TS. Bùi Trinh: “Doanh nghiệp không khỏe, đời sống người dân khó khăn thì nền kinh tế khỏe sao được?”

TS. Bùi Trinh: “Doanh nghiệp không khỏe, đời sống người dân khó khăn thì nền kinh tế khỏe sao được?”

Thứ Hai, 14/11/2022 - 06:26

"Chỉ tiêu tăng trưởng GDP không phải là tiêu chí duy nhất để đo lường sức khỏe của nền kinh tế. Doanh nghiệp không khỏe, đời sống người dân khó khăn thì nền kinh tế khỏe sao được?", TS. Bùi Trinh đặt vấn đề.

*****

Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, và GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Thực tế những nốt trầm từ đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, đời sống người dân vẫn khó khăn, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn trầm luân trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu đầu vào leo thang và dòng vốn cho sản xuất kinh doanh hạn hẹp.

Trong khi đó, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta được nhận định khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với nền thấp của cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19. Đó là những điểm đáng mừng, đánh dấu sự nỗ lực của toàn bộ đất nước trong công cuộc phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Song, hiện tại người dân và doanh nghiệp vẫn đang loay hoay trong những nỗi lo sát sườn hằng ngày. Và mới đây, thông tin 1.200 công nhân ở TP.HCM phải nghỉ việc do công ty không đủ việc làm đã khiến dư luận không khỏi chạnh lòng. Đã qua thêm một năm khó khăn, việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống là điều không thể chậm trễ.

Để hiểu hơn về chỉ số GDP cũng như những vấn đề xung quanh tăng trưởng kinh tế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Trinh - chuyên gia am hiểu hàng đầu về lĩnh vực thống kê tại Việt Nam.

GDP tăng nhưng doanh nghiệp và người dân vẫn khó khăn 

PV: Tổng cục Thống kê báo cáo, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, và GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. Ông có nhận xét gì về những con số này?

TS. Bùi Trinh: Chỉ số GDP không phản ánh hết toàn bộ nền kinh tế. Thậm chí tăng trưởng GDP càng cao thì nguồn lực kinh tế của Việt Nam càng giảm.

Từ năm 1993, Việt Nam đã áp dụng Hệ thống các tài khoản Quốc gia (SNA) của Liên Hợp Quốc thay thế hệ thống các bảng cân đối vật chất (MPS) mà trước đây áp dụng. Hệ thống các tài khoản quốc gia có nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chứ không riêng gì GDP. Sau GDP có tổng thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI), tiết kiệm (Saving) sẽ phản ánh toàn diện hơn sức khỏe của nền kinh tế. 

Trong đó, chỉ tiêu tiết kiệm mới là yếu tố quan trọng, thể hiện nguồn lực cũng như phản ánh đúng nhất sức khỏe của nền kinh tế. Về nguyên tắc, tổng thu nhập của các khu vực gồm thu nhập từ sản xuất, thu nhập từ sở hữu và thu nhập từ chuyển nhượng. Phần tiết kiệm là tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng cuối cùng, là nguồn cơ bản để đầu tư.

Tuy nhiên, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chi trả sở hữu ra nước ngoài năm 2021 lên đến 17 tỷ USD. Nếu không nhờ lượng kiều hối để cân bằng lại thì thu nhập quốc gia khả dụng và tiết kiệm sẽ ngày càng nhỏ lại. Khi nguồn lực tiết kiệm nhỏ đi, để phát triển đất nước buộc phải vay, in tiền. Cũng theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng của luồng tiền ra cao hơn tốc độ tăng trưởng của GDP khoảng 10%, khi FDI chuyển tiền ra rõ ràng làm cho khoản tiết kiệm nhỏ đi. Do đó, ngoài GDP phải thận trọng xét đến các yếu tố khác.

Quan sát thực tế, cứ gần Tết, việc đào đường, lấp đường làm chi phí đầu vào tăng, cũng làm tăng GDP nhưng giá trị con đường ấy không bằng con đường cũ. Việc xây cổng chào, tượng đài cũng làm tăng GDP nhưng không có ý nghĩa gì vì không tham gia vào sản xuất. Trong khi, sức khỏe của doanh nghiệp và đời sống người dân mới là những vấn đề liên quan thiết thực hơn đến tăng trưởng kinh tế.

PV: Vâng thưa ông, vừa rồi có thông tin về 1.200 công nhân ở TP.HCM mất việc do công ty phải thu hẹp sản xuất, có doanh nghiệp thì cho công nhân nghỉ Tết sớm vì hết đơn hàng, nhiều hoạt động của doanh nghiệp đình trệ vì thiếu vốn. Trong suy nghĩ đơn giản của một người dân bình thường, GDP tăng nghĩa là kinh tế tăng trưởng, phát triển đi lên nhưng tại sao thực tế cả doanh nghiệp lẫn người dân đều đang rơi vào cảnh khó khăn như vậy?

