Aa

Cần xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao

Thứ Năm, 31/10/2019 - 17:10

Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận phát triển du lịch Việt Nam còn nhiều hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú dù những năm qua đã có bước tiến vượt bậc.

Sáng 31/10, tại hội trường Quốc hội, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã phát biểu giải trình và làm rõ vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến giải pháp phát triển du lịch và xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức trong bối cảnh hiện nay.

Cần xem du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao

Về câu hỏi du lịch Việt Nam đang nằm ở đâu, Bộ trưởng khẳng định: “Với tốc độ tăng trưởng du khách 25% mỗi năm, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới”.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện nêu dẫn chứng: Từ năm 2015 đến 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần 2 lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu. Năm 2018, khách nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu và đóng góp 8,4% GDP.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 13%), trong khi tăng trưởng du lịch toàn cầu là 4% và khu vực Đông Nam Á là 5%.

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng liên tục được cải thiện. Trong hai lần xếp hạng gần đây đã tăng lên 12 bậc, hiện đứng thứ 63/140 nước.

Thời gian qua, du lịch Việt Nam đạt được nhiều giải thưởng như điểm đến hàng đầu châu Á, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, thành phố Hội An được bình chọn là thành phố văn hóa hàng đầu châu Á...

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận phát triển du lịch còn nhiều hạn chế như chất lượng du lịch còn chưa cao, sản phẩm chưa phong phú.

Vì vậy, để thúc đẩy ngành du lịch phát triển hơn nữa, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất cần tiếp tục đổi mới nhận thức xem đây là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao. 

Đồng thời, cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch có hợp tác công - tư, trung ương và địa phương; ứng dụng công nghệ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề du lịch, dịch vụ chất lượng cao; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch và liên kết du lịch; có giải pháp thúc đẩy xã hội hóa…

Bên cạnh đó, các thủ tục cũng phải tiếp tục đơn giản hoá để tạo điều kiện cho du khách; đẩy mạnh liên kết, xã hội hoá du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ.

Ông Thiện đề xuất tăng kinh phí cho chương trình xúc tiến du lịch vì hiện Việt Nam chỉ đạt 54 tỷ đồng (2,5 triệu USD) trong khi Thái Lan đang chi khoảng 80 triệu USD.

Bộ trưởng Thiện khẳng định: "Bốn năm qua, số lượng buồng phòng tăng gấp đôi nhờ xã hội hoá. Sau khi có những hãng hàng không ra đời thì có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm du lịch. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long… Đây là những kinh nghiệm để sắp tới Việt Nam đầu tư nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành”.

Văn hóa phát triển chưa tương xứng với kinh tế

Đối với vấn đề văn hóa được nhiều đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu lên thực trạng: "Giờ đây, chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, tệ nạn, tội phạm xã hội". Bộ trưởng khẳng định "đó là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân về văn hóa".

Theo vị tư lệnh ngành, xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người là mục đích cuối cùng của sự phát triển. Tuy vậy, văn hóa đang phát triển chưa tương xứng với kinh tế, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa lành mạnh.

Để văn hóa trở thành động lực phát triển đất nước, Bộ trưởng cho rằng cần có những giải pháp như nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa; tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị, kinh tế; quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân, cộng đồng trong sáng tạo về văn hóa; phát huy sứ mệnh của văn học, nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ trong xây dựng đạo đức văn hóa.

Bên cạnh đó cũng cần đầu tư tương xứng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam, cũng là một trong những giải pháp trọng tâm.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ gia đình, nhà trường, xã hội sẽ là nơi bồi dưỡng, hình thành nhân cách, giáo dục lối sống cho con người. Cái tốt, cái thiện được nuôi dưỡng, đi lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ. Từ đó, việc xây dựng môi trường văn hóa sẽ tạo điều kiện để phát triển văn hóa con người Việt Nam.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top