bị vỡ hỏng khiến nước thải chảy lênh láng ra đường.

Những ngày nắng nóng mùi bốc lên khủng khiếp. Những ngày mưa ruồi, muỗi bu đầy xung quanh khu vực này. Còn bên trong tòa nhà, tình trạng thang máy gặp sự cố, hỏng hóc cũng hay xảy ra.

Việc sửa chữa, duy tu, bão dưỡng cũng diễn ra hết sức chậm chạp khiến việc sinh hoạt, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Còn tại khu nhà tái định cư N5B Trung Hòa - Nhân Chính, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, hiện tường khu nhà tái định cư đã lở, rộp, bong tróc.

Xung quanh tòa nhà là rất nhiều quán nước, quán ăn… bủa vây, chiếm dụng, khiến cho khu tái định cư này trở nên lộn xộn, nhếch nhác, bẩn thỉu. Một trường hợp khác là chung cư OCT Bắc Linh Đàm - một trong những điểm tái định cư cũng đang xuống cấp, cỏ mọc và rong rêu khắp nơi, hệ thống PCCC han gỉ, không có vòi chữa cháy.

Bể thoát nước thải lộ thiên tại khu nhà N6 Khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Chí Vương

Bể thoát nước thải lộ thiên tại khu nhà N6 Khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Chí Vương

Nên bỏ nhà tái định cư

Nói về trách nhiệm tron việc đường ống nước thải bị vỡ nhưng không được khắc phục, lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cho rằng, là do công tác phối hợp chưa tốt, thậm chí có sự chậm trễ của Sở Xây dựng trong vấn đề này. “Thực trạng xuống cấp, bể phốt hư hỏng đã được Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội (đơn vị được giao quản lý, vận hành nhà tái định cư) khảo sát, rà soát báo cáo lên quận và Sở Xây dựng.

Quận Hoàng Mai cũng nhiều lần kiến nghị nhưng Sở Xây dựng chỉ đạo tiếp tục rà soát, phát sinh nhiệm vụ đẩy đi đẩy lại” - vị này nói.

TS Nghiêm Xuân Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội môi trường Đô thị và khu công nghiệp Việt Nam - cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với nhà tái định cư là bởi chất lượng xây quá kém, nhanh xuống cấp, hạ tầng xung quanh như cây xanh, sân chơi, trường học không được kết nối.

Còn TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết, việc người dân không tới nhận nhà tái định cư là bởi khi xây xong, dù chất lượng ra sao vẫn được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Việc giám sát không chặt chẽ nên chất lượng của các dự án này không được chú trọng, nhiều nơi đưa vào sử dụng chưa lâu đã có các dấu hiệu xuống cấp như thấm dột, có các vết nứt trên tường, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng.

“Cách tốt nhất cho vấn đề này là đền bù các hộ dân bị lấy đất theo giá thị trường để các hộ dân mua nhà theo nhu cầu của họ. Làm được việc này cũng khuyến khích sự phát triển của thị trường bất động sản Hà Nội” - ông Liêm nói.

Theo TS Nghiêm Xuân Đạt, có những trường hợp không phải dân chê nhà tái định cư mà họ không có nhu cầu ở thực. Cụ thể, có những hộ không có ý định đến ở, tuy nhiên quyền lợi được hưởng nhà tái định cư thì cứ nhận.

Sau đó sang chuyển nhượng cho những người khác khi có thỏa thuận. Ngoài ra, lý do dân chê có thể căn hộ đó không vừa ý, không đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng nên người ta từ chối. Thêm trường hợp chọn phương án chờ đợi chính sách bồi thường có thay đổi không.

Bàn về giải pháp giúp nhà tái định trở nên hấp dẫn hơn với người dân, mới đây UBND TP. Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.

Theo cơ chế này, thành phố sẽ tạo quỹ đất, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để xây dựng nhà ở tái định cư theo quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt.

Nhà đầu tư sau khi được giao đất để thực hiện dự án, được quản lý, vận hành, bảo trì công trình và được hưởng 10% lợi nhuận định mức hoặc được phép bán 20% quỹ nhà ra thị trường. Thành phố ký hợp đồng đặt hàng với nhà đầu tư.

Nhà đầu tư ký hợp đồng bán nhà, thu tiền người mua nhà. Sau 9 đến 12 tháng kể từ khi đủ điều kiện bố trí tái định cư, nếu thành phố chưa giới thiệu người được mua nhà thì nhà đầu tư được bán nhà ra thị trường để thu hồi vốn và nộp Tiền sử dụng đất theo quy định.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top