Giá đất dự báo sẽ tăng
Một số ý kiến cho rằng, giá bất động sản Nhơn Trạch (Đồng Nai) có thể có những biến động tăng mạnh khi khởi công xây dựng cầu Cát Lái. Đặc biệt, mức tăng giá bất động sản sẽ biến động nhiều nhất ở các xã Phú Hữu, Phú Đông, Đại Phước, Phước Khánh và một phần xã Vĩnh Thanh. Đây là những xã rất gần với TP.HCM, cho nên khi cầu xây sẽ có lượng lớn dân TP.HCM đổ về đây mua đất xây nhà và đi làm ở trung tâm thành phố với khoảng cách khoảng 16 - 18km (tức mất khoảng 30 - 40 phút vào trung tâm).
Hiện tại, khi cầu chưa khởi công thì hoạt động “săn” đất ở khu vực giáp ranh với quận 2, TP.HCM đã âm thầm diễn ra suốt thời gian qua. Giá đất thổ cư tại các xã như Phú Hữu, Đại Phước hiện đã rơi vào mức trên 30 triệu đồng/m2, đất trong hẻm ở mức 20 - 25 triệu đồng/m2. So với cuối năm 2018, mức giá này đã tăng khoảng 50 - 70% (tùy vị trí).
Những miếng đất có mặt tiền, gần cầu Cát Lái ghi nhận mức giá hiện tại vào khoảng 35 - 40 triệu đồng/m2, tăng khoảng 30% so với đầu năm 2019. Trong khi giá đất nông nghiệp hiện khoảng 1 - 1,4 tỷ đồng/ 1.000m2. Mức này cũng đã tăng gấp đôi so với 1 - 1,5 năm trước. Đã có rất nhiều nhà đầu tư sở hữu đất nông nghiệp tại Nhơn Trạch và “đút túi” hàng chục tỷ đồng do mức tăng giá cao hàng năm.
Đây là mức giá biến động ở thời điểm hiện tại khi mà cầu Cát Lái còn trên “giấy tờ”. Theo dự tính của giới đầu tư, khi có thông tin chính thức thời gian động thổ cầu Cát Lái (nối quận 2, TP.HCM với huyện Nhơn Trạch) giá đất tại khu vực này có thể tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm hiện tại. Hiện thông tin xây dựng sân bay quốc tế Long Thành cũng đã khiến giá đất tại các xã giáp ranh với Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu như Long Thọ, Phú Hội, Vĩnh Thanh…. rục rịch ở thời điểm này. Theo ghi nhận, hiện khá nhiều nhà đầu tư TP.HCM nắm quỹ đất tại khu vực này và chờ đợi chốt lời khi cầu khởi công.
Mới đây, tỉnh Đồng Nai thông qua bảng giá đất mới trong vòng 5 năm tới. Theo đó, giá đất tại các tuyến đường đều tăng, mức tăng phổ biến từ 1,5 đến 3 lần so với giá hiện hành. Trong khi đất thương mại, dịch vụ được tính tương ứng với 70% giá đất ở cùng khu vực, vị trí, tuyến đường. Việc bảng giá đất tăng cao cũng tác động đến mặt bằng giá bất động sản chung ở các khu vực của Đồng Nai. Trong đó, ở một số khu vực có thêm tác động của hạ tầng, theo dự báo của các chuyên gia giá bất động sản dự kiến tăng đột biến.
Chuyên gia: Cần thiết xây cầu vì có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế
Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay thế phà Cát Lái trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Đồng Nai với UBND TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình. Thông tin này lần nữa khẳng định việc cấp thiết xây dựng cầu Cát Lái. Và, bất động sản khu vực sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi lớn từ yếu tố này. Theo dự báo, nếu trước đến nay bất động sản Nhơn Trạch chủ yếu dành cho nhu cầu đầu tư, cầu Cát Lái hiện hữu sẽ thúc đẩy mạnh nhu cầu ở thực. Không chỉ giúp người dân thoát cảnh “qua sông lụy phà”, cầu Cát Lái được cho là sẽ kéo giảm ùn tắc, giãn dân và biến Nhơn Trạch thành ngoại ô của TP.HCM.
Theo các chuyên gia, không chỉ giải quyết vấn đề giao thông, kết nối, khởi công cầu Cát Lái có vai trò rất quan trọng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của Đồng Nai và cả TP.HCM, nhất là thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch mà hai địa phương có thế mạnh. Đồng thời bất động sản ở cả khu Đông Sài Gòn và huyện Nhơn Trạch Đồng Nai luôn nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư và giá không ngừng tăng.
Ông Phạm Sanh, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải cho biết, ông rất đồng tình với chủ trương xây dựng cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch. Đây là cây cầu mà thành phố nên xây từ lâu rồi chứ không phải chờ đến bây giờ mới làm vì nó có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, xã hội và cả an ninh quốc phòng.
Hiện lượng xe từ Nhơn Trạch qua phà Cát Lái để đến TP.HCM và ngược lại rất lớn. Vì vậy, cầu sẽ có ý nghĩa về mặt giao thông, nhất là giao thông đối ngoại của TP.HCM, giúp nối kết giữa thành phố với Đồng Nai và cả Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong tương lai khi có thêm các tuyến cao tốc và vành đai mới thì cầu còn có tác dụng kết nối với những công trình này.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thiềm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị TP.HCM cho rằng hiện ở khu vực Cát Lái đã có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nối TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng hướng tuyến chủ yếu vẫn là kết nối với Phan Thiết, Đà Lạt. Vì thế, cầu Cát Lái sẽ là sự kết nối thuận tiện về giao thông giữa TP.HCM với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu giảm được hơn chục cây số mà không phải mất thời gian chờ phà như trước đây.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM từng cho hay, chủ trương xây cầu Cát Lái cũng là một trong những nội dung mà Hiệp hội từng kiến nghị với lãnh đạo thành phố để tăng thêm năng lực giao thông kết nối TP.HCM với Đông Nam Bộ và cả sân bay Long Thành sau này. Theo ông Châu, khởi công xây cầu Cát Lái sẽ giúp thực hiện được mục tiêu biến Nhơn Trạch thành ngoại ô TP.HCM, đồng thời tăng khả năng kết nối TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu thuận lợi hơn nữa. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần kéo giãn lượng dân cư, thay vì ở TP.HCM người ta có thể về Nhơn Trạch ở và đến TP.HCM làm việc rất thuận lợi.