Aa

Cắt điện, nước không là thuốc chữa bệnh xây sai phép, không phép

Thứ Sáu, 22/11/2019 - 17:00

Dù đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc xây dựng sai phép, không phép, vẫn luôn là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Do đó, cần có biện pháp hiệu quả để giải quyết tận gốc vấn đề.

Cắt điện, nước đối với công trình sai phạm

Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2019, Sở đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Phần lớn tập trung tại những khu vực có mức đô thị hóa nhanh như huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Thủ Đức…

Nguyên nhân được cho là do sự yếu kém trong phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị quận/huyện. Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, ngay cả nhà thầu xây dựng và đơn vị giám sát dự án cũng làm chưa tốt.

Để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, cuối tháng 7/2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký Chỉ thị số 23 yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm vi phạm.

Tại Chỉ thị số 23, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đưa ra hàng loạt giải pháp để chấn chỉnh như tổ chức lại lực lượng thanh tra, giao cấp quận/huyện xử lý công trình không phép, sai phép, còn Thanh tra Sở Xây dựng xử lý các công trình lớn, đặc thù, phức tạp.

Giao các quận/huyện, phường/xã/thị trấn rà soát, lập danh sách tổ chức, cá nhân chuyên nghiệp đã xây dựng các công trình không phép, trái phép tại địa phương để nhắc nhở, cảnh báo và yêu cầu viết cam kết không vi phạm. Phường/xã/thị trấn nào để xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý thì tổ chức đảng nơi đó không được công nhận là trong sạch, vững mạnh; người đứng đầu cấp ủy và chính quyền không được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thành ủy cũng giao UBND Thành phố chỉ đạo và hỗ trợ quận/huyện. Trong năm 2019, tất cả các quận/huyện triển khai hệ thống trực tuyến ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân, trong đó có vi phạm trật tự xây dựng, qua tin nhắn (mô hình Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến), đảm bảo tất cả các sai phạm về trật tự xây dựng đã được người dân phản ánh đều được xử lý đúng pháp luật.

Tại hội nghị bàn về các giải pháp quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, quận, huyện gấp rút thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh ngay công tác vi phạm xây dựng trong thời gian tới.

Theo đó, UBND các huyện/quận, xã/phường/thị trấn, cần tập trung chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá tình hình xây dựng trên địa bàn và chỉ rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu trong việc để xảy ra các sai phạm về xây dựng không phép, sai phép, không đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Kiên quyết tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng theo các quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND quận/huyện…

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất giải pháp chế tài nhằm nâng cao hiệu lực quản lý về trật tự xây dựng, như không cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng; chưa cho xuất cảnh đối với các cá nhân, đại diện theo pháp luật của các tổ chức khi đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; xử lý hình sự đối với các vi phạm về trật tự xây dựng…

Cần giải quyết tận gốc

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, lãnh đạo UBND Thành phố rất cương quyết lập lại trật tự trong bối cảnh tình hình xây dựng sai phép ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào hệ thống pháp luật hiện nay thì không thể xử phạt theo đề nghị của UBND Thành phố được.

Nguyên do bởi nếu công trình sai phép bị cắt điện, nước, thì chủ công trình có thể kéo một máy phát điện tới để thi công, thậm chí đấu nối từ một nguồn khác để sử dụng. Việc này có thể sẽ tốn thêm chi phí đối với chủ công trình, nhưng vẫn có thể làm được.

“Dưới góc độ cá nhân là một chuyên gia, tôi nghĩ không nên áp dụng biện phạm cắt điện, nước đối với công trình sai phạm. Bởi nếu cắt điện thì họ có thể đấu nối từ một nguồn khác. Cắt nước thì người ta có thể khoan nước hoặc mua nước từ xe bồn về sử dụng…, nên không giải quyết được tận gốc vấn đề”, ông Châu nói.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Văn Duẩn, Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Niên cho biết, việc cắt điện, nước đối với những công trình vi phạm xây dựng là không có cơ sở pháp lý, thậm chí không đúng so với quy định pháp luật.

Bởi giữa công ty điện lực và khách hàng có ký kết hợp đồng giao dịch dân sự. Trong đó, có các điều khoản quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ giữa bên mua và bên bán. Khi bên mua vi phạm quy định trong hợp đồng thì bên bán có quyền tạm ngừng, thậm chí chấm dứt hợp đồng. Còn trong trường hợp này, người dân vi phạm trật tự xây dựng, chứ không vi phạm hợp đồng điện, nên nhà cung cấp không có cơ sở để chấm dứt hợp đồng, càng không thể chấm dứt hợp đồng dân sự bằng quyết định hành chính của Nhà nước.

Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực TP.HCM hiện đang lâm vào thế khó trước yêu cầu cắt điện công trình xây dựng vi phạm từ UBND TP.HCM. Bởi theo quy định về trình tự, thủ tục cấp điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành thì không đề cập đến việc không cấp điện nếu khách hàng vi phạm trật tự xây dựng. Do đó, đơn vị này đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Công thương để xem xét.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Chủ tịch HoREA cho biết, các trường hợp xây dựng sai phép, không phép hiện nay chủ yếu phổ biến trong dân, công trình dân dụng. Do đó, cần phải xem lại và mở rộng diện công trình được miễn giấy phép xây dựng.

Tại nhiều nước trên thế giới hiện chỉ có 2 quy hoạch chính là 1/500 và thiết kế đô thị. Trong quy hoạch thiết kế đô thị có quy định rất rõ về việc xây dựng mặt tiền cũng như màu sắc của toàn bộ lô nhà. Do đó, không cấp giấy phép xây dựng, nên không có trường hợp xây dựng sai phép hay trái phép. Tuy nhiên, khi phát hiện chủ nhà xây sai chỉ tiêu quy hoạch và thiết kế đã được duyệt thì sẽ bị phạt rất nặng.

“Vấn đề của chúng ta bây giờ là hoàn thiện hệ thống pháp luật xây dựng, để nghiên cứu có nên mở rộng diện miễn giấy phép xây dựng hay không. Bên cạnh đó, chúng ta phải làm dịch vụ công, nghĩa là Nhà nước phải cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân”, ông Châu nói và lý giải thêm, dịch vụ công là Nhà nước cung cấp quy hoạch 1/2.000, 1/500, thiết kế đô thị cho người dân.

Khi có quy hoạch 1/500 và thiết kế đô thị, thì nhà phố hay nhà trong khu phố không cần phải xin giấy phép xây dựng. Người dân chỉ cần nhập địa chỉ của mình vào là có thể biết mình được làm những cái gì trên đó. Hơn nữa, khi có 2 cái này rồi, thì sẽ khuyến khích người dân hợp thửa, giống như bây giờ chính quyền đang khuyến khích người dân hiến đất để làm đường và mở rộng hẻm.

“Khi mình đã có quy hoạch hợp lý, người dân cảm thấy việc hợp thửa lại với nhau mà có lợi, Nhà nước có lợi, cộng đồng có lợi... thì sẽ giảm bớt trường hợp xây dựng trái phép, không phép. Ở góc độ quản lý thì phải tăng cường hậu kiểm”, ông Châu nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top