Aa

Cấp bách bổ sung nguồn cát cho cao tốc Bắc - Nam qua các tỉnh ĐBSCL

Hữu Lễ
Hữu Lễ huule.baodnhn@gmail.com
Thứ Tư, 15/03/2023 - 07:50

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau thiếu nguồn cát đắp nền đường, công tác giải phóng mặt bằng hiện cũng thực hiện rất chậm và khó khăn…

Chiều tối 14/3, Tại Hội trường Tỉnh uỷ Hậu Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Chính phủ làm việc với các tỉnh ĐBSCL về nguồn vật liệu phục vụ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ trọng điểm trên địa bàn.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải có báo cáo, hiện nay trên địa bàn khu vực ĐBSCL đang triển khai đầu tư 8 dự án cao tốc và 5 dự án nâng cấp, mở rộng, xây mới các quốc lộ và cầu trên quốc lộ, với tổng mức đầu tư khoảng 112.600 tỷ đồng.

tinh hau giang
Quang cảnh buổi làm việc.

Đến nay, hệ thống đường cao tốc trong khu vực đã hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô phân kỳ giai đoạn 1 (4 làn xe) với tổng chiều dài 171km (trong đó, tuyến cao tốc trục dọc phía Tây đoạn Cao Lãnh - Lộ Tẻ dài 29km mới hoàn thành đầu tư tuyến chính, chưa có đường gom, hiện tổ chức giao thông hỗn hợp, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài 51km sử dụng mặt đường láng nhựa để chờ lún, các tuyến này Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại trong giai đoạn 2021 - 2025 để khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc); 8 dự án đang được đầu tư, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa vào khai thác toàn bộ các dự án trong năm 2026 với tổng chiều dài 463km, tổng mức đầu tư khoảng 94.400 tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554km đường cao tốc.

Song song đó, Bộ GTVT đang triển khai 5 dự án, để xây dựng mới 63km đường, nâng cấp mở rộng 37km đường hiện hữu; trong đó có 2 cầu dây văng là Rạch Miễu 2 (phần cầu dài 1,97km, trong đó cầu chính dây văng dài 0,51km) và Đại Ngãi (phần cầu dài 2,56km, trong đó cầu chính dây văng dài 0,87km) nằm trên Quốc lộ 60; Tổng mức đầu tư khoảng 18.600 tỷ đồng.

Đến nay, các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ và sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn từ năm 2023 - 2026.

Điều mà Phó Thủ tướng và các tỉnh thành quan tâm là từ nay đến 2025, vật liệu cát cho các dự án cao tốc tại ĐBSCL là rất lớn, khoảng hơn 47,8 triệu m3. Trong đó, cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau là 18,5 triệu m3 (năm 2023 là 11,1 triệu m3; năm 2024 là 7,4 triệu m3); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 23,8 triệu m3 (năm 2023 là 6 triệu m3; năm 2024 là 17,8 triệu m3); cao tốc Cao Lãnh - An Hữu hơn 2,4 triệu m3; cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh hơn 3 triệu m3.

Với các dự án đầu tư, nâng cấp quốc lộ và các dự án cao tốc do địa phương làm cơ quan chủ quản, đến nay cơ bản đảm bảo nhu cầu nguồn cát để triển khai. Riêng 2 dự án thành phần đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau tổng nhu cầu 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.

Trước thực tế này, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3, tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cho dự án. Đến nay, các địa phương đã có chủ trương bố trí khoảng 3 triệu m3 (đạt 16% nhu cầu). Tuy nhiên, khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ.

pho thu tuong tran hong ha lam viec voi tinh hau giang
Phó Thủ tướng Chính  phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo bổ sung cấp phép, tăng công suất, mở các mỏ mới…

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính  phủ Trần Hồng Hà chia sẻ, đây là đường chung của vùng, trách nhiệm chung. Hiện các địa phương có nguồn vật liệu là An Giang, Đồng Tháp, Long An, còn lại các tỉnh khác không đáng kể.

Về dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có 1 gói thầu xây lắp đi qua TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, mặt bằng đã bàn giao hơn 33/37km (đạt 89%) và 2,3km tuyến nối. Tuy nhiên, hiện các nhà thầu mới tiếp cận công trường được khoảng hơn 19km (đạt 52%). Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật rất chậm, đặc biệt là di dời các đường điện cao thế…

Còn dự án thành phần Hậu Giang - Cà Mau có 3 gói thầu xây lắp qua 4 tỉnh. Các địa phương đã bàn giao mặt bằng được 64/73km (đạt 88%), nhưng mặt bằng có thể tiếp cận thi công khoảng hơn 44km (đạt 61%); công tác di dời hạ tầng kỹ thuật cũng rất chậm…

Bộ Tài nguyên - Môi trường đang xây dựng dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long", dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong năm 2023. 

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng đang chủ động chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. Hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện các thủ tục, sẽ triển khai thi công thí điểm vào ngày 15/3/2023, tiến hành quan trắc đến tháng 11/2023 và có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023.

Như vậy, nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án; Vì vậy, trước mắt trong năm 2023 và 2024 nguồn vật liệu san lấp cho các dự án chủ yếu vẫn là cát sông./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top