Câu chuyện cảm động “viết“ bằng ngôn ngữ kiến trúc
"Nhà của mẹ" - hơn cả một thiết kế đẹp, đó là câu chuyện cảm động về món quà dung dị mà người con hiếu thảo dành tặng cho đấng sinh thành, được thể hiện bằng cách dẫn chuyện đầy tinh tế của ngôn ngữ kiến trúc.
*****
"Bố mình mắc bệnh hiểm nghèo từ lúc mình 3 tuổi, mẹ mình vừa lo chạy chữa cho bố vừa nuôi mình ăn học. Ngày bố mất, gia đình cũng không còn gì, mọi thứ bán hết để lo chạy chữa cho bố. Để duy trì cuộc sống và hy vọng, mẹ con mình thuê một căn phòng 10m2 ở Hà Nội, mẹ đi làm nhiều việc từ sáng đến tối. Mình không muốn mẹ phải vất vả thêm nữa, năm 17 tuổi mình vào Sài Gòn, mẹ mình vẫn tiếp tục làm việc ở Hà Nội vì còn phải về quê chăm lo việc gia đình.
Sau 10 năm hai mẹ con sống xa nhau, mình cũng dành dụm kiếm đủ tiền, mình nói với mẹ nghỉ làm, con có thể lo cho mẹ được rồi và đón mẹ vào Sài Gòn. Nhưng mẹ muốn về quê gần chị gần em, gần mộ bố. Mình mua được miếng đất nhìn ra cánh đồng mà mẹ thích và xây Nhà của mẹ", đó là những chia sẻ đầy xúc động của chàng trai trẻ Nguyễn Quang Tâm và sự khởi nguồn cho công trình độc đáo mang tên "Nhà của mẹ" ra đời.
"Mình tìm gặp ngay kiến trúc sư ngỏ lời giúp mình hoàn thiện “Nhà của mẹ” và may mắn khi gặp được vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Minh Thuỷ và Trịnh Hải Long, như đọc được suy nghĩ và ước muốn của mẹ mình", Nguyễn Quang Tâm kể.
NGÔI NHÀ GỢI KÝ ỨC THỜI THƠ ẤU, KHÔNG GIAN MỞ ĐỂ GÓC NÀO CŨNG THẤY NHAU
Sau khi mua được mảnh đất với diện tích 150m2 nhìn ra cánh đồng ở nơi quê hương của mẹ, Tâm cùng 2 kiến trúc sư đã lên ý tưởng cho ngôi nhà.
"Vì đây là một ngôi nhà tặng mẹ, nên chủ nhà mong muốn ngôi nhà phải mang dáng dấp dịu dàng, gần gũi của một ngôi nhà truyền thống, gợi nhớ về ngôi nhà thời thơ ấu của anh ngày xưa. Chủ nhà là một đạo diễn và nhiếp ảnh gia, nên đồng thời cũng muốn ngôi nhà có một chút chất nghệ, không gian phóng khoáng, tránh sa đà quá nhiều vào trang trí, và là phiên bản duy nhất, không thể lỗi thời. Tuy nhiên người sử dụng lại là mẹ anh, vậy nên ngôi nhà phải tiện nghi, đảm bảo sức khỏe và sự tiện lợi nhất cho người sử dụng. Kết hợp giữa yêu cầu nghệ thuật và tư duy logic giống như việc sử dụng cả 2 bán cầu não cùng một lúc vậy. Chúng mình đã phải “hội chẩn” rất nhiều lần để đưa ra được phương án, và trong một giây phút khi tụi mình quay trở lại khu đất để xem xét, ý tưởng về ngôi nhà ra đời", KTS. Nguyễn Minh Thuỷ chia sẻ.
Ngôi nhà 1,5 tầng hiền hòa nép mình giữa những tán cây, lấy cảm hứng từ nếp nhà nông thôn truyền thống, gợi nhắc về căn nhà thời thơ ấu chứa đầy kỷ niệm mà đã phải bán đi khi xưa của chủ nhà. Điểm nhấn là mái nhà dốc xòe rộng, mái được đổ bê tông, chống nóng cẩn thận và lát đá, góc mái “vén” lên để đón hướng gió mát thổi vào nhà. Chống đỡ mái là cột được ốp gỗ ngoài trời như thân cây đỡ lấy ngôi nhà.
Thiết kế có hướng đi của gió vào và ra để ngôi nhà lúc nào cũng thoáng mát. Hệ cửa linh hoạt có thể mở thoáng về mùa hè, đóng kín chắn gió về mùa đông mà vẫn đảm bảo góc nhìn lãng mạn ra vườn và đủ sáng. Tất cả các phòng đều có thông gió đối lưu để đảm bảo không khí tươi liên tục, ánh sáng tự nhiên, hoàn toàn không cần bật đèn vào ban ngày.
Toàn bộ kết cấu không gian xốp của ngôi nhà như hàng hiên, sân trong, vườn sau nhà, hay lệch tầng, đều để tạo hiệu quả ánh sáng, thông gió, sự lãng mạn, ấm cúng của không gian. Để mọi người trong nhà có thể dễ dàng giao tiếp với nhau dù ở bất kỳ vị trí nào, mà vẫn riêng tư. Sự lãng mạn và những chi tiết gợi nhắc về kiến trúc truyền thống đặc biệt được chú trọng.
Thiết kế tôn trọng tối đa tự nhiên với "ngôn ngữ" của nắng, gió và ánh sáng. Đặc biệt bếp và phòng khách tạo cảm giác cho các thành viên "góc nào cũng nhìn thấy nhau" khi gia đình sum họp, giao nhau qua góc sân và khoảng trời như mong ước của mẹ
Ngôi nhà sử dụng các vật liệu cũ một cách vừa quen vừa lạ. Ngói mũi hài ốp dọc tường như cánh chim hạc, tường rào nhốt đá suối để cây cỏ có thể sinh trưởng qua thời gian, gạch ốp từ làng cổ Bát Tràng, gạch - họa tiết hoa sen thời Lý,.. Cây cũng được chọn lựa cẩn thận, những cây bưởi, cây chuối,..trên nền ngói mũi hài, thêm hệ đèn buổi tối, tạo nên các lớp lang của trang trí thấp thoáng hồn Việt, vừa giản dị lại vừa được trân trọng như một phòng trưng bày nhỏ của thiên nhiên ở trong nhà.
Trong quá trình xây dựng gặp chút khó khăn vì ở vùng quê những vật liệu xây dựng không có đúng như bản thiết kế. Nguyễn Quang Tâm và kiến trúc sư phải thu thập vật liệu hoàn thiện từ nhiều nơi khác nhau, mua gạch của làng Bát Tràng, ngói mũi hài ở Quảng Ninh, thậm chí về vùng ngoại ô của Hà Nội để tìm đến xưởng làm thủ công bồn tắm. Một số đồ đạc cũng được đăt từ TP.HCM chuyển ra nên mất nhiều thời gian và công sức cho việc tìm chất liệu hoàn thiện ngôi nhà. Tổng chi phí hoàn thiện công trình là 2,5 tỷ đồng.
KIẾN TRÚC CỦA SỰ BÌNH YÊN
“Sau khi hoàn thiện công trình, mẹ có nói với mình rằng: “Ngôi nhà là ước mơ cả đời của mẹ, không đâu thoải mái bằng nhà mình con à”. Trong ánh mắt của mẹ đã bớt nhiều âu lo. Bây giờ mình chỉ mong sáng sáng mẹ uống trà tưới cây, chiều chiều mẹ làm bánh và nấu những món mẹ thích là mình hạnh phúc lắm rồi!”, Tâm chia sẻ cảm xúc sau khi hoàn thiện món quà dành tặng người mẹ cả một đời tảo tần.
Một trong những điều ấn tượng nhất mà cặp đôi KTS truyền tải được trong "Nhà của mẹ" là cảm xúc bình yên và sự thân thuộc của các miền quê qua ngôn ngữ thiết kế.
"Ngôi nhà này đến với nhóm KTS "Nhà của gió" như một món quà bất ngờ. Một ngày Nguyễn Quang Tâm đến tìm gặp bọn mình và chia sẽ muốn làm một món quà tặng mẹ. Câu chuyện của anh Tâm cũng truyền cảm hứng đến bọn mình. Thú thực, vợ chồng mình chỉ đóng góp một phần thôi, phần nhiều là do câu chuyện, là tình cảm của người con dành cho mẹ của mình. Bọn mình chỉ là người dẫn chuyện bằng kiến trúc, cố gắng truyền tải những điều đó vào ngôi nhà, vào từng đường nét, từng góc vườn", KTS Nguyễn Minh Thuỷ chia sẻ.
Nhìn vào bức tranh thiết kế ở Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định, bài toán thiết kế kiến trúc nhà cho các miền quê đang bị bỏ ngỏ, chủ nhân có điều kiện thường có xu hướng “nhập khẩu” thiết kế như các căn biệt thự, nhà phố do chưa có những mẫu nhà phù hợp với nơi này, "Nhà của mẹ" có thể là một làn gió mới, giải bài toán cân bằng giữa yếu tố phù hợp với văn hoá đời sống miền quê dung dị, gần gũi thiên nhiên và đặc trưng giao lưu "tình làng nghĩa xóm" với nhu cầu cần những công năng, tiện ích hiện đại của gia chủ.
"Với mình thì không có mẫu số chung cho kiến trúc ở miền quê nông thôn. Bởi vì mình nghĩ, mỗi công trình là một sáng tạo duy nhất. nhiều yếu tố tác động từ điều kiện tự nhiên, văn hóa vùng miền, cá tính của chủ nhà…. Sẽ cho ra những đáp án khác nhau. Kiến trúc cổ truyền của Việt Nam rất đẹp. Tuy nhiên nhu cầu nhà ở hiện nay ngoài dáng dấp làng quê, còn cần có sự tiện nghi của khoa học kỹ thuật thời đại mới. Do đó mình muốn tạo ra những ngôi nhà vừa mang cái hồn Việt dung dị, hiền lành, vừa kết hợp với lối sống tối giản, hiện đại, tiện nghi cho người sử dụng. Đó là sự an yên mà mình hướng tới", KTS Nguyễn Minh Thuỷ chia sẻ.
Trước "Nhà của mẹ", hai KTS Nguyễn Minh Thuỷ và Trịnh Hải Long đã từng có nhiều thiết kế ấn tượng với "ngôn ngữ" rất riêng, luôn tràn ngập màu xanh, hơi thở của gió và sự bình yên.
"Từ 10 năm trước, bọn mình đã đặc biệt yêu thích và theo đuổi triết lý kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh với mình không đơn giản chỉ là trồng nhiều cây, mà còn phải đảm bảo rất nhiều yếu tố như thông gió, ánh sáng tự nhiên, công năng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, sự tối giản, xử lý các yếu tố khí hậu phù hợp với từng khu đất, và nhất là sự khiêm nhường của công trình trong cư xử với môi trường xung quanh. Vợ chồng mình cũng theo đuổi việc tạo cảm giác yên bình trong thiết kế.
Kiến trúc với mình không phải là những khoảng đặc, sự trang trí cầu kỳ, mà chính là phần không gian rỗng mà chúng ta tận hưởng, là cảm giác an toàn, bình yên, thư giãn khi trở về nhà. Đó là lý do vì sao mình đặt tên văn phòng là “Nhà của Gió” - Cũng chính là tên của ngôi nhà mình đang sống. Chữ “Gió” ở đây vừa hàm ý Kiến trúc xanh, vừa là sự tự do, phóng khoáng trong thiết kế mà vợ chồng mình muốn hướng tới.
Yếu tố quan trọng nhất để làm nên một ngôi nhà có tình cảm, đó chính là lắng nghe. Bởi có thể đối với kiến trúc sư, thiết kế nhà là một công việc thường ngày quá quen thuộc. Nhưng với chủ nhà, xây nhà là việc mà đời người chỉ có 1- 2 lần, đó là bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu giấc mơ gửi gắm vào. Chính điều đó sẽ làm nên chất riêng duy nhất cho mỗi ngôi nhà, kiến trúc sư là người sử dụng kiến thức và chất nghệ thuật của mình một cách quyết liệt để dẫn giải câu chuyện đó thành kiến trúc.
Nếu trong một công trình mà ý muốn thể hiện bản thân của nhà thiết kế quá lớn, chỉ mong muốn có một công trình lạ mắt để nổi tiếng, mà người sử dụng lại không thật sự được an yên nhất trong ngôi nhà của mình, đó chỉ là công trình để trưng diện. Khi một công trình dung hòa được cả yếu tố độc đáo, công năng sử dụng, không gian phóng khoáng, gia giảm thêm một chút chất nghệ thuật và gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của một gia đình, lúc đó tự nhiên công trình sẽ tình cảm, trước hết là những người trong gia đình càng sống trong ngôi nhà lâu sẽ càng yêu mến nó".