Tuy nhiên, muốn dẹp bỏ tình trạng này, NHNN cần phải chế tài mạnh hơn để răn đe, vì hiện nay các giao dịch đều lách dưới hóa đơn, chứng từ thực, khiến NH khó kiểm soát được.
Dịch vụ hỗ trợ rút tiền công khai
Anh H.V.T (TP.HCM) cho biết, mới đây do cần tiền gấp nên anh đã tìm liên hệ dịch vụ quét thẻ rút tiền có chi nhánh tại quận Phú Nhuận để thực hiện. Cụ thể, khi gọi vào đường dây nóng đăng trên website, anh được tư vấn và sau đó đến điểm giao dịch là một nhà hàng trên đường Đặng Văn Ngữ để quét thẻ.
Tại đây, nhân viên đã dùng thẻ Visa cà máy POS rút hết 100% hạn mức tiền mặt là 30 triệu đồng và nhận tiền ngay với mức phí chỉ 2%, tương đương 600.000 đồng. Nhân viên này giới thiệu thêm, công ty còn hỗ trợ đáo hạn thẻ tín dụng của tất cả các NH.
Khi đến hạn thanh toán thẻ, nếu khách hàng không thể trả được nợ, chỉ cần mang thẻ tín dụng và chứng minh nhân dân đến, cửa hàng sẽ ứng trước số tiền cần trả để khách hàng thanh toán cho NH để tránh bị phạt lãi suất cao. Sau đó, khi hạn mức tín dụng được lấp đầy trở lại, công ty sẽ rút tiền mặt bù lại phần đã cho vay. Mức phí đáo hạn là 3%/số tiền cho vay.
Hiện dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng đang quảng bá phổ biến trên các website, mạng xã hội, và thậm chí được gửi vào số điện thoại cá nhân. Các mẩu thông tin này mời chào rút tiền mặt từ thẻ tín dụng bằng cách cà máy POS với mức phí dao động từ 1,5-2,2%. Một chủ tiệm vàng ở khu vực chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM cho biết, thẻ tín dụng chỉ có lợi khi cà thẻ chi tiêu, còn với rút tiền mặt sẽ bị áp phí cao.
Cụ thể, chủ thẻ chỉ có thể rút tối đa 50% tổng hạn mức được cấp, phí 4% trên tổng số tiền rút, đồng thời NH sẽ tính lãi ngay từ thời điểm rút với lãi suất lên đến 2-3%/tháng. Nhưng nếu rút tại máy POS của các điểm bán hàng sẽ trả phí thấp hơn, đồng thời còn được hưởng lãi suất 0% trong 45 ngày. Do đó, hoạt động rút tiền mặt qua máy POS vẫn còn diễn ra phổ biến.
Cần có chế tài mạnh
Năm 2017, NHNN đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2016 quy định về hoạt động thẻ NH để lấy ý kiến. Trong dự thảo có nhiều quy định mới đáng chú ý, như cho phép rút tiền mặt từ thẻ qua POS tại đơn vị chấp nhận thẻ. Nguồn gốc đưa ra đề xuất này là do một số NH lớn đã kiến nghị NHNN cho phép cung ứng dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ qua POS đặt tại đơn vị chấp nhận thẻ.
NHNN cũng cho biết, theo thông lệ quốc tế cũng cho phép rút tiền mặt qua POS tại đơn vị chấp nhận thẻ, nên dự thảo đã có quy định cho phép việc rút tiền mặt từ thẻ. Tuy nhiên, khi ban hành Thông tư chính thức, quy định này không được thông qua. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, đó là quy định phù hợp vì việc sử dụng thẻ tín dụng có thể rút tiền mặt bằng nội tệ trong nước và ngoại tệ ở nước ngoài đều được các NH trên thế giới áp dụng, nhưng khi rút tiền mặt đều có giới hạn một mức nào đó.
Gần đây, các NHTM liên tục chạy đua phát hành thẻ tín dụng do dư địa thị trường và lợi nhuận rất lớn. Trong 3 quý đầu của năm 2018, dư nợ bán lẻ của VIB đạt 67.400 tỷ đồng, phần lớn đến từ chiến lược đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng và tháng 12/2018 cũng đã đồng loạt ra mắt 5 dòng thẻ tín dụng mới.
Những ông lớn trên thị trường thẻ như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Sacombank cũng không đứng ngoài cuộc đua này, khi liên tục hợp tác phát hành thẻ tín dụng mới với nhiều ưu đãi vượt trội. Nhân viên của các NH 100% vốn nước ngoài cũng liên tục gọi điện thoại mời chào mở thẻ, trong số đó Shinhan Bank Việt Nam với tham vọng lọt vào top 3 tổ chức phát hành thẻ tín dụng trong 3 năm tới, đang là NH mời chào mở thẻ với tiện ích hấp dẫn nhất thị trường.
Ngoài ra, mảng này còn có sự tham gia của các công ty tài chính như FE Credit và Home Credit và sắp tới là Lotte Card. Với sự phát triển nhanh của các TCTD và nhu cầu mở thẻ tín dụng ngày càng tăng cao của người dân, có thể nói, việc quản lý hoạt động của thẻ tín dụng vẫn gặp khó khăn.
Phó giám đốc trung tâm thẻ một NHTMCP cho biết, theo quy trình khi những công ty bán hàng thực hiện giao dịch với khách hàng qua máy POS, thông tin giao dịch sẽ chuyển đến NH thông qua hệ thống liên NH và qua Visa/Master Card để thông tin, rồi đi đến NH phát hành thẻ.
Sau đó, điểm bán hàng sẽ nhận được một lượng tiền tương ứng do NH gửi đến qua hệ thống Visa hay Master Card và hệ thống thanh toán bù trừ, để đến tài khoản của người cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó.
Nếu xuất phát từ một thương vụ mua bán không đúng nghĩa, giao dịch đó mang tính lừa đảo, vì thực chất không có giao dịch mua bán nhưng các nhà cung cấp dịch vụ khi chuyển thông tin cho NH lại cho biết đây là thanh toán cho một giao dịch mua bán. Nếu điều này diễn ra phổ biến, các NH sẽ khó quản lý được hoạt động của thẻ tín dụng.
Đáng chú ý, với sự cạnh tranh của các NH, mỗi người không chỉ sở hữu một thẻ tín dụng mà có rất nhiều thẻ được phát hành cho một khách hàng.
Dù biết thực trạng dùng máy POS lách luật cho vay nóng thông qua việc rút tiền mặt nhưng NH vẫn bất lực vì họ cung cấp đủ chứng từ, hóa đơn giao dịch. Để xử lý tình trạng này, NHNN ngoài việc giới hạn hạn mức rút tiền theo ngày của thẻ tín dụng, cần có chế tài xử phạt mạnh để răn đe các đơn vị sai phạm kết hợp với thanh kiểm tra để xử lý triệt để, tránh tình trạng bùng nổ phát hành thẻ dẫn đến rủi ro cho người dân và NHTM. |