Số liệu ước tính của tổ chức này cho thấy nguồn kiều hối ròng do người Việt Nam ở nước ngoài chuyển về bình quân mỗi năm là 8,7 tỷ USD, tương đương 4,7% GDP trong giai đoạn 2011 - 2017.
Ngược lại, dòng tiền chuyển thu nhập ra nước ngoài, bao gồm tiền kết chuyển lợi nhuận và tiền chi trả lãi của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài theo định hướng xuất khẩu năng động ở Việt Nam, tăng mạnh lên 10,8 tỷ USD, tương đương 4,9% GDP trong năm 2017, khiến tổng tài khoản thu nhập rơi vào thâm hụt, làm giảm tổng tăng trưởng ở tài khoản vãng lai.
Theo nhận định của WB, khi khu vực FDI càng phát triển, dòng tiền kết chuyển thu nhập ra bên ngoài dự kiến có thể tiếp tục tăng theo thời gian.
Bên cạnh đó, WB cho rằng, mặc dù tài khoản vãng lai đã đạt thặng dư trong năm 2016 - 2017, ước tính tiếp tục thặng dư trong đầu năm 2018, song trên góc độ kinh tế đối ngoại, cân đối tài khoản vãng lai vẫn thặng dư nhưng dự báo ở mức thấp hơn kể từ năm 2019 do thâm hụt ngày càng tăng ở các tài khoản thu nhập và dịch vụ.
Mặc dù thặng dư thương mại hàng hóa tiếp tục được trợ lực do xuất khẩu tăng lên ở các ngành chế tạo, chế biến chủ yếu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhưng nhập khẩu hàng hóa trung gian và đầu tư cũng tiếp tục tăng nhanh, do các ngành công nghiệp phụ trợ còn chưa phát triển.