Aa

Cầu thủ sẽ là "spotlight" trong làng quảng cáo

Thứ Tư, 11/12/2019 - 12:50

Cầu thủ Việt Nam đang gặt hái được nhiều thành công trên sân cỏ thế giới và từ những thành công này các cầu thủ bắt đầu được định giá từ những thước phim TVC và gương mặt đại diện cho các nhãn hàng.

Việc quảng cáo bằng băng rôn, áp phích trên sân đã “lạc mốt”, giờ đây nhãn hàng đang có xu hướng thuê ngôi sao bóng đá đóng TVC, viết status, livestream... để đưa trực tiếp sản phẩm đến người dùng.

Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, quảng cáo có cầu thủ Việt Nam được biết tới nhiều nhất là Shopee (25%), được yêu thích thứ 2 là Sư Tử Trắng (13%), theo sau là LG (13%), Viettel (11%) và Acecook (8%). Shopee cũng có chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng (NPS) cao nhất, tiếp theo là Viettel và LG. “Quảng cáo của Shopee đặc biệt lôi cuốn dành người tiêu dùng nữ với 27% thích quảng cáo này nhất”, báo cáo của Q&Me cho biết.

Bùi Tiến Dũng và Quang Hải là hai cái tên đắt show quảng cáo

Yếu tố quan trọng nhất dành cho quảng cáo thành công đó là sự vui nhộn/hài hước, sáng tạo, và dễ hiểu. Người tiêu dùng Việt đồng thời thích sự xuất hiện của cầu thủ Việt Nam trong quảng cáo với 38% nói rằng họ thích quảng cáo này bởi vì có các cầu thủ trong đó.

Gương mặt vàng trong làng cầu thủ quảng cáo là Quang Hải với 37% người tiêu dùng muốn xem anh, theo sau là Bùi Tiến Dũng (8%), Văn Lâm (5%), Xuân Trường (4%) và Công Phượng (3%).

Cơn bão U23 quét qua các ngõ ngách của Việt Nam cũng là khi các cầu thủ bắt đầu được định giá thương hiệu và đến với các TVC quảng cáo. Bùi Tiến Dũng là cầu thủ trở thành ngôi sao quảng cáo sau giải đấu này. Anh không chỉ nhận được sự săn đón của truyền thông mà còn của nhiều nhãn hàng. Sau đó là hàng loạt những thước phim quảng cáo cho Shopee, thực phẩm KIDO, các nhãn hàng quần áo... bước lên sàn catwalk.

Thậm chí, thời điểm đó, một bảng báo giá được tính bằng USD cho cầu thủ này tung lên mạng cho thấy các nhãn hàng chịu chi cho các cầu thủ quảng cáo như thế nào. Đăng quảng cáo trên Facebook cá nhân có giá hơn 2.500 USD, livestream là 5.000 USD, tham dự event giá 10.000 USD, check - in địa điểm là 5.000 USD, giá quay quảng cáo là 50.000 USD, chụp ảnh 10.000 USD. Nếu trở thành gương mặt đại diện cho một ngành hàng thì mức thù lao được ấn định cho Bùi Tiến Dũng lên tới hơn 123.000 USD (tương đương hơn 2,7 tỷ đồng).

Bùi Tiến Dũng bước lên sàn catwalk

Với những ngôi sao trên thế giới thì việc định giá trên khá bình thường nhưng ở thời điểm đó ở Việt Nam khá mới mẻ.

Nhận thấy, người Việt ngày càng quan tâm đến bóng đá và các nhãn hàng đã nắm ngay cơ hội này. Sau Bùi Tiến Dũng, hàng loạt các ngôi sao sân cỏ bước vào làng quảng cáo như Quang Hải, Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường... và từ đó, người tiêu dùng bắt đầu quen với hình ảnh các ngôi sao sân cỏ trên sản phẩm.

Ngoài ra, loại quảng cáo giờ vàng của trận đấu cũng là hình thức hot không kém thuê cầu thủ làm đại diện. Các nhãn hàng phải bỏ ra mức phí 950 triệu đồng nếu muốn xuất hiện 30 giây quảng cáo trên Đài truyền hình VTV trong trận chung kết U22 Việt Nam - U22 Indonesia.

Giấc mơ vàng chiến thắng trong SEA Games 30 thành hiện thực có thể lại là cú đẩy để các gương mặt cầu thủ mới vào làng quảng cáo (Ảnh: Vietnamnet).

Mức giá trên cao gấp nhiều lần so với nhiều chương trình phát sóng trên VTV. Chẳng hạn giá quảng cáo 30 giây thường ngày trong chương trình Chào buổi sáng trên VTV1 từ 5h30 - 6h00 rơi vào 15 triệu đồng. Hay sự kiện nóng diễn ra gần đây là đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, 30 giây trả phí quảng cáo 70 triệu đồng, thấp hơn 13 lần so với 30 giây xuất hiện trong trận chung kết bóng đá nam có Việt Nam thi đấu.

Sau chiến thắng tại SEA Games 30, U23 Việt Nam đang càn quét khắp các mặt trận của truyền thông thì chắc chắn, những thước TVC và đại sứ thương hiệu sẽ không còn hạn chế ở các ngôi sao trong showbiz mà sẽ có sự “chiếm sóng” của các ngôi sao trên sân cỏ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top