Aa

Cần thêm công cụ chính sách và tài chính thúc đẩy xanh hóa nhà ở bình dân

Thứ Tư, 31/07/2019 - 06:01

Cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp để cùng thúc đẩy sự phát triển xanh trong phân khúc nhà ở bình dân, cả về chính sách lẫn ưu đãi tài chính.

Những trở ngại khi làm nhà ở bình dân xanh

Thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân. Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính bất động sản… vẫn là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Trên thực tế, trong phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội, kiến trúc xanh và tiết kiệm năng lượng chưa thực sự được quan tâm. Cùng đó, yếu tố nhận thức và trách nhiệm xã hội của các đơn vị phát triển dự án cũng là rào cản khi lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. Câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất, đó là những trở ngại lớn nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển xanh tại phân khúc này là gì?

Ông Đỗ Viết Chiến

Ông Đỗ Viết Chiến

Tại Hội thảo: Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Capital House tổ chức ngày 26/7, với sự hỗ trợ và hợp tác chặt chẽ của Cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam, các chuyên gia đã chỉ ra những trở ngại và đề xuất giải pháp thúc đẩy xanh hóa nhà ở bình dân.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, phát triển công trình xanh cho phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình là một xu thế tất yếu cho Việt Nam nhằm hướng tới một tương lai phát triển bền vững của quốc gia. Thực tế, đầu tư công trình xanh đòi hỏi suất đầu tư cao hơn, vì vậy trong phân khúc nhà giá thấp và trung bình rất hiếm chủ đầu tư quan tâm tới vấn đề này. Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng như Capital House với việc áp dụng các giải pháp xanh vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp và trung bình rất đáng được biểu dương và nhân rộng mô hình.

“Nhìn rộng ra ở bình diện thị trường, vẫn còn những trở ngại, đặc biệt trong tư duy, nhận thức và chính sách phát triển công trình xanh cho nhà ở bình dân cần được khai mở. Khi hiểu được những kiến thức cơ bản về công trình xanh, các chủ đầu tư sẽ vượt qua được những rào cản về mặt kỹ thuật để hiện thực hóa các công trình xanh, đem lại lợi ích to lớn cho doanh nghiệp và cộng đồng. Hiểu đúng về công trình xanh, người dân cũng trở nên thông thái hơn trong việc mua nhà và đạt được những lợi ích thiết thực nhất cho bản thân và gia đình. Nhiều người vẫn nghĩ đầu tư công trình xanh là tốn kém, tuy nhiên, trên thực tế, nếu được tính toán thiết kế ngay từ đâu, chưa hẳn đã làm tăng thêm chi phí. Trong khi đó, người sử dụng công trình xanh sẽ được hưởng lợi trong suốt quá trình vận hành công trình”, ông Chiến nhấn mạnh.

Ông Trịnh Tùng Bách

Ông Trịnh Tùng Bách

Chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai dự án EcoHome 3 - “điểm sáng” trên thị trường nhà giá thấp năm 2019 khi đạt được chứng chỉ xanh EDGE, ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House cho rằng, thách thức trong đầu tư, phát triển dự án đến từ việc chi phí phụ trội cho áp dụng các tiêu chí xanh và hiệu quả kinh tế; không có hướng dẫn từ cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém; nhiều bộ tiêu chí chưa thống nhất áp dụng. Mặt khác, thách thức còn đến từ phía khách hàng khi nhận thức về công trình xanh còn hạn chế; lợi ích xác định không rõ rang. Ngoài ra, thị trường có quá nhiều dự án gắn mác công trình xanh để bán hàng nhưng thực tế lại “không hề xanh”.

Cần thêm những chính sách, chương trình ưu đãi dài hạn

Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đang phát triển, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của IFC cho rằng: Trên thế giới, có những công trình đắt mà không xanh và cũng có công trình xanh mà không đắt. Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại. Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%.

Ông Phong cũng đánh giá công tác hỗ trợ của các cấp có thẩm quyền chưa được triển khai nghiêm túc và đồng bộ trên cả nước. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể nào dành riêng cho lĩnh vực xây dựng "xanh" nói chung cũng như xanh hóa nhà ở bình dân nói riêng để khuyến khích đầu tư vào khu vực này. Hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng cũng chưa được hoàn thiện và nâng cấp cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và tương xứng với tiêu chí xanh quốc tế. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, chủ đầu tư và cán bộ thẩm tra còn tỏ ra khá thờ ơ và chưa có quan tâm đúng mức...

Ông Vũ Hồng Phong

Ông Vũ Hồng Phong

Chuyên gia của IFC cũng cho rằng, trong bối cảnh công trình xanh cho phân khúc nhà ở bình dân ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, sự tham gia và định hướng chính sách của Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hút, huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối tư nhân và nâng cao nhận thức, nhu cầu của người sử dụng nhà ở bình dân được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình xanh.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định, ngoài sự nhận thức và vào cuộc của các chủ đầu tư, để thúc đẩy phát triển những Công trình Xanh trong phân khúc này, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách, chương trình ưu đãi dài hạn về tín dụng, quỹ đất… để thúc đẩy các công trình xanh phát triển, góp phần kiến tạo cho người dân một cuộc sống tiện nghi hơn, môi trường sống chất lượng hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top