Aa

Cần thực hiện nghiêm túc 4 Công điện rất quyết liệt, kịp thời của Thủ tướng

Chủ Nhật, 18/12/2022 - 06:26

Ý kiến chuyên gia nhận định Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 công điện rất quyết liệt và kịp thời về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế...

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới. 

Đồng thời trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế...

Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào có thể tác động tới các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Các ý kiến cũng dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt năm 2023 và trong những năm tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu tới hạn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

4 công điện của Thủ tướng đã giúp tăng thêm niềm tin và kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của các doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đặc biệt nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả 4 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp bảo đảm thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh, an toàn, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ vướng mắc, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. 

Ông cho rằng đây là những chỉ đạo rất kịp thời và quyết liệt của Thủ tướng, hướng tới phát triển các lĩnh vực này phát triển theo hướng "minh bạch, thị trường và chuyên nghiệp".

Trong ngắn hạn, ông đề nghị cần tiếp tục củng cố niềm tin cho thị trường và các nhà đầu tư, với các thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mọi chủ thể, xử lý dứt điểm các sai phạm vừa qua. Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng phải chia sẻ rủi ro với nhau. 

Cùng với đó, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các nguồn vốn, đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt là huy động nguồn vốn tăng trưởng xanh từ quốc tế…

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM khẳng định 4 công điện của Thủ tướng đã giúp tăng thêm niềm tin và kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực của các doanh nghiệp.

Song ông cho rằng, bên cạnh những chính sách của Nhà nước, các doanh nghiệp phải thấy trách nhiệm của mình trước những khó khăn của thị trường và thời gian qua, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực.

Trong đó, ông nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp phải có giải pháp để giảm giá nhà ở một cách thực chất và chuyển hướng, cơ cấu lại sản phẩm để hướng về nhu cầu thật, bên cạnh nhà cho những người giàu thì cũng phải phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Văn Sinh cũng nhận định 4 công điện của Thủ tướng là rất quan trọng và việc triển khai công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ thời gian tới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phát biểu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Củng cố niềm tin, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu tới hạn, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư. 

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng cho hay, Bộ đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, trong đó có quy định về nhà đầu tư, nhằm củng cố niềm tin thị trường, đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Liên quan tới nội dung này, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc HDBank cam kết góp phần thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hưởng ứng lời đề nghị, kêu gọi của Thủ tướng tới các ngân hàng thương mại.

Phó Tổng Giám đốc HDBank nêu 2 định hướng chính bao gồm: Thứ nhất, nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay. Thứ hai, chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá vượt qua nhiều khó khăn, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn phục hồi mạnh mẽ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

"Dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam"

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá vượt qua nhiều khó khăn, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm, nền kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng GDP ước đạt 8%, thu ngân sách vượt dự toán, vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, các tổ chức quốc tế tiếp tục dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam.

Trước tình hình khó khăn, Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chủ động ban hành các chính sách, góp phần vào những thành tựu của năm 2022 và chuẩn bị nền tảng cho năm 2023.

"Quốc hội sẽ tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nhằm phát triển đồng bộ các loại thị trường, khơi thông các nguồn lực, trong đó có việc xem xét, thông qua một số luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quốc hội cũng sẽ tổ chức kỳ họp bất thường vào đầu tháng 1/2023 với nhiều vấn đề quan trọng như quy hoạch tổng thể quốc gia, dự thảo Luật Khám chữa bệnh sửa đổi, các cơ quan đang gấp rút chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này, đáp ứng mong mỏi của cử tri, người dân và doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung trong định hướng điều hành, các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023 và thời gian tới, trong đó tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu quốc tế tham dự phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định kinh tế châu Á tiếp tục đà phục hồi nhưng yếu đi, cùng với nguy cơ lạm phát do giá lương thực tăng cao, giá dầu tuy giảm so với đầu năm nhưng vẫn ở mức cao, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao.

Ông Andrew Jeffries nhấn mạnh nhiều kết quả của kinh tế Việt Nam như xuất khẩu bùng nổ với mức tăng xuất khẩu 13% trong 11 tháng đầu năm, giải ngân FDI cao nhất trong 5 năm, tiêu dùng nội địa tăng 17,5% so với cùng kỳ, du lịch nội địa đạt gần 100 triệu lượt trong gần 11 tháng. 

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất kịp thời và dứt khoát trong cuối năm 2022; đồng thời, hiện không có nhiều lo ngại về hệ thống tài chính nói chung, song có những rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.

Ông cho biết ADB điều chỉnh dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,5% và có thể đạt mức 8% trong năm 2022, đồng thời lưu ý một số vấn đề từ tác động bên ngoài và nội tại nền kinh tế.

Với năm 2023, ông Andrew Jeffries cho rằng Việt Nam cần cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng. 

"Với nền tảng kinh tế lành mạnh và khả năng lãnh đạo mạnh mẽ, Việt Nam có thể đối đầu những cơn gió ngược trong năm 2023, triển vọng của kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực trong trung, dài hạn và sự tìm đến của dòng vốn FDI là một lá phiếu tín nhiệm với Việt Nam", ông Andrew Jeffries nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top