Aa

Cẩn trọng với dự án phân lô tách thửa

Chủ Nhật, 19/07/2020 - 13:30

Phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, tách thửa đất do cá nhân đứng tên rồi gắn mác dự án để bán… là những chiêu thức đã xuất hiện tại nhiều nơi ở tỉnh Lâm Đồng.

Trên địa bàn TP. Đà Lạt, nhiều khu đất nông nghiệp được chủ đất làm đường đấu nối và phân lô bán nền. Những người mua đất dạng này thường là dân đầu tư hoặc người dân có nhu cầu xây nhà ở nhưng hạn chế về tài chính. Tuy nhiên, rủi ro họ phải đối mặt là mua nhầm đất nông nghiệp không thể chuyển mục đích để xây dựng nhà ở.

Theo thống kê của UBND phường 5, TP. Đà Lạt, trên địa bàn hiện có 6 khu vực (10 vị trí) người dân tự phân lô, xây dựng lối đi khi chưa nhận được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, cá biệt có những trường hợp phân ra tới 80 lô trên diện tích hàng ngàn mét vuông.

“Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, UBND phường đã tổ chức cắm 15 biển cảnh báo tại những khu vực “nóng” để người dân nắm thông tin. Trong đó, UBND phường đã giải tỏa nhiều khu vực phân lô, làm đường bê tông nội bộ trên đất nông nghiệp…”, Chủ tịch UBND phường 5 Nguyễn Như Việt cho biết.

Một địa bàn khác cũng nóng tình trạng phân lô trái phép là huyện Đạ Huoai. Ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai xác nhận, hầu hết các dự án quảng cáo rầm rộ trên địa bàn huyện thời gian qua đều không có thực. Ngành chức năng huyện đang tích cực vào cuộc xử lý và tuyên truyền cho người dân nâng cao hiểu biết nhằm hạn chế thiệt hại, tiền mất, tật mang.

Thậm chí tại địa bàn xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm còn xuất hiện nhiều dự án phân lô, bán nền trái phép ngay trên đất trồng rừng. Những dự án này được quảng cáo rất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng góp vốn đầu tư thuê đất rừng để làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Có đơn vị tại TP.HCM còn tổ chức đưa khách lên vùng rừng thuộc xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm để giới thiệu sản phẩm, mở bán, giữ chỗ, đặt cọc...

Điển hình của việc phân lô đất rừng là “dự án” Lâm Đồng Farmstay theo mô hình trang trại kết hợp nghỉ dưỡng homestay (ở xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Dự án này được chia làm 7 phân khu, trong đó, phần diện tích trang trại 128,6ha được phân thành 138 lô, mỗi lô rộng khoảng 5.000m2. 

Theo tìm hiểu, khu vực này thuộc dự án đầu tư "Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng thử nghiệm cây cao su, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi gia súc", đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Đại Hải ngày 8/5/2008, thời gian thuê 50 năm.

Để tạo niềm tin và thu hút khách hàng, nhiều công ty môi giới đã đặt tên dự án cho các khu đất, nhưng thực chất chỉ là đất phân lô của cá nhân. Trong đó, có những “dự án” được quảng cáo rất hoành tráng, quy mô lớn. 


Những dự án “ma” được rao bán nhan nhản tại Lâm Đồng

Theo Báo cáo số 655/BC-TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ huoai, hiện nay trên mạng xã hội có đăng tải họa đồ tổng thể mặt bằng quy hoạch phân lô khu đất cụm công nghiệp Đạ Oai kèm theo danh sách phân lô, khu biệt thự… diện tích từ 105-875 m2/lô, giá rao bán trên 300-900 triệu đồng/lô. Chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Lâm Đồng do ông Bùi Quang Hải làm tổng giám đốc.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan này xác định khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trung Thành và vợ Trần Thị Ngọc Nhật (địa chỉ 207-NC2 khu đô thị mới Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) diện tích 111.336m2 loại đất nông nghiệp gồm 71 thửa, thuộc tờ bản đồ số 18 và 30 vị trí tại thôn 4 xã Madagui. Huyện đã liên hệ với ông Nguyễn Trung Thành và được biết ông không chuyển nhượng đất cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào và cũng không phân lô bán nền.

Bên cạnh đó, hàng loạt khu đất tách thửa cũng được đặt tên và quảng cáo theo kiểu dự án như: Đambri Hill Village, Đambri Ecovill, Kiwami Village, Sakura Village…

Các chuyên gia cho rằng, việc môi giới quảng cáo đất tách thửa thành dự án nhằm mục đích tăng lòng tin với khách hàng. Thực tế, việc triển khai dự án được các cơ quan chức năng giám sát và kiểm soát chặt về mặt thi công đảm bảo thiết kế, chất lượng, nhưng tại các khu tách thửa thì những vấn đề này vẫn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần cảnh giác trước tình trạng các dự án đặt tên có chỉ dẫn địa lý Bảo Lộc, nhưng thực tế khu đất nằm ở huyện Bảo Lâm.

Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, việc rao bán các dự án trên địa bàn tỉnh thời gian qua có trường hợp là dự án thật, nhưng nhằm thu hút đầu tư nên doanh nghiệp lấy tên thương mại khác hay hơn để quảng cáo; bên cạnh đó cũng có những dự án không có thật. Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành chức năng huyện, thành phố vào cuộc điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top