Aa

Cảnh báo nguy cơ tín dụng tuồn vào đảo nợ trái phiếu

Thứ Ba, 17/01/2023 - 15:03

Khẳng định muốn cho vay bất động sản để dòng vốn luân chuyển, thu hồi được nợ, nhưng các ngân hàng cũng cảnh báo nguy cơ lách luật để tuồn vốn vào bất động sản và hiện tượng vay vốn để đảo nợ trái phiếu.

Doanh nghiệp ngóng vốn, ngân hàng thận trọng

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho hay, vướng mắc phổ biến của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay là thiếu tiền, giảm thanh khoản do không huy động được nguồn vốn của khách hàng, cũng như tiếp cận tín dụng. “Không chỉ doanh nghiệp, mà người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Nhiều trường hợp trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng, nhưng dừng giải ngân, khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn”, ông Châu cho biết.

Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới room tín dụng từ đầu tháng 12/2022, nhưng theo ông Châu, việc nới room diễn ra chậm, nên vốn chưa kịp bơm vào nền kinh tế. Tín dụng cả năm 2022 mới tăng 14,5%, chưa sử dụng hết hạn mức.

Thực tế, việc khan vốn của doanh nghiệp bất động sản năm qua không hoàn toàn do lỗi của ngành ngân hàng, mà chủ yếu do thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn. Theo các chuyên gia kinh tế, những năm trước, thị trường bất động sản dựa 50% vào vốn ngân hàng, song năm 2022 lên tới 70%, gây rủi ro lớn cho hệ thống.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, giải quyết bài toán vốn cho bất động sản ở Việt Nam là câu chuyện dài. Theo đó, bên cạnh phát triển các thị trường vốn, thị trường tín dụng, cần phát triển các định chế tài chính khác nhau như các loại hình quỹ phát triển bất động sản. Trước mắt, cần phân loại dự án bất động sản để ngân hàng yên tâm rót vốn, ưu tiên các dự án phục vụ nhu cầu thật. Hai là cho các doanh nghiệp tiếp tục phát hành trái phiếu, có thể là đảo nợ để dự án được triển khai, khơi thông dòng tiền.

Lý giải chuyện khát vốn của doanh nghiệp bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, tất cả dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, các dự án liên quan đến nhà ở tiêu dùng phục vụ người dân, kể cả tín chấp tiền lương, vẫn được ngân hàng cho vay. Những dự án mà người dân không tiếp cận được vốn tín dụng chủ yếu là do tính pháp lý của dự án hoặc năng lực chủ đầu tư không đảm bảo.

“Bất động sản là lĩnh vực rủi ro, nên ngân hàng phải xem xét rất thận trọng khi cho vay. Dự án đảm bảo tính pháp lý, giá cả phù hợp thì không khó tiếp cận tín dụng. Người dân có nhu cầu tiếp cận vốn mua nhà ở gần như đều tiếp cận được. Với những dự án vừa muốn tiếp cận vốn, vừa vướng thủ tục pháp lý, thì ngân hàng không khuyến khích”, ông Hùng khẳng định.

Ngân hàng muốn cho vay bất động sản, nhưng vẫn phải dè chừng rủi ro

Các chuyên gia cho rằng, qua cơn khủng hoảng thanh khoản vừa qua, doanh nghiệp bất động sản cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Thời gian qua, giá bất động sản bị đẩy lên quá cao, tỷ suất sinh lời quá lớn. Chỉ khi doanh nghiệp bất động sản chấp nhận giảm bớt lợi nhuận, người dân chấp nhận được mức giá, thì dòng vốn mới luân chuyển. 

Thực tế, bất động sản là lĩnh vực gắn bó mật thiết với ngân hàng, chiếm hơn 20% tổng dư nợ tín dụng và chiếm 70-80% tài sản bảo đảm của các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng rất muốn cho vay rồi cho vay tiếp và muốn thị trường bất động sản khơi thông để dòng vốn luân chuyển, thu hồi được nợ.

“Tuy vậy, nếu không cẩn thận, các tổ chức tín dụng lại bơm vốn để bù đắp phần đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp. Điều đó cực kỳ nguy hiểm trong kiểm soát tài sản”, ông Nguyễn Quốc Hùng cảnh báo.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank, hiện có xu hướng cá nhân, nhóm cá nhân phối hợp hình thành nhóm công ty có mối liên hệ rất mật thiết với nhau, nhưng thuê hoặc ủy quyền người khác đứng tên để lách quy định về người có liên quan để vay vốn ngân hàng cho hoạt động kinh doanh thông thường, nhưng thực chất là đầu tư kinh doanh mạo hiểm, kinh doanh bất động sản. Vì vậy, việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay của ngân hàng thương mại rất khó khăn và không khả thi, tiềm ẩn rủi ro cao.

Các ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng, cần sớm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, song phải bằng các giải pháp đồng bộ như gỡ vướng về pháp lý, về thị trường vốn, chứ không chỉ gỡ khó về tín dụng. Riêng về vốn cho bất động sản, việc điều chỉnh hành lang pháp lý và vực dậy niềm tin thị trường để doanh nghiệp có thể khởi động lại kênh phát hành trái phiếu rất quan trọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top