Aa

Cáp treo vượt sông Hồng: Sẽ lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Ba, 03/07/2018 - 21:20

Nhận xét về đề xuất xây dựng cáp treo vượt sông Hồng, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại: "Tôi cho rằng, dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông, thậm chí có thể lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất".

Hà Nội vừa tiếp nhận đề xuất của Tập đoàn Poma (công ty chuyên cáp treo của Pháp) về xây dựng tuyến cáp treo vượt sông Hồng. Theo tính toán, tuyến cáp treo có chiều dài hơn 5km, các trụ đỡ có chiều cao từ 50 - 100m. Điểm đầu là trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, điểm cuối là bến xe Gia Lâm. Trong đó, có khoảng 1,2km cáp treo vượt sông Hồng và khoảng 4km còn lại đi trên mặt đất, vượt trên các tòa nhà, công trình cao tầng ở mặt đất. Bên cạnh đó, mỗi cabin sẽ có sức chứa từ 25 - 30 người, theo tính toán của doanh nghiệp này thì trong 1 giờ tuyến cáp treo có thể vận chuyển được 7.000 lượt khách.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành rất ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.

Trước đề xuất này, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết: "Những năm gần đây, ùn tắc tại Hà Nội có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Hà Nội cũng nhận được rất nhiều đề xuất về các phương án giảm ùn tắc khác. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội đều phải nghiên cứu kỹ để đánh giá mức độ phù hợp mới cho triển khai vào thực tế. Về giải pháp xây cấp treo vượt sông Hồng, đây có thể là giải pháp hiệu quả ở một số nước, nhưng quan trọng phải phù hợp với điều kiện của Hà Nội".

Cáp treo ở Mexico để chống tắc đường

Cáp treo ở Mexico để chống tắc đường

Trên thực thế, thống kê tại Hà Nội cho thấy, hiện đã có 7 cây cầu ở Hà Nội bắc qua sông Hồng là Long Biên (nối Q. Hoàn Kiếm với Q. Long Biên); Chương Dương nối Q. Hoàn Kiếm với Q. Long Biên); Thanh Trì (nối Q. Hoàng Mai với Q. Long Biên); Vĩnh Tuy (nối Q. Hai Bà Trưng với Q. Long Biên); Thăng Long (nối Q. Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh), Vĩnh Thịnh (nối huyện Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) và Nhật Tân (nối Q. Tây Hồ với huyện Đông Anh).

Không chỉ vậy, giai đoạn từ 2016 - 2030 Hà Nội còn có kế hoạch tiếp tục xây dựng thêm 10 cầu qua sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì; cầu Vân Phúc; cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên; cầu/hầm Trần Hưng Đạo; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu Ngọc Hồi; cầu Mễ Sở; cầu Phú Xuyên.

Như vậy, việc triển khai cáp treo qua sông Hồng liệu có phải là một đề xuất hợp lý? Được biết trước đó, từng có một nhà đầu tư đề xuất làm cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất để giảm kẹt xe. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị dư luận và các chuyên gia phản đối kịch liệt, giờ đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng liệu có lặp lại kịch bản cũ?

Chia sẻ với Reatimes, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại: "Chúng ta cần phải xác định rõ tính khả thi của dự án và mục đích thật sự của chủ đầu tư khi đề xuất làm cáp treo. Tôi cho rằng, dự án cáp treo vượt sông Hồng không mang tính khả thi cao, khó giải quyết vấn đề giao thông, thậm chí có thể lấy đi của Hà Nội nhiều quỹ đất.

Theo TS. Thủy phân tích, trên thế giới chưa có nhiều nước làm cáp treo ở trong nội đô mà chỉ làm cáp treo để phục vụ ngành du lịch. Chúng ta phải quan tâm rằng, làm cáp treo cho mục đích vận tải giao thông chưa thực tế ở Việt Nam vì cáp treo chỉ làm ở những nơi có địa hình hiểm trở, đường đi gặp nhiều khó khăn hoặc muốn giữ bảo tồn cảnh quan. Bên cạnh đó, kinh phí vận chuyển cáp treo rất đắt, cao hơn vận chuyển bằng xe buýt. Tuổi thọ của cáp treo thấp, phụ thuộc về hệ thống cáp, ròng rọc, cabin... năng suất thấp. Ngoài ra, trước và sau khi người dân đi cáp treo, họ sẽ phải di chuyển tiếp bằng phương tiện nào để đến những chỗ khác? Vì thế, nếu xây cáp treo, chúng ta lại tiếp tục phải nghiên cứu hệ thống giao thông phụ trợ đi kèm.

TS. Thủy nhấn mạnh: "Trên thực tế, làm bất kì dự án nào cũng phải tính toán câu chuyện giải phóng mặt bằng. Ví như chúng ta làm cáp treo với trụ hoặc những nơi cáp treo đi qua thì đất đai cần quy hoạch ra sao để đảm bảo tính an toàn cho người dân bên dưới? Đầu tư cho cáp treo có thực sự hiệu quả hơn việc đầu tư các phương tiện công cộng khác như BRT, Metro hay không?". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top