TS. Bùi Trinh: Đây là dấu hỏi lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam đang trầm luân, nhưng dự kiến GDP Việt Nam cả năm 2022 đạt khoảng 8% so với mục tiêu 6 - 6,5% ban đầu. Doanh nghiệp khó khăn, thiếu vốn sản xuất - kinh doanh, không có đơn hàng, thậm chí dừng hoạt động, người lao động thất nghiệp, thì tăng trưởng vào đâu? Tuy nhiên, như tôi đã nói, GDP là chỉ tiêu ban đầu.

Nghịch lý không chỉ ở vấn đề tăng trưởng mà còn ở chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Mỗi khi CPI được công bố, người tiêu dùng lại nhận thấy áp lực giá cả thực tế dường như lớn hơn. Thu nhập người dân không đủ chi tiêu dẫn đến vay tiêu dùng tăng lên. Việc vay tiêu dùng có thể giúp cho GDP tăng trưởng. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến nguồn lực ngày càng yếu đi và kèm theo rủi ro lạm phát, nợ xấu.

Chúng ta đã thực hiện chính sách quản lý cầu nhiều năm dài, điều này khiến rủi ro ngày càng tăng trong tương lai do nguy cơ lạm phát và thâm hụt thương mại trầm trọng hơn đối với khu vực kinh tế trong nước. Chính sách quản lý cầu dẫn đến việc tập trung can thiệp vào hai công cụ chính là tài khóa và tiền tệ khiến nền kinh tế rơi vào vòng tròn luẩn quẩn hết lạm phát lại đến suy thoái. Trong đó, việc quản lý tiền tệ bằng cách đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng lên quá cao như hiện nay đang khiến dòng tiền không chảy đúng hướng vào sản xuất và không thúc đẩy kinh tế phát triển như mong muốn.

Nên tôi vẫn cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GDP hiện nay không thể lấy làm tiêu chí duy nhất để đánh giá hoặc đo lường sức khỏe của nền kinh tế. Doanh nghiệp không khỏe, đời sống người dân khó khăn thì nền kinh tế khỏe sao được? Việc minh bạch những con số vĩ mô để phản ánh thực sự nền kinh tế là rất quan trọng, từ đó chúng ta mới đưa ra được giải pháp phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng, sát sườn hơn là tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp và nâng cao đời sống người dân hiện nay.

PV: Đúng là doanh nghiệp các lĩnh vực đều đang thiếu vốn. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công được xem là động lực lan tỏa tăng trưởng kinh tế, nhưng cho đến thời điểm này, chỉ còn 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2022 nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

TS. Bùi Trinh: Trong hai năm 2021 - 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sau 10 tháng đầu năm lần lượt là 64,44% và 55,8% kế hoạch năm. Có tiền mà không tiêu được là một nghịch lý theo tư duy phát triển kinh tế thông thường. Còn đầu tư công ở Việt Nam thực chất chưa hiệu quả, nên tỷ lệ giải ngân này theo tôi là không quan trọng.

Ở Việt Nam cũng không có chỉ tiêu vốn (Capital Stock) mà chỉ có vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản (Gross Capital Formation). Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tích lũy gộp tài sản Việt Nam luôn nhỏ hơn vốn đầu tư. Như vậy có thể thấy đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước tạo ra rất ít tăng trưởng.

Bên cạnh đó, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và các nước công nghiệp mới nổi trong cùng một giai đoạn. Giai đoạn 2010 - 2015, chỉ số này tương đương với khu vực FDI nhưng giai đoạn 2016 - 2021 đã tăng lên 9,4. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam khá thấp, thậm chí không tác động mấy đến nền kinh tế.

Đầu tư không hiệu quả, nghĩa là đầu tư quá mức và đầu tư không cần thiết là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI và nợ nần, do tổng tiết kiệm quốc gia (Gross National Saving) thiếu hụt so với lượng đầu tư. Khoảng cách giữa tiết kiệm quốc gia với đầu tư và tích lũy tài sản ngày càng lớn. Số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê có đến năm 2020 cho thấy, năm 2020 vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2,16 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước khoảng 729.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 33,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tuy nhiên, cũng theo Niên giám và trang web của Tổng cục Thống kê, khoản tiền 2,16 triệu tỷ đồng chỉ tạo ra khoảng 1,7 triệu tỷ đồng tài sản cố định và tài sản lưu động, tức là chỉ khoảng 78,5% khoản tiền xã hội bỏ ra đi vào sản xuất.

Thậm chí, khi đầu tư công đi vào những công trình như cổng chào, tượng đài, đào đường lên rồi lấp đường, hay đi vào những công trình xây dựng mà không sử dụng, những dự án treo… có thể làm tăng GDP ngay tại thời điểm đó nhưng không có lan tỏa đến chu kỳ sản xuất tiếp theo. Thay vì bỏ ra lượng tiền lớn để đầu tư công không hiệu quả, chúng ta nên giảm bớt can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Giảm bớt can thiệp hành chính vào hoạt động của nền kinh tế

PV: Vậy theo ông, phải làm gì để đầu tư hiệu quả?

TS. Bùi Trinh: Phải công khai và minh bạch hóa thông tin về đầu tư nói chung và từng dự án đầu tư Nhà nước nói riêng. Sau đó, chỉ định cơ quan đầu mối phối hợp và chịu trách nhiệm cuối cùng trong kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của các dự án này.

Cũng phải rà soát lại tất cả các dự án đang thực hiện hoặc trong quy hoạch, phân loại dự án theo thứ tự ưu tiên thực hiện, loại bỏ các dự án hiện không còn đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Đánh giá ưu tiên thực hiện theo ngành, lĩnh vực, trước hết là dự án kết cấu hạ tầng giao thông như tập trung vốn cho các dự án tại đầu nút giao thông lưu chuyển hàng hóa của khu kinh tế trọng điểm, dự án kết nối vùng kinh tế trọng điểm với các địa phương, vùng kinh tế khác.

PV: Còn giải pháp sát sườn cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại là gì, thưa ông?

TS. Bùi Trinh: Nên hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào sự vận hành của nền kinh tế, kìm hãm sự phát triển, gây phiền hà cho doanh nghiệp và sách nhiễu người dân.

Thay vì bỏ ra lượng tiền lớn đầu tư công không hiệu quả, thì bỏ bớt nghị định, chỉ thị, thông tư làm cho hiệu quả đầu tư giảm sút nghiêm trọng như giai đoạn vừa qua; bỏ những chính sách tùy tiện làm doanh nghiệp khó khăn chồng khó khăn.

Đây mới là sự lưu tâm thiết thực nhất đến những gánh nặng mà doanh nghiệp đang hứng chịu khi chi phí cho hoạt động thanh tra, kiểm tra khá lớn. Hơn nữa, còn tác động đến tâm lý doanh nghiệp và những đối tượng liên quan, nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Về dòng vốn thì phải điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn tử tế. Vốn cần đến tay người cần kinh doanh, vốn cần cứu giúp doanh nghiệp đang khó khăn, bù đắp nợ nần để cho doanh nghiệp yên tâm hoạt động, tạo công ăn việc làm, tạo giá trị cho xã hội, cũng là nâng cao đời sống người dân. 

Đồng thời, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, dầu. Các sản phẩm đầu vào đương nhiên phụ thuộc vào giá thế giới và chính sách thuế. Giá thế giới thì khó hoặc không thể can thiệp hay kiểm soát, do đó chỉ có thể giải quyết bằng chính sách thuế trong nước.

PV: Theo ông, vấn đề cần lưu ý trong điều hành kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và 2023 là gì?

TS. Bùi Trinh: Nếu hướng đến các chính sách mang tính trọng cung thì phải hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào sự vận hành của nền kinh tế như tôi đã nói. Mọi sự can thiệp về mặt hành chính trong điều hành kinh tế vĩ mô sẽ dẫn đến lệch lạc trong cấu trúc kinh tế. Sẽ không có một mô hình nào trong phân tích và dự báo đúng trong một nền kinh tế giá cả là quyết định của nhân vật không liên quan đến thị trường.

Việc của nhà điều hành là tiếp tục thúc đẩy động lực đầu tư của người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp dựa trên động cơ lợi nhuận được nâng cao. Chính phủ không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, mà còn cần tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho thành phần kinh tế cá thể để nâng cao đời sống từng hộ gia đình.

Xét về ngành, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ dựa trên nguyên tắc ngành có mức lan tỏa đến giá trị gia tăng cao (tổng giá trị gia tăng + thuế sản phẩm - trợ cấp = GDP), lan tỏa đến lao động cao, phát thải ra môi trường thấp, lan tỏa đến nhập khẩu thấp, trong đó có nhóm ngành dịch vụ như kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà hàng, giao thông, viễn thông, ngân hàng, giáo dục đào tạo.

Một vấn đề nữa là cần dẹp bỏ vấn nạn tham nhũng, lợi ích cục bộ, sẽ tốt cho tất cả mọi ngành chứ không riêng gì cho bất động sản, thương mại hay công nghiệp. Cấu trúc kinh tế hợp lý, sử dụng hiệu quả đồng vốn và đầu tư đúng chỗ là những tiêu chí rất quan trọng để có thể lạc quan với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP. 

PV: Xin cảm ơn ông! 

Thu Ngà
Thế Công

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top