Bên lề Toạ đàm "Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam" cuối tuần qua, trao đổi nhanh với VnEconomy về việc Dự án cao tốc Bắc - Nam có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài có phải tuân thủ chỉ đạo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị không?, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định: Dự án nào cũng phải rà soát an ninh quốc phòng, không có trường hợp ngoại lệ, Luật Đầu tư cũng đã ghi rất rõ điều này.
Cũng tại toạ đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã có bước thay đổi quan trọng đặc biệt.
Đó là dùng từ "hợp tác" chứ không phải là "thu hút". Điều này thể hiện sự bình đẳng, chủ động của chúng ta trong làm việc với các nhà đầu tư nước ngoài và đề cao trách nhiệm của họ.
Thời gian qua, nhiều dự án FDI có vốn ảo, đăng ký lớn nhưng thực hiện bé, đặc biệt là các dự án bất động sản đăng ký hàng tỷ USD nhưng vốn thực hiện rất nhỏ. Do đó, thời gian tới hàng loạt chính sách liên quan đến giám sát, quản lý đầu tư cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành sẽ hạn chế được tình trạng vốn ảo, đăng ký to nhưng thực hiện nhỏ.
Cũng theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, hiện nay, việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án nước ngoài là chính quyền địa phương. Nếu dự án nào gây ra ảnh hưởng môi trường, an ninh quốc phòng thì chính quyền địa phương có thể dừng ngay dự án đó.
"Bộ Chính trị chỉ đạo rà soát ngay trước khi được cấp để đảm bảo các dự án vốn đầu tư nước ngoài đáp ứng được yêu cầu của chúng ta về an ninh quốc phòng.
Không chỉ các dự án đầu tư mới mà ngay trường hợp mua bán cổ phần, cổ phiếu cũng phải rà soát. Pháp luật của chúng ta thông thoáng nên có trường hợp người nước ngoài đội lốt người Việt Nam mua dự án Việt Nam", Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Trước những lo ngại nhà đầu tư nước ngoài dè dặt vào Việt Nam do Nghị quyết 50 đưa ra vấn đề rà soát an ninh quốc phòng, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trái ngược với lo ngại này, nhiều tập đoàn nước ngoài hoan nghênh.
Những doanh nghiệp chân chính họ hoan nghênh vì chúng ta đã dành không gian cho làn sóng đầu tư mới chất lượng cao hơn, các nhà đầu tư thế hệ mới muốn Chính phủ Việt Nam có định hướng rõ ràng. Khi đó, họ đầu tư vào Việt Nam thuận lợi hơn không phải lo cạnh tranh với các doanh nghiệp trình độ công nghệ thấp.
"Tất nhiên, để làm được thì chúng ta phải chuẩn bị về công nghệ, cơ sở hạ tầng, thể chế", ông Lộc nói.
Cũng theo ông Lộc, đối với những doanh nghiệp FDI dòng vốn quá nhỏ, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước chúng ta không nên khuyến khích, để tạo không gian cho doanh nghiệp trong nước làm. Thể chế hoá sắp tới phải tính được cái đó.