Aa

Cần có chính sách ưu tiên đất đai cụ thể, rõ ràng đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Bảy, 10/06/2023 - 11:35

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đa số đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã rất nỗ lực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng hơn tại kỳ họp thứ 5 này.

Thảo luận tại tổ, một số đại biểu quan tâm góp ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất; bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Quàng Văn Hương đề nghị đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất. (Ảnh: quochoi.vn)

Quan tâm đến chính sách tài chính liên quan đến đất đai, đại biểu Quàng Văn Hương (đoàn Sơn La) cho rằng cần thiết kế cơ chế tài chính cho phép mở rộng đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo Nghị định số 45 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Theo đó, bổ sung các trường hợp được tặng cho, nhận quyền sử dụng đất.

"Chúng tôi đề nghị mở rộng chính sách này sẽ giải quyết được câu chuyện mua đất nông nghiệp và nhà nước cho phép miễn giảm tiền sử dụng đất, mở rộng chính sách, thế mới đảm bảo tính khả thi. Còn chờ nhà nước thu hồi đất rồi mới giao cho đồng bào thì sẽ không có quỹ đất", đại biểu Hương nói.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 17 về trách nhiệm quản lý của nhà nước đối đất của đồng bào dân tộc thiểu số quy định: “Có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho biết, nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp phạm vi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đối với đất ở. Việc điều chỉnh này là hợp lý, tuy nhiên về chính sách đối với đất ở đồng bào dân tộc thiểu số chỉ áp dụng với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa thực sự phù hợp.

Theo đại biểu Tráng A Dương, trong thực tế chỉ có các xã khu vực I bước đầu phát triển hoặc xã nông thôn mới cơ bản đủ đất sinh hoạt cộng đồng, còn nhiều xã khu vực II chưa đủ đất sinh hoạt cho cộng đồng, do đó nếu không có ưu tiên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện đối với địa bàn này.

Đại biểu Tráng A Dương đề nghị quan tâm tới đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: quochoi.vn)

Tại khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Có chính sách ưu tiên cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có đất để sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với trường hợp chưa được giao đất để sản xuất; Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức.

Góp ý về quy định này, đại biểu Tráng A Dương cho rằng, nội dung này đã được chỉnh lý đối tượng chính sách từ sản xuất trực tiếp nông nghiệp ở nông thôn có sản xuất nông nghiệp, thành cá nhân thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghĩa là phạm vi từ khu vực nông thôn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thu hẹp các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhưng Chính phủ không lý giải được nguyên nhân tại sao trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách không đề cập đến nội dung này.

Đại biểu Tráng A Dương cho biết thêm, trong thực tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và hộ gia đình, cá nhân thuộc diện nghèo là đối tượng cần được ưu tiên hỗ trợ đất sản xuất. Nếu địa phương mà không còn quỹ đất để tạo sinh kế thu nhập ổn định đời sống, theo đại biểu, với nội dung chỉnh lý trong Dự thảo Luật, đối tượng hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số tại các xã khu vực 1, khu vực 2 sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất.

Theo đó, đại biểu đề nghị chỉnh lý theo hướng: Ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, nên thiết kế một điều quy định riêng về chính sách ưu tiên đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt là chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với mục đích sản xuất.

Đây là một chính sách quan trọng, thể hiện đường lối lãnh đạo của Đảng về chính sách dân tộc ở nước ta, tuy nhiên, do đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng và cũng kèm theo nhiều yếu tố phức tạp, do đó, đề nghị dự thảo Luật cần ghi cụ thể, rõ ràng chính sách này, nếu chỉ chung chung thì sẽ rất khó thực hiện.

đại biểu quốc hội nguyễn thị mai thoa
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa: "Chúng ta đang tập trung phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến vấn đề văn hóa là rất cần thiết". (Ảnh: quochoi.vn)

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương, đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào khoản 1, điều 17 và nội dung tại điều 120 liên quan đến bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Chúng ta đang tập trung phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến vấn đề văn hóa là rất cần thiết", bà Thoa nói.

Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị rà soát, thiết kế lại Điều 17 theo hướng khoản 1 quy định chính sách về đất cho cộng đồng và khoản 2 quy định chính sách về đất cho hộ gia đình, cá nhân. Giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật như khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chính sách ưu tiên về đất ở đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157. Kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chỉnh sửa khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật để quy định về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo và chỉnh lý đồng bộ khoản 2 Điều 49; đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm hạn mức giao đất sản xuất nông nghiệp đất lâm nghiệp cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khuyến khích các hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống sản xuất nông nghiệp, nhận giao khoán quản lý bảo vệ rừng, hạn chế được tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép do thiếu đất sản xuất.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu tại tổ, ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Với đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đa phần bà con sinh sống ở vùng núi, vùng sâu xa, đất sản xuất rất khó khăn. Cần thiết phải đưa vào luật những quy định về trách nhiệm của chính quyền các cấp chăm lo cho bà con, đặc biệt là đất sản xuất, trong đó phải đảm bảo phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán cũng như điều kiện của địa phương.”

Theo ông Đặng Quốc Khánh, chúng ta tạo điều kiện về đất sản xuất với bà con dân tộc thiểu số, đồng thời cũng phải tuyên truyền, vận động để bà con nâng nhận thức, nâng cao năng lực, nâng giá trị sản xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top