Rủi ro từ môi trường quốc tế
Thời gian gần đây, có rất nhiều diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, như vấn đề xung đột tại Trung Đông có khả năng leo thang đẩy giá dầu tăng cao, hay lạm phát cũng như lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở mức cao.
Đặc biệt, lãi suất trên thị trường tiền gửi, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và giá trị đồng USD cũng tăng, từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá, lãi suất và phần nào ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam cuối năm nay, dẫn đến vấn đề cuối cùng là thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống.
Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung quan sát nhiều hơn vào thị trường Mỹ, trong đó có lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ ở các kỳ hạn 2 năm, 10 năm và 30 năm. Nếu lợi suất trái phiếu cao, thì những đợt phát hành mới của Bộ Tài chính Mỹ cũng sẽ gặp nhiều vấn đề.
Hiện Mỹ đang thâm hụt ngân sách kỷ lục nên phải có kế hoạch vay tiền nhiều hơn. Đến hiện tại, con số khá đáng báo động khi chỉ số nợ công/GDP của Mỹ ở mức khoảng 138%, trong khi nợ công/GDP của châu Âu chỉ xấp xỉ 82-83%.
Ở Việt Nam tỷ lệ này đang tốt hơn rất nhiều, nhưng Mỹ là một quốc gia có đặc quyền vì USD là đồng tiền của họ. Mặc dù vậy, do Mỹ mở rộng bảng cân đối hay vay cho các chương trình nới lỏng định lượng quá nhiều, thì đã đến lúc quốc gia này phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo góc nhìn của tôi, nếu trái phiếu Chính phủ nhất là ở những kỳ hạn dài tiếp tục vượt lên trên mức 5% sẽ là vấn đề lớn đối với thị trường, vì thông thường trái phiếu Chính phủ được coi là tài sản phi rủi ro, hoặc rủi ro rất thấp và là cơ sở định giá cho nhiều cổ phiếu.
Đây là những tín hiệu mang tính chất dẫn dắt, chúng ta phải quan sát từ thị trường quốc tế đến thị trường Việt Nam thì mới có thể nhận thức được những vấn đề gì đang diễn ra tại Việt Nam. Có thể thấy trong những phiên gần đây, chỉ số Dow Jones có mức độ sụt giảm mạnh và liên tục. Cho nên ở thời điểm này rất khó để tự tin về sự tăng giá của chỉ số VN-Index do còn nhiều vấn đề đến từ môi trường quốc tế.
Cẩn trọng tỷ giá, lãi suất tăng
Nhìn sang thị trường lãi suất Việt Nam đã tăng trưởng cả ở kỳ hạn qua đêm, một tuần lẫn kỳ hạn dài. Nếu các nhà đầu tư tập trung vào trái phiếu Chính phủ Việt Nam 10 năm thì sẽ đòi hỏi một lợi tức cao hơn, vì vậy chúng ta sẽ thấy áp lực với tỷ giá vẫn còn.
Mặc dù tỷ giá trên thị trường “chợ đen” có tốc độ tăng trưởng bình thường, nhưng tỷ giá do ngân hàng thương mại bán ra trong thời gian vừa qua đã tiếp tục tăng. Đây vẫn là giai đoạn mà các nhà đầu tư phải quản trị danh mục chặt chẽ.
Đối với thị trường Việt Nam, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng mạnh ở các kỳ hạn chủ chốt, như kỳ hạn qua đêm (có khối lượng giao dịch lớn nhất), hay những kỳ hạn dài hơn như một tuần, hoặc một tháng đều tăng, có nghĩa là thanh khoản trên thị trường cần phải hết sức lưu ý.
Khi tỷ giá và lãi suất VND cùng tăng, thì lạm phát của Việt Nam trong năm sau sẽ là vấn đề lớn. Tuy nhiên thời điểm nào lạm phát tăng chúng ta mới bàn đến việc có thay đổi chính sách tiền tệ hay không.
Trong mô hình tính toán của AFA Capital, năm nay, lạm phát sẽ ở trong vùng khoảng 3,5% đến dưới 4%, trừ khi có những biến cố vô cùng lớn như xung đột tại Trung Đông đẩy giá dầu lên rất cao khiến chúng ta bị ảnh hưởng.
Chúng tôi nhìn nhận, đến thời điểm này dư địa để Việt Nam hạ lãi suất điều hành gần như bằng 0. Thực tế lãi suất điều hành và lãi suất chung của cả nền kinh tế là hai vấn đề khác. Bởi vì ngay cả khi hạ lại suất điều hành mà không đẩy tín dụng ra hoặc người dân không đẩy tiền vào hệ thống ngân hàng, thì chúng ta cũng không điều tiết được tín dụng, cũng như tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động cho nền kinh tế.
Riêng lãi suất trên thị trường hai thông qua các hoạt động bơm hút thông thường của Ngân hàng Nhà nước để giảm áp lực cho tỷ giá là việc có thể sẽ xảy ra. Điều chúng ta cần lưu ý khi đầu tư vào cổ phiếu là nhà đầu tư nên quan tâm đến thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ, vì đây là chỉ số vô cùng quan trọng thể hiện rõ kỳ vọng của mọi người về lợi suất trong nền kinh tế như thế nào./.
Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital