Aa

TS. Lê Bá Chí Nhân: “Thị trường bất động sản vẫn đang mắc kẹt, không có vốn để phát triển“

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Hai, 15/05/2023 - 06:10

Vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ tín dụng bất động sản ngày càng tăng cao trước tình trạng "đóng băng" của thị trường bất động sản đang khiến cho ngành ngân hàng tiếp tục đối mặt với áp lực nợ xấu.

Nợ xấu "phình to"

Trong thời gian qua, hai yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng là khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự "đóng băng" của ngành bất động sản.

Rủi ro liên thông từ bất động sản tới ngành ngân hàng ngày càng rõ nét hơn. Báo cáo tài chính quý I/2023 của các ngân hàng cho thấy, hầu hết các nhà băng đều tăng mạnh về nợ xấu, có những đơn vị nợ xấu tăng 50 - 70%. Đặc biệt là ở những nhà băng có tỷ lệ cho vay bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn.

Tính đến hết quý I/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 859.394 tỷ đồng (theo Bộ Xây dựng), con số này tiếp tục tăng cao bất chấp việc thị trường đang gặp nhiều khó khăn. Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến thời điểm này dự nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng thêm khoảng 24% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trả lời Reatimes, TS. Lê Bá Chí Nhân - Chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản đi theo 1 chu kỳ, qua 2 chu kỳ tăng và giảm đến hiện tại là chu kỳ thứ 3. Nói một cách khác, tình hình bất động sản biến động như đồ thị hình Sin, không thể nào mãi mãi ở đỉnh được, sự trùng xuống này có nguyên do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, từ kinh tế thị trường và một số các yếu tố khác.

Điều đặc biệt trong vấn đề của bất động sản liên quan chính là phát hành trái phiếu. Hiện nay trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2/3 thị trường. Trong khi đó, bất động sản đang trong trạng thái "đóng băng", điều này khiến cho doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu tiếp được.

"Thị trường bất động sản hiện vẫn đang mắc kẹt, không có vốn để phát triển, dòng tiền đang phải dồn vào trái phiếu, trả lãi cho trái chủ. Đây là một vấn đề cực kỳ nan giải, bởi sản phẩm bất động sản không thể thanh khoản, trái phiếu không thể tiếp tục phát hành, dẫn đến không có dòng tiền để trả cho ngân hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến dòng tiền và tín dụng, liên quan đến nhiều ngân hàng. Hầu như các ngân hàng cho vay quá nhiều ở mảng bất động sản, hiện nay đều phải đối diện với vấn đề nợ xấu", ông Nhân nhận định.

Trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ tín dụng BĐS tăng cao khiến áp lực nợ xấu đối với ngân hàng ngày càng lớn. (Ảnh minh hoạ: VnEconomy)

Thị trường và nền kinh tế chịu tác động ra sao?

Trên tổng thể hiện nay đối với ngành bất động sản gồm có 4 nhóm vay: Nhóm 1 vay về thế chấp ngân hàng; Nhóm 2 bán về cổ phiếu lên sàn chứng khoán; Nhóm 3 phát hành trái phiếu; Nhóm 4 nguồn vốn FDI (vốn đầu tư nước ngoài). Hiện nay 4 nhóm vốn vay này đều đang gặp những vấn đề trục trặc và các doanh nghiệp trong ngành bất động sản tiếp tục gặp khó khăn khi tìm kiếm dòng tiền.

Từ đầu năm đến nay, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường vốn nói riêng. Ví dụ như giải pháp hạ lãi suất cho vay, hạ lãi suất cho người vay và kể cả cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay doanh nghiệp không có tài sản thế chấp nên không thể đi vay được. Cùng với đó vấn đề phát hành trái phiếu về bất động sản cũng nằm trong trạng thái căng thẳng, khó khăn để có dòng tiền trả cho khách hàng.

Trong trường hợp trái phiếu đang đứng như hiện nay thì tất cả ngân hàng không thể thu hồi được vốn, hiện tượng cuối cùng là xảy ra vấn đề nợ xấu.

TS. Lê Bá Chí Nhân cho biết: "Khi nợ xấu tăng cao sẽ ảnh hưởng đến một số các lĩnh vực khác, thí dụ như vấn đề hiện nay là bất động sản đang có ảnh hưởng đến 11% GDP, đây là một trong những tác động lớn. Thứ hai, vấn đề những ngành nghề khác muốn phát hành trái phiếu để có dòng tiền sản xuất kinh doanh nhưng cũng đang bị ảnh hưởng ít nhiều từ những vấn đề đã xảy ra với tình trạng nợ trái phiếu không trả được của nhóm các doanh nghiệp bất động sản".

Cụ thể hơn, ông Nhân nhận định, khi ngân hàng chịu nợ xấu, sự ảnh hưởng của vấn đề này đến thị trường và nền kinh tế là rất lớn. Trong ngắn hạn, khi xảy ra nợ xấu, ngân hàng buộc sẽ phải trích quỹ, lúc này những cổ đông mua cổ phiếu trong ngân hàng đó hoặc những cổ đông chiến lược có thể sẽ rút ra. Như vậy, trong thời gian ngắn hạn sẽ ảnh hưởng với góc độ là dòng tiền và không chỉ một ngân hàng mà chuyển liên ngân hàng, có nghĩa ảnh hưởng tới hàng loạt các ngân hàng.

Ngân hàng trở nên khát vốn hơn, yếu tố này dẫn đến việc sẽ tăng lãi suất và họ sẽ rất cẩn trọng để cho vay những ngành nghề khác. Từ đó có thể ảnh hưởng đến vấn đề dòng tiền mà ngân hàng cho vay đối với những doanh nghiệp, kể cả đối với những cá nhân trong tương lai. Đây là một trong những yếu tố cần được quan tâm và xem xét, là một bài toán cần được giải quyết trong thời gian tới.

Trong dài hạn, khi doanh nghiệp không trả được trái phiếu và ngân hàng bảo lãnh điều đó thì ngân hàng sẽ phát mại tài sản. Ngân hàng sẽ đi bán bất động sản chứ không phải chủ đầu tư nữa.   

"Chúng ta phải quan tâm xem xét lại ở góc độ điều hành về kinh tế vĩ mô, cần đảm bảo chính sách tiền tệ vận hành nhịp nhàng hơn và không phát sinh các điểm nghẽn mới", ông Nhân nói./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top