Aa

“Cắt về đúng trạng thái thì chẳng có vấn đề gì cả”

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Sáu, 24/11/2017 - 06:01

Dù kết thúc tháo dỡ giai đoạn 1 vào tháng 10/2016 và chốt phương án phá dỡ giai đoạn 2 vào tháng 10/2017 nhưng tính đến thời điểm hiện nay, việc tháo dỡ công trình 8B Lê Trực vẫn đang rất lúng túng khi Hà Nội còn đang phân vân giữa hai phương án thi công.

Tại Hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Trần Việt Trung cho biết, liên quan đến công việc xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, Chính phủ có giao cho Hà Nội và Hà Nội cũng có hứa với Chính phủ thực hiện xong trong tháng 10.

Tuy nhiên, ông Trung thừa nhận, về mặt kỹ thuật đang có những vấn đề khó khăn. Theo đó, nguyên nhân chậm phá dỡ sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2 là bởi Hà Nội đang phối hợp với Bộ Xây dựng để xem xét đánh giá hai phương án.

Cụ thể, phương án thứ nhất nếu cắt dọc thì toàn bộ kết cấu sẽ bị ảnh hưởng, bắt buộc phải triển khai vấn đề chống đỡ từ tầng hầm lên tất cả các tầng. Như vậy, sẽ ảnh hưởng luôn cả các tầng còn lại, khi đó làm phá vỡ kết cấu của tòa nhà.

Phương án thứ hai, nếu cắt ngang thì phải giải quyết được với chủ đầu tư những vấn đề liên quan, thống nhất để triển khai thực hiện. Bởi hiện nay, việc xử lý sai phạm không phải chỉ số tầng mà còn một số việc (diện tích, chiều cao vi phạm…).

Trước đó, ngày 2/11/2015, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng về việc quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án tại số 8B phố Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trong đó nêu rõ, chủ đầu tư đã bất chấp pháp luật, không thực hiện đúng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc theo giấy phép xây dựng. Việc vi phạm của tòa nhà 8B phố Lê Trực là nghiêm trọng. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan hữu quan phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Thời gian qua quan điểm chỉ đạo công việc của thành phố Hà Nội là rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, ở vụ việc 8B Lê Trực vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ rằng Hà Nội đã thực sự chỉ đạo thành công? Nên chăng để đốc thúc công việc, nhất là việc phá dỡ sai phạm của tòa nhà cần phải rõ ràng hơn nữa về thời gian, đơn vị chỉ đạo?

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống cẩu tháp vẫn nằm dài chờ xử lý phần sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực giai đoạn 2.

Công nhân phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực.

Công nhân phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực.

Trước nhiều ý kiến lo ngại rằng, việc xử lý sai phạm của tòa nhà 8B Lê Trực có thể sẽ còn kéo dài thêm do phân vân phương án, chia sẻ với Reatimes, PGS.TS. Nguyễn Đình Thám, Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, vấn đề cắt ngang hay cắt dọc phụ thuộc vào yếu tố của công trình. Thế nên dù cắt thế nào thì cuối cùng vẫn trở về kết cấu đã được duyệt. Câu chuyện là cắt ngang hay cắt dọc để trở lại được đúng như khối ban đầu, giống như bỏ đi một viên gạch thừa thì chẳng có ảnh hưởng gì cả.

Chỉ trong trường hợp khi cắt để lại khối không đúng như phê duyệt thì phải xem kết cấu ấy có thay đổi gì không. Hoặc trong trường hợp cắt rồi mà thấy có gì không đúng thiết kế đã phê duyệt trước đó thì phải xem thiết kế hiện tại có thích ứng được hay không?

Ông Thám nhấn mạnh: “Theo tôi, một công trình khi đã sai thì phải tìm cách xử lý cho bằng được. Xử lý phần vi phạm là trách nhiệm của bên thiết kế phương án thi công, họ làm như nào là việc của họ, miễn sao đảm bảo đúng tiến độ được đề ra. Không thể lấy lý do kết cấu của tòa phức tạp mà không tiến hành phá dỡ phần sai phạm hay chậm tháo dỡ tại tòa nhà 8B Lê Trực.

Theo tôi, cắt về đúng trạng thái thì chẳng có vấn đề gì cả. Chỉ sợ là phần để lại không đúng thiết kế thì nó sẽ có thể dẫn đến sự cố còn cứ làm đúng theo thiết kế thì chẳng có gì phải bàn, cắt ngang, cắt dọc đến chỗ nào cũng được hết. Quyết định của thành phố đã phê duyệt thế nào, anh nào mà làm quá lên thì cứ cắt đi chẳng có vấn đề gì cả. Làm thêm mới có vấn đề chứ cắt đi thì có khó gì”.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám cũng chia sẻ, trong quá trình phá dỡ nếu có phần sai phạm dùng biện pháp cơ giới gặp khó khăn thì hãy chuyển sang phương pháp thủ công. Phần sai phạm nào có thể phá bằng biện pháp cơ giới mà không ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà thì cứ tiến hành theo đúng trình tự. Điều này các đơn vị thi công hoàn toàn có thể làm được dễ dàng.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Đình Thám hoàn toàn bác bỏ ý kiến trước đó cho rằng nên dừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực vì có thể sụp đổ. Ông lý giải: “Có rất nhiều công trình đã từng sai phạm bị buộc phải tháo dỡ và không xảy ra vấn đề gì. Tòa 8B Lê Trực không phải là trường hợp có kết cấu phức tạp như các doanh nghiệp nghĩ. Ngày trước lấy lý do rằng chưa có phương án thi công, nay có phương án thi công rồi thì cứ thế mà làm”.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng chia sẻ với Reatimes rằng việc một toà nhà được bỏ bớt số tầng và các hạng mục phía trên sẽ làm cho toà nhà nhẹ hơn, không hề ảnh hưởng gì đến kết cấu của kiến trúc toà nhà.

Ông Liêm cho hay: “Sai phạm tại dự án đó đã quá rõ ràng không phải băn khoăn gì chuyện phá dỡ. Đưa ra hai phương án thì đều có thể thực hiện được, quan trọng là việc phá dỡ phải được thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật. Phá dỡ có thể gây hư hỏng và cũng có thể không gây hư hỏng, tùy thuộc vào kỹ thuật của đơn vị thực thi”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top