Dự án xây dựng cầu Cát Lái thay phà Cát Lái kết nối trực tiếp khu vực TP Thủ Đức (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là một trong những dự án giao thông kết nối quan trọng của vùng Đông Nam Bộ. Đây cũng là hạng mục quan trọng trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành với TP.HCM bên cạnh tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Dự án xây dựng cầu Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM vào năm 2017. Tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với TP.HCM thực hiện dự án xây dựng cầu Cát Lái.
Ngay sau khi được Thủ tướng chấp thuận giao làm chủ trì dự án, Đồng Nai đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng 3 phương án hướng tuyến để các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, lựa chọn phương án phù hợp. Tuy nhiên, từ đó đến nay, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của 2 địa phương, TP.HCM vẫn chưa đồng ý với một phương án hướng tuyến nào. Nguyên nhân là do các phương án chưa giải quyết dứt điểm những ảnh hướng đến hoạt động của cảng Cát Lái cũng như điều tiết lưu lượng được phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy.
Mới đây, ngày 2/4/2021, các cơ quan chức năng giữa 2 địa phương đã tiếp tục họp bàn về dự án này. Tại cuộc họp, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, phương án 2 về cơ bản đảm bảo hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động hiện hữu của cảng Cát Lái và tiết giảm lưu lượng giao thông trên đường Nguyễn Thị Định ra vào nút giao Mỹ Thủy.
Theo phương án 2, hướng tuyến cụ thể khi thực hiện xây dựng cầu Cát Lái được xác định có điểm đầu giao cắt với đường vành đai 2 tại cầu Kỳ Hà 3 và 4, tuyến đi dọc theo hành lang xanh của rạch Ngọn Ngay và vượt sông Đồng Nai sang huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau khi sang phía Đồng Nai, tuyến đi qua khu vực đất nông nghiệp thuộc các xã Phú Hữu và Phú Đông (H.Nhơn Trạch) và cắt qua đường tỉnh 25C, kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại điểm cuối dự án.
Công ty CP Tư vấn thiết kế GT-VT - đơn vị tư vấn thiết kế dự án cho biết, phương án 2 có khối lượng giải phóng mặt bằng ít và cũng ảnh hưởng ít tới các dự án hiện hữu trên địa bàn TP.HCM như khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B, Cụm công nghiệp Q.2 và khu trung tâm môi trường nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đặc biệt, tổng mức đầu tư theo phương án 2 cũng ở mức thấp nhất.
Cũng theo phương án do đơn vị tư vấn đề xuất, để thuận tiện cho việc đầu tư theo hình thức kết hợp BOT và ngân sách 2 địa phương, dự án xây dựng cầu Cát Lái sẽ được phân chia làm 2 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 sẽ bắt đầu từ nút giao với đường Vành đai 2 đến hết trạm thu phí, được đầu tư theo hình thức đầu tư PPP kết hợp sử dụng vốn BOT và ngân sách TP.HCM, tỉnh Đồng Nai. Còn dự án thành phần 2 từ trạm thu phí đến cuối tuyến sẽ đầu tư theo hình thức đầu tư công sử dụng ngân sách tỉnh Đồng Nai.
Đáng chú ý, để thực hiện xây dựng cầu Cát Lái theo như phương án đề xuất, 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất khoảng 40ha. Cụ thể, đối với dự án thành phần 1, diện tích đất chiếm dụng của dự án là hơn 16ha, trong đó trên địa bàn TP.HCM là khoảng 5,6ha, trên địa bàn Đồng Nai là hơn 10,5ha. Đối với dự án thành phần 2, diện tích đất chiếm dụng của dự án là gần 24ha.
Dù cơ bản đánh giá phương án 2 đã khắc phục được các tồn tại khi xây dựng cầu Cát Lái nhưng Sở Giao thông vận tải TP.HCM vẫn cho rằng, phương án này còn có một số điểm cần phải rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung thành một phương án tối ưu. Do đó, việc xác định được một thời điểm chính xác để khởi công xây dựng cầu Cát Lái vẫn đang nằm ở “chế độ chờ”.