Aa

Cần Thơ muốn xây dựng thành phố sân bay lớn gấp đôi Long Thành

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Hai, 12/06/2023 - 08:43

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị các Bộ ngành ưu tiên tham mưu cho Chính phủ chấp thuận đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng sân bay Cần Thơ. Từ đó, làm cơ sở quy hoạch thành phố sân bay quy mô khoảng 10.000 ha.

Thông tin này được ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Cần Thơ kiến nghị, tại Diễn đàn “Triển vọng đầu tư xây dựng hạ tầng - phát triển kinh tế Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” diễn ra vào chiều 10/6.

Đây là Diễn đàn chuyên sâu nhằm đưa ra những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về toàn cảnh bức tranh kinh tế khu vực ĐBSCL, góp phần tìm ra giải pháp, tạo động lực phát triển bền vững kinh tế vùng và kết nối giữa khu vực với toàn bộ các tỉnh phía Nam.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì Diễn đàn, cùng sự có mặt của nhiều lãnh đạo các tỉnh khu vực ĐBSCL như Bạc Liêu, Bến Tre, Long An, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long... Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đại diện các Bộ ngành, ngân hàng, chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước...

Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề xuất với các Bộ ngành ưu tiên tham mưu trình Chính phủ xem xét chấp thuận sớm đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ đạt chuẩn cấp vùng/cấp khu vực  kết hợp xây dựng thêm Cảng Cargo Logistcs. Kiến nghị này nhằm phục vụ hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, phù hợp Quy hoạch hệ thống cảng hàng không quốc gia, đây là điều kiện tiên quyết để thành phố làm cơ sở quy hoạch thành phố Sân bay với quy mô diện tích khoảng 10.000ha.

Ông Trần Việt Trường cũng kiến nghị các Bộ ngành “quan tâm phối hợp hỗ trợ hướng dẫn TP Cần Thơ thực hiện rốt ráo thủ tục thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Quốc hội để thành phố tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm sớm mời gọi nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP Cần Thơ kiến nghị Bộ ngành chú trọng đầu tư xây dựng phát triển Cảng biển Quốc tế tại thành phố Cần Thơ phù hợp theo quy hoạch hệ thống cảng biển quốc gia và hỗ trợ hướng dẫn quy trình, tiêu chí xây dựng Trung tâm Logistics vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ.

Đồng thời, TP Cần Thơ đề xuất cho phép xây dựng dự án “Kết nối đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ và đầu tư xây dựng Đường cao tốc trên cao”, vì hiện tại ĐBSCL chỉ có trục chính Quốc lộ đường bộ, các địa phương trong vùng đang trên đà phát triển, lượng xe lưu thông trên đường ngày càng nhiều, đặc biệt ĐBSCL là vùng sông nước với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Cho nên, việc xây dựng Đường cao tốc trên cao là rất phù hợp và mang tính cấp thiết. Ngoài ra, đề nghị Bộ Xây dựng ghi nhận đề xuất này của TP Cần Thơ để tổng hợp trình Chính phủ cho chủ trương”.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Hữu Lễ

Theo báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có vị thế hết sức quan trọng và có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Mục tiêu đến năm 2030 của khu vực này là mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 phải đạt khoảng 6,5 - 7% /năm. Đây là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để khai thác và phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng và của các địa phương trong vùng trong thời gian tới.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 13 địa phương ĐBSCL đã xây dựng nhiều đề xuất dự án với tổng mức đầu tư hơn 94.000 tỷ đồng. Hầu hết các dự án này là dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển bền vững vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu (Mekong DPO).

Sở hữu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo, bất động sản, logicstic, công nghiệp... nếu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, thì khu vực ĐBSCL sẽ có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, gắn kết với liên kết vùng miền.

Song song đó, Chính phủ đang có những động thái đánh thức tiềm năng khu vực này bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ và kết nối ĐBSCL, nâng cấp các đô thị hiện hữu…

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quyết định số 110/QĐ-BXD về Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/06/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/04/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những giải pháp quan trọng…

Ông Tạ Quang Vinh – Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật trình bày tham luận.

Ban tổ chức kỳ vọng Diễn đàn với sự góp ý của các chuyên gia, các nhà quản lý, doanh nghiệp và lãnh đạo địa phương sẽ phân tích các góc nhìn về thách thức, bất cập trong phát triển kinh tế Vùng; đồng thời tổng hợp các giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển hạ tầng, cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, tính minh bạch về pháp lý dự án… tạo động lực phát triển kinh tế bứt phá cho Đồng bằng Sông Cửu Long trong giai đoạn mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top