Aa

Thủ tướng: Quyết tâm xây dựng 2 tuyến cao tốc chiến lược dài hơn 200km

Thứ Hai, 13/03/2023 - 05:29

Cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) được đánh giá là hai tuyến đường chiến lược, tạo động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ.

Sáng 12/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình có chiều dài dự kiến khoảng 88 km. Trong đó, đoạn tuyến qua tỉnh Ninh Bình dài 26 km, dự kiến giao tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản đầu tư; đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Nam Định, Thái Bình dài 62 km, dự kiến tỉnh giao Thái Bình là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án.

Tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài gần 129km, thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây, dự kiến giao UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền.

Các tuyến cao tốc phải có 4 làn xe 

Cùng với nhiều tuyến cao tốc đang được triển khai đồng bộ, tích cực trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc đầu tư xây dựng 2 tuyến cao tốc này là rất cần thiết, theo tinh thần đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây là 2 tuyến đường chiến lược, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng, tạo động lực, không gian và mở ra sự phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương, nhất là các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Bình Phước.

Đây là những địa phương có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng việc phát triển còn nhiều khó khăn, hạn chế do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, đặc biệt thiếu đường cao tốc kết nối.

Thủ tướng ghi nhận quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương và nhà đầu tư, đơn vị liên quan trong việc chuẩn bị triển khai 2 tuyến đường huyết mạch này.

Về phương thức đầu tư, lãnh đạo Chính phủ cho rằng nếu đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước sẽ rất lâu do vốn ngân sách còn hạn hẹp và phải chi cho rất nhiều chương trình, dự án khác nhau. Vì vậy, theo Thủ tướng, chỉ có hợp tác công tư mới có nguồn lực để làm.

Ông đề nghị đầu tư xây hai tuyến cao tốc này theo hình thức đối tác công tư, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải tích cực, kỹ lưỡng, chất lượng hơn nữa. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng mỏ nguyên vật liệu để giao cho chủ đầu tư, nhà thầu khi triển khai dự án.

Về thiết kế, Thủ tướng yêu cầu các tuyến cao tốc phải có quy mô 4 làn hoàn chỉnh, tính toán lại tổng mức đầu tư, suất đầu tư cho phù hợp.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, địa phương và các cơ quan, đơn vị chủ thể liên quan phải vào cuộc, quyết tâm triển khai xây dựng hai tuyến cao tốc với tinh thần khẩn trương, tiết kiệm đi kèm chống tiêu cực, lãng phí.

Khơi thông nguồn lực, kết nối các địa phương

Ở vùng Đồng bằng sông Hồng hiện có cao tốc Bắc Nam Hà Nội - Ninh Bình và một số tuyến cao tốc khác như Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai. Vùng trũng trù phú là phía đông Ninh Bình, Nam Định kết nối một phần Thanh Hóa có điều kiện phát triển. Nhưng ở khu vực này mới chỉ phát triển nông nghiệp vì hạ tầng giao thông còn hạn chế, muốn phát triển công nghiệp phải phát triển hệ thống giao thông, giảm chi phí logistics.

Do vậy, đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sẽ kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh. Tuyến này cũng liên thông với hệ thống tuyến cao tốc phía đông từ Hà Nội lên tới Cửa khẩu Móng Cái và các tuyến cao tốc từ Hà Nội lên Lào Cai, Lạng Sơn.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên ùn tắc mỗi dịp lễ, Tết (Ảnh: Phạm Công).

Ở khu vực Đông Nam Bộ đang tích cực phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có đường Vành đai 3 TP.HCM. Việc đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành kết nối từ Đắk Nông với Bình Phước xuống Đồng Nai, Bình Dương được kỳ vọng sẽ giúp Tây Nguyên có kết nối thuận lợi hơn với các trung tâm kinh tế khu vực Đông Nam Bộ, để phát triển nhanh hơn.

Dự kiến, Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, sẽ bổ sung các dự án này vào danh mục các công trình, dự án chỉ đạo triển khai.

Chính phủ sẽ có tổ công tác do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phụ trách để giải quyết các thủ tục liên quan. Các địa phương phải có tổ công tác do chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị, triển khai các dự án này, theo yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ.

Chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc đã được đề cập trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc. Bộ Chính trị đã ban hành 6 nghị quyết cho 6 vùng kinh tế - xã hội bao gồm vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó đều xác định rõ các tuyến đường cao tốc phải làm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top