Tại sao khu phố cổ không hay tắc đường?
Lý giải nguyên nhân vì sao khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm và khu phố Pháp nằm trên một phần diện tích quận Hai Bà Trưng, trước kia được quy hoạch theo mô hình ô bàn cờ đến nay vẫn không thường xuyên xảy ra ách tắc, KTS Nguyễn Thành Hưng cho rằng, mật độ đường giao thông trong khu vực này là tương đối cao so với các quận khác.
“Theo thống kê tỉ lệ diện tích đường giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị của quận Hoàn Kiếm đạt khoảng 24,6 %. Trong khi các quận còn lại như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân đạt rất thấp, trung bình chỉ khoảng 8%, do vậy có thể khẳng định, mật độ đường và diện tích đường trên quận Hoàn Kiếm (trong đó có các khu phố cổ và phố Pháp) cao hơn rất nhiều so với các quận khác”, ông Hưng cho biết.
Trong khi Hoàn Kiếm lại là quận trung tâm nhất của Hà Nội, nó chỉ có sự dao động nhất định về lưu lượng phương tiện trong khu vực với nhau, cho nên các khu phố cổ, phố Pháp chắc chắn sẽ không bị ùn tắc.
Đấy là lý do vì sao chúng ta có quy hoạch ô bàn cờ hay quy hoạch theo hình thái khác, nhưng diện tích đường giao thông nhiều thì rõ ràng khả năng xảy ra ùn tắc sẽ thấp hơn.
Cũng theo KTS Nguyễn Thành Hưng, để các phương tiện có thể lưu thông tốt trong đô thị, ít nhất phải tăng diện tích đường trên diện tích đất xây dựng lên khoảng 15 – 25%.
Cấp phép tràn lan, tắc đường là... đương nhiên
Theo KTS Nguyễn Thành Hưng, để khẳng định một hình thái quy hoạch đô thị nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đó là địa hình, cấu trúc tự nhiên của đô thị, cấu trúc phân bố dân cư hiện nay, cấu trúc phân bố dân cư dự kiến trong tương lai và rất nhiều các hình thức tổ chức phương tiện giao thông khác.
Về việc ách tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội. KTS Nguyễn Thành Hưng cho rằng, sức chịu tải của trung tâm TP. Hà Nội là có hạn. Trước đó, quy hoạch của Thủ tướng cũng đã đưa ra những quyết định rất quan trọng, đó là khống chế 4 quận trung tâm của Hà Nội gồm Đống Đa, Hoàn kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng chỉ dung nạp tầm 800 nghìn dân, trong khi theo thống kê hiện nay là 1,2 đến 1,3 triệu. Nhưng con số thực tế chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều vì có những người dân không chính thức, họ chỉ ở bên ngoài vào làm việc trong này, nên cũng góp phần làm cho đô thị đông đúc hơn.
Ngoài ra, việc bố trí cấp phép cho xây dựng tràn lan các khu chung cư, khu đô thị mới không hợp lý, nơi thì quá thưa, nơi lại có mật độ dày đặc cũng khiến giao thông trên những tuyến đường gần khu vực đó bị quá tải.
Đối với các quận như Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân hay Hoàng Mai, ngoài chỉ số kỹ thuật về diện tích đất cho giao thông thấp, chỉ khoảng 8% trên diện tích đất xây dựng thì những quận này còn nằm trong khu vực giáp ranh giữa nội thành và ngoại thành, ắt sẽ có sự dao động lớn về lượng xe cộ.
Hơn nữa trên địa bàn những quận này còn có các trục đường dành cho các phương tiện xe ô tô cỡ lớn lưu thông qua thành phố, vậy nên tình trạng thường xuyên tắc vào giờ cao điểm là đương nhiên.
Giải pháp hạn chế ùn tắc lâu dài cho Hà Nội
Theo KTS Nguyễn Thành Hưng, để giảm ách tắc giao thông ở Hà Nội. Không phải cứ tìm ra giải pháp là giải quyết được ngay mà phải làm trong vòng 5 năm, 10 năm thậm chí là lâu hơn nữa. Do đó, việc quy hoạch theo hình thái nào cũng cần một khoảng thời gian nhất định để thực hiện.
Còn trước mắt, để hạn chế được ùn tắc giao thông, Hà Nội cần thực hiện tích cực những phương án sau:
Thứ nhất: Tiếp tục xây dựng và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hệ thống giao thông công cộng như tuyến đường sắt trên cao, các tuyến bít nhanh. Hiện nay giao thông công cộng ở Hà Nội chỉ có phương tiện duy nhất là xe bít, nhưng chỉ riêng xe bít thì vẫn chưa thể đáp ứng được tốt vì hạ tầng giao thông đang kém, xe không thể di chuyển nhanh, linh hoạt với tần suất cao hơn.
Thứ hai: Đầu tư thêm công trình đường, cầu vượt tại những nút giao quan trọng, thậm chí phải giải tỏa những điểm có khu dân cư đông để mở các tuyến đường mới chúng ta cũng phải thực hiện.
Thứ ba: Tạo thêm sức hút mới cho những khu vực không thuộc trung tâm Hà Nội, đó là xây dựng những khu đô thị mới, khu trung tâm văn hóa, nghệ thuật, giải trí, dịch vụ áp dụng cho nhiều tầng lớp dân cư.
Di chuyển các đơn vị hành chính, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân dần ra khu ra khỏi khu vực trung tâm, điều này sẽ khiến cho khu ngoại thành trở nên hấp dẫn hơn. Khi đó, người dân sẽ tìm đến những nơi định cư mới, mật độ dân sẽ dần dãn ra.
“Bây giờ không thực hiện dãn dân mà mở rộng thêm đường tại trung tâm thì sẽ rất đắt. Chi phí cho mở một con đường chiếm đến 80% là đền bù giải phóng mặt bằng, còn lại là chi phí thi công đường 20%, rõ ràng nó không hợp lý”, ông Hưng nói.
Thứ tư: Cần siết chặt luật giao thông đường bộ để nâng cao hơn ý thức của người dân khi tham gia giao thông, nếu không làm tốt nhiệm vụ này thì dù có mở nhiều đường hay quy hoạch tốt đến đâu đi nữa cũng không thể tránh được ùn tắc.