Cuộc họp thông qua các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện công tác CCHC năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn tỉnh; kết quả Chỉ số CCHC năm 2023 của các sở, ban ngành, UBND các huyện, Thành phố; cho ý kiến về đề xuất xây dựng các đơn vị điển hình về CCHC năm 2024.
Năm 2023, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật và cải thiện chỉ số CCHC (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số hệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tạo hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); tăng cường tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số.
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 63 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó, công bố mới 71 TTHC, sửa đổi bổ sung và bãi bỏ 81 TTHC, hiện toàn tỉnh có tổng số 1.873 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền tỉnh. Cổng Dịch vụ công tỉnh đang cung cấp 1.754 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 1.153 dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình; tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trực tuyến của Dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình đạt 62,09%; tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận giải quyết đúng hạn đạt 98,05 %.
Thành lập trên 1.400 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 6.600 thành viên. Xây dựng tài liệu bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho 2.300 CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Về kết quả Chỉ số CCHC của các sở, cơ quan ngang sở, UBND các huyện, Thành phố năm 2023, có 3 đơn vị: Văn phòng UBND tỉnh; Sở Nội vụ và Ban Dân tộc xếp loại tốt có chỉ số trên 90%, so với năm 2022 giảm 2 đơn vị; 26 đơn vị xếp loại khá có chỉ số từ 70 - 90 %, so với năm 2022 tăng 1 đơn vị và 1 đơn vị xếp loại trung bình có chỉ số dưới 70%.
Tại cuộc họp, các thành viên thảo luận, nhất trí đề xuất xây dựng các đơn vị điển hình về CCHC năm 2024; thống nhất quy chế làm việc của BCĐ; nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện tốt công tác CCHC, nâng cao Chỉ số CCHC trong thời gian tới.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh: CCHC là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân quyết định đến kết quả CCHC của địa phương. Đề nghị người đứng đầu các sở ban, ngành, các huyện Thành phố cần nâng cao trách nhiệm trong việc chủ động chỉ đạo cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch CCHC năm 2024 của ngành, địa phương; ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về xây dựng đơn vị điểm cũng là một trong những cách làm mới, cần thực hiện có trọng tâm để xây dựng mô hình điểm, kiểu mẫu. Thống nhất 3 mô hình điểm: Phúc Sen (Quảng Hòa), phường Đề Thám (Thành phố) và Sở Công thương. Các sở, ngành, huyện, Thành phố cần xây dựng mô hình điểm trong đơn vị.
Đối với kế hoạch hoạt động năm 2024, cần xây dựng chủ đề, tập trung trọng điểm, phân tích, đánh giá sâu để khắc phục những tồn tại hạn chế về các lĩnh vực trong CCHC. Tập trung ban hành các văn bản chỉ đạo, ghi rõ nhiệm vụ, thời gian thực hiện, cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; tổ chức kiểm tra, giám sát ghi rõ thời gian thực hiện, đầu mối chủ trì… Về kế hoạch khắc phục hạn chế các chỉ số CCHC, rà soát lại các nhóm nhiệm vụ, từng chỉ số, trên cơ sở đánh giá tính khả thi từng chỉ tiêu để thực hiện hiệu quả.