Aa

Cảnh giác với quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch Covid-19

Thứ Năm, 19/03/2020 - 07:10

Trước diễn biến phức tạp của dịch SARS-CoV-2 (Covid-19), nhiều thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được người bán “thổi phồng” về tác dụng gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Theo quảng cáo, những thực phẩm bảo vệ sức khỏe này giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa các bệnh do virus gây ra. Tuy nhiên, công dụng này chỉ mới được thêm vào phần giới thiệu sản phẩm sau khi dịch bệnh bùng phát.

Do tâm lý bất an nên nhiều người đã không tìm hiểu kỹ sản phẩm mà lập tức mua về sử dụng với hy vọng phòng, chống được dịch bệnh. Trong đó, đa số người dân tin rằng việc bổ sung nhiều vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về dinh dưỡng, việc sử dụng vitamin C một cách tùy tiện là rất nguy hiểm bởi nếu uống quá liều sẽ dẫn đến nguy cơ tạo sỏi thận, cơ thể thừa vitamin C có thể gây rối loạn tiêu hóa.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có tác dụng phòng ngừa các bệnh do Virus gây ra. (Ảnh minh họa)

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quy định tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 43/2014/TT-BYT quản lý thực phẩm chức năng. Đây là những sản phẩm dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh. Sản phẩm được tạo thành từ nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau: Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa; các nguồn tổng hợp của những thành phần trên.

Trước các thông tin quảng cáo sai sự thật về các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, gây hiểu lầm cho người dân, Cục An toàn thực phẩm đã có thông tin cảnh báo tới người tiêu dùng.

“Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có công dụng hỗ trợ sức khỏe không có tác dụng điều trị bệnh, không có tác dụng diệt virus, trị cảm cúm… Người dân khi mắc các triệu chứng: Sốt, ho phải đến gặp bác sỹ để khám và nhận được chữa trị kịp thời, tránh mất đi “thời gian vàng” trong điều trị bệnh.

Khi phát hiện sai phạm, nếu xác định được chủ thể, Cục sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính tại điểm b khoản 4 Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.00.000 đồng đối với cá nhân và mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, đồng thời phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc cải chính thông tin”.

Viện dinh dưỡng quốc gia cũng khuyến cáo người dân chỉ thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…) nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được bác sĩ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Thời điểm này, chúng ta cần là những người tiêu dùng thông thái để tránh bị những lời quảng cáo thổi phồng trên mạng xã hội đánh lừa. Chủ động sử dụng thực phẩm an toàn để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng từ bữa ăn, mỗi người nên duy trì chế độ vận động, tập thể dục thường xuyên và thực hiện theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế hướng dẫn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